(ĐSPL) - Tết đã đến rộn ràng ngoài ngõ, thế nhưng trong căn nhà dột nát của bà cụ Hứa vẫn hiu quạnh, gió lạnh lùa từng cơn rét buốt. Khuôn mặt khắc khổ, đôi tay run run chỉ về phía rổ cơm khô khốc, bà chia sẻ: “Nhà trên xóm dưới đều đã háo hức đi sắm sửa đón Tết rồi, nhưng với nhà tôi thì ngày nào cũng vậy thôi. Tết nhất chỉ thấy cảnh nhà mình thêm hiu quạnh. Tết này hai mẹ con chỉ mong bụng đủ no và áo đủ ấm là tốt lắm rồi”.
Chúng tôi đến thăm bản Chinh vào một ngày giáp Tết, trong khi những nhà khác đã rộn ràng sắm sửa đón Tết, trang hoàng nhà cửa thì nhà bà cụ Hà Thị Hứa (78 tuổi), tại xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) vẫn lạnh lẽo và cô quạnh.
Trong căn nhà trống hoắc không có thứ gì giá trị, chúng tôi bắt gặp cụ Hứa ngồi co ro trên chiếc giường bằng tre ọp ẹp kê gần bếp lửa. Trên giường chứa đủ thứ linh tinh, quần áo chăn chiếu bừa bộn. Bên cạnh là người con trai của cụ, ông Cầm Bá Hương (đã ngoài 60 tuổi) bị bệnh vẩy nến cũng đang ngồi rên rỉ vì đau nhức.
Có lẽ đã lâu lắm rồi mới có người đến nhà nên hai mẹ con cụ Hứa tỏ ra khá bối rối khi phải tiếp khách trong căn nhà tồi tàn như vậy. Thấy chúng tôi bước vào, hai mẹ con cụ vui mừng chào hỏi rồi cụ vội bảo đứa con cất rổ cơm khô đang để đầu giường. Sau đó, cụ chỉ tay vào chiếc giường đang ngồi và nói: "Anh chị ngồi tạm đây nhé, nhà chẳng có bàn ghế nên anh chị thông cảm". Nói rồi cụ nhìn đăm đăm xuống nền nhà ẩm mốc, ngổn ngang những vật dụng nấu ăn bên bếp lửa, ứa nước mắt. Thi thoảng, từng cơn gió lạnh lại lùa qua làm cụ run lên vì rét.
Cụ Hà Thị Hứa và con trai chỉ mong một cái Tết no ấm. |
Trong căn nhà nhỏ, gọi là nhà nhưng nó chỉ như một túp lều bởi chỉ được che chắn bằng những tấm bạt, trên mái nhà đã dột nát hết cả, cụ Hứa và người con trai đã ngoài 60 đang sống nương tựa vào nhau. Cụ Hứa tuổi cao, sức yếu đã đành, giờ chỉ ngồi một chỗ không thể làm việc được nữa nhưng lại thêm căn bệnh tuổi già, chân tay lúc nào cũng run lẩy bẩy, đến cầm thìa xúc cơm cũng không nổi.
Mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào người con trai duy nhất cũng đã lớn tuổi của cụ. Sẽ không có gì đáng nói, nếu người con trai cũng lành lặn và khỏe mạnh như bao người khác. Từ nhỏ ông Cầm Bá Hương đã mắc phải bệnh vẩy nến toàn thân. Trời ấm áp còn đỡ, chứ khi mùa đông đến, căn bệnh lại hành hạ khiến toàn thân ông đau nhức, nứt nẻ và chảy máu không thể cử động được.
Đưa đôi mắt nhìn sang người mẹ già yếu, sống gần hết cuộc đời mà cái ăn hàng ngày còn phải lo lắng, nhiều lúc còn không có gì bỏ vào bụng, ông Hương chia sẽ: “Có những hôm hai mẹ con phải nhịn đói. Mẹ tôi thì tuổi già sức yếu, còn tôi thì bệnh tật hành hạ, đau đến mức không thể cử động nổi huống gì nấu cơm nấu nước. Mùa hè, tôi còn có thể làm vườn tạm bợ, trồng rau trồng cỏ, còn mùa lạnh thì không làm gì nổi. Mọi sinh hoạt của hai mẹ con chỉ dựa vào 200.000 đồng, số tiền trợ cấp ít ỏi hàng tháng của nhà nước nhưng số tiền đó không thể đủ trang trải cuộc sống. Bởi giờ mẹ tôi đã già, tôi lại đau ốm, riêng tiền thuốc thang đã chiếm hơn số tiền trợ cấp".
Mặc dù trong người mang căn bệnh quái ác hành hạ vậy mà bữa ăn của hai con người bất hạnh chẳng có gì ngoài những củ sắn, rau rừng. Dường như bữa cơm có đầy đủ cá, thịt đối với họ là một ước mơ quá xa xỉ.
Căn bệnh vẩy nến đang hành hạ con trai cụ Hứa. |
Được biết, dù đôi mắt đã mờ, chân tay yếu không thể đi lại nhưng tinh thần của cụ Hứa vẫn còn minh mẫn. Nói về hoàn cảnh éo le của gia đình mình, cụ buồn rầu tâm sự: “Trước đây, khi tôi còn khỏe mạnh thì cũng không đến mức khó khăn như thế này. Bây giờ hai mẹ con ai cũng ốm yếu không biết ai sẽ là người đi trước. Nếu được lựa chọn, giờ tôi chỉ mong được ra đi sớm để khỏi làm gánh nặng cho con”. Nước mắt rưng rưng, cụ cho biết thêm: “Tôi còn có một người con gái nữa, nhưng nó đã đi lấy chồng xa. Hoàn cảnh gia đình nó cũng nghèo lắm, làm quần quật cả năm cũng chỉ lo đủ cái ăn cái mặc hàng ngày nên không về giúp mẹ được nhiều. Cũng không ai trách được, nó cũng còn phải lo cho gia đình riêng nữa chứ”, bà nói.
Tết đã đến rộn ràng ngoài ngõ, người người nhà nhà đua nhau đi mua sắm, trang hoàng nhà cửa để đón mừng năm mới. Thế nhưng, đối với hai mẹ con cụ Hứa, dường như ăn Tết là điều xa xỉ. Trong căn nhà dột nát của cụ vẫn hiu quạnh, gió lạnh lùa từng cơn rét buốt qua tấm bạt che tạm bợ. Khuôn mặt khắc khổ, đôi tay run run bưng rổ cơm khô khốc, bà nói: “Với chúng tôi thì ngày Tết cũng như ngày thường, vẫn khổ như nhau cả thôi. Đến miếng cơm manh áo còn chẳng đủ thì Tết nhất cũng chẳng khác gì đâu. Chỉ mong một ngày được ăn ngon và mặc ấm là chúng tôi cũng mừng lắm rồi”.
Bữa cơm trưa của bà cụ Hứa là rổ cơm khô khốc. |
Chị Cầm Thị Hiên, cán bộ phụ nữ xã Xuân Chinh chia sẻ: “Ở xã vùng cao này, những gia đình nghèo như bà cụ Hứa cũng không phải ít đâu, còn nhiều hoàn cảnh đáng thương lắm, chạy đôn chạy đáo cả năm rồi, nhưng Tết đến vẫn không có gạo mà ăn đấy. Chỉ thương bọn trẻ, chỉ chờ đến Tết để được ăn ngon và mặc quần áo đẹp. Thế nhưng với những nhà nghèo đang còn lo chạy ăn từng bữa thì điều này giống như một ước mơ xa vời vậy.
Chính quyền địa phương cũng đã cố gắng tạo mọi điều kiện giúp đỡ gia đình cụ Hứa và một số hoàn cảnh khác, nhưng khổ nỗi bà con ở đây cũng chỉ lo đủ cái ăn qua ngày nên không thể giúp đỡ thêm. Giờ gia đình cụ Hứa vẫn rất khó khăn và thường xuyên bị đói. Tết cũng đã đến gần, không biết làm thế nào để giúp họ có được một cái Tết ấm no?”, chị nói.
Câu hỏi của chị Hiên đến nay vẫn còn bỏ ngõ và đầy day dứt. Tết đúng ra là dịp hiếm hoi trong năm để mọi người được sum vầy vui vẻ bên gia đình và những người thân yêu của mình, là dịp để vui chơi và hưởng thụ. Thế nhưng, ở đâu đó của một vùng cao miền núi, vẫn có những người nghèo chỉ có một ước mơ nhỏ “Tết để được ăn no” mà vẫn khó thành hiện thực.
Mọi sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm đồng hành Nhịp cầu Hồng Đức xin gửi về: Báo Đời sống và Pháp luật tại Miền Trung Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010; Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống& Pháp luật tại Miền Trung. |