Theo SCMP, Tang Wan, người phụ nữ hiện 55 tuổi, đã đưa ra tuyên bố đáng sợ trên khi con trai bà, Penghe, mới học cấp hai.
Hiện tại, Penghe đã 28 tuổi và anh đã kể lại câu chuyện của mình trên mạng xã hội.
Bà mẹ nói với con trai rằng bà “chưa sống một ngày nào cho chính mình” kể từ khi sinh ra anh.
Khi Penghe còn học tiểu học, bà Tang đã đăng ký cho anh tham gia nhiều lớp học ngoại khóa và yêu cầu anh phải đạt điểm tối thiểu là 95% trong các kỳ thi ở trường.
Nhiều phụ huynh Trung Quốc thường đặt nhiều áp lực và kỳ vọng lên con cái để chúng đạt được thành tích cao trong học tập. Ảnh minh họa.
Penghe thường kết thúc các lớp học vào lúc 10 giờ tối và sau khi về đến nhà, bà Tang sẽ thức cùng để kiểm tra xem anh đã hoàn thành các bài tập về nhà hay chưa.
Ở Trung Quốc, "jiwa" là tiếng lóng để mô tả áp lực lớn mà cha mẹ đặt ra cho con cái. Họ mong muốn con cái phải đạt thành tích học tập xuất sắc và tin rằng đây là cách duy nhất để chúng thành công. Những đứa trẻ này có thể mất đi niềm vui và tự do thời thơ ấu do áp lực quá mức đến từ cha mẹ.
Tuy nhiên, cách dạy con của bà Tang đã phản tác dụng sau khi Penghe bắt đầu nổi loạn ở trường cấp hai. Thay vì làm bài tập, anh chơi game trên điện thoại và thậm chí còn tham gia vào các cuộc đánh nhau ở lớp.
Sau khi đạt điểm 400 trên 900 trong một kỳ thi, Penghe kể lại, mẹ anh đã đưa anh lên tầng thượng của tòa nhà văn phòng cao hơn 20 tầng nơi bà làm việc.
Bà mẹ đứng lên bờ tường và nói với cậu rằng “sống với số điểm như thế này thật vô nghĩa” và bà sẽ nhảy khỏi tòa nhà nếu anh không học tập chăm chỉ.
Penghe cho biết cậu sợ hãi, cầu xin bà đừng nhảy và hứa sẽ học hành chăm chỉ. Tuy nhiên, sau đó cậu cho biết “tác dụng của việc đe dọa này chỉ kéo dài trong một tuần”.
Mọi việc “kết thúc” khi Penghe thi trượt một trường đại học hạng hai. Bà Tang nói rằng, mình rất xấu hổ khi đối mặt với các đồng nghiệp, mặc dù một người đã nói với bà rằng, khả năng của con trai bà 'đã cạn kiệt' vì bị bà thúc ép quá nhiều. Trong khi đó bà vẫn khăng khăng đổ lỗi cho sự thất bại trong học tập của con trai mình là do các bạn cùng lớp cấp hai "giàu có nhưng ngu dốt".
Penghe nói: “Cho dù tôi có cố gắng thế nào đi chăng nữa, bà ấy cũng không nhận ra nỗ lực của tôi”.
Penghe cho biết, sự kiểm soát của mẹ anh không dừng ở đó, mà đến ngay đời sống tình cảm của anh khi anh lớn lên bà cũng kiểm soát, bà đã ép anh chia tay bạn gái.
Để thoát khỏi sự kiểm soát của mẹ, Penghe đã bỏ đi tìm việc làm ở Bắc Kinh, cách nhà hơn 1.000km. Tuy nhiên, khoảng cách đó cũng không ngăn được mẹ anh liên tục gọi điện, giục anh cưới bạn gái hiện tại và sinh con. Penghe cho biết, anh không muốn có con: “Mẹ tôi đã khiến cuộc đời tôi thất bại. Làm sao tôi có thể tránh được sự lặp lại như vậy với con mình?”
Câu chuyện của họ đã nhận được nhiều bình luận trên mạng xã hội đại lục.
Thùy Dung (T/h)