Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người khiếm thị hoàn toàn có thể tự lập và tìm thấy hạnh phúc

(DS&PL) -

Dù đôi mắt không nhìn thấy được, nhưng những người khiếm thị như chị Võ Thị Diệu vẫn có thể tự nuôi sống bản thân và tìm thấy hạnh phúc riêng của mình.

Dù đôi mắt không nhìn thấy được, nhưng những người khiếm thị như chị Võ Thị Diệu vẫn có thể tự nuôi sống bản thân và tìm thấy hạnh phúc riêng của mình.

Sống lạc quan, hạnh phúc cùng người thân

Sinh ra trong một gia đình phải chịu hậu quả nặng nề từ chất độc da cam, bản thân lại là người khiếm thị, nhưng chị Võ Thị Diệu (sinh năm 1969, ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Khánh, Thoại Sơn) vẫn toát lên tinh thần lạc quan, yêu đời.

Vợ chồng chị Diệu bên căn nhà Đại đoàn kết được địa phương hỗ trợ. Ảnh: Báo An Giang

Trong 5 anh em, gia đình chị Diệu có đến 2 người bị teo rút tứ chi, không đi đứng như người bình thường. Nặng hơn là người em út (29 tuổi), vừa bị động kinh, vừa bị teo rút tay chân, trí não như 1 cậu bé mới lên 5.

Lúc mới sinh, chị Diệu cũng lành lặn như bao người. Nhưng cơn sốt phát ban năm 7 tuổi quá nặng đã để lại di chứng trên đôi mắt của chị. Từ một cô bé hồn nhiên, chẳng biết lo buồn, chị Diệu phải đối diện với cả màn đêm tăm tối.

“Lúc đó, tôi hụt hẫng và tuyệt vọng lắm! Cứ nghĩ đến cảnh không còn nhìn thấy ánh sáng nữa, tôi khóc đến hết nước mắt. Sau bao ngày vật vã, tôi nghĩ rằng, cha mẹ đã ban tặng cho mình sự sống, nếu không biết trân quý lẽ nào là đứa con bất hiếu. Thế là tôi tập quen với bóng tối, quen với sự chế giễu của những bạn đồng trang lứa để tiếp tục sống vui, sống tốt” - chị Diệu chia sẻ.

Khi đã trưởng thành, chị Diệu được học nghề massage miễn phí và sau đó xin đi làm ở các cơ sở massage khiếm thị tại TP. Long Xuyên. Mỗi suất, chị được trả công 22.000 đồng. Nếu siêng năng, chịu khó, mỗi tháng chị cũng tích lũy được chút ít để phòng thân.

Rồi cái duyên đã đưa đẩy chị Diệu quen biết người đàn ông lớn hơn mình 20 tuổi.

“Lúc đầu, chúng tôi chỉ nói chuyện qua điện thoại, làm quen như 2 anh em. Thời gian đó khá dài, không biết từ khi nào mà tôi lại thoải mái trò chuyện những chuyện vui buồn của mình cho người chưa từng gặp mặt ấy. Biết tôi bị bệnh, người đó đã đến xuống tận nhà chăm sóc thuốc thang hơn cả tháng trời. Lúc đó, ông ấy cũng không ngại nói tuổi tác của mình, tôi dù không nhìn thấy nhưng cũng cảm nhận được tấm chân tình của người đàn ông lớn tuổi này.

Chuyện tình của vợ chồng tôi bắt đầu là vậy. Song, cha là người phản đối rất quyết liệt vì thấy chúng tôi chênh lệch tuổi tác. Tin vào con tim và trực giác bản thân, chúng tôi vẫn quyết định đến với nhau. Rồi được bà con, hàng xóm nói vào, cuối cùng ba cũng nguôi ngoai, chấp nhận” - chị Diệu cho biết.

Với cuộc sống nhiều khó khăn, chị Diệu và chồng đưa nhau tìm sinh kế ở xứ người. Chồng chị Diệu làm công việc bảo vệ cho một công ty ở Bình Dương, chị ở nhà cơm nước, thỉnh thoảng nhận vài khách quen massage để kiếm thêm thu nhập. Với mức lương hơn 8 triệu đồng/tháng của chồng, 2 người tạm gọi là ổn định, có chút ít gửi về phụ giúp gia đình, lo lắng các em.

Chẳng may, mấy tháng trước, chồng chị Diệu bị bông gân chân, đi đứng khó khăn nên phải về quê dưỡng bệnh. Thời gian này, chị còn phụ mẹ chăm sóc em út khờ khạo của mình. Vợ chồng chị dự định khi nào sức khỏe chồng chị ổn định sẽ tiếp tục đi Bình Dương mưu sinh như trước. Dẫu có quyết định thế nào, chúng tôi vẫn cầu chúc chị sẽ gặp nhiều may mắn và hạnh phúc với tổ ấm nhỏ của mình!

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ kiêm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Vĩnh Khánh Đỗ Văn Mẫn cho biết: “Năm 2017, địa phương đã xét cất cho vợ chồng cô Diệu căn nhà Đại đoàn kết với số tiền 37 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi tháng, cô Diệu còn nhận được tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật để trang trải cuộc sống. Nhờ chịu khó làm ăn nên vợ chồng cô Diệu rất được bà con, xóm làng quý mến”.

Người khiếm thị không muốn thành gánh nặng cho gia đình và xã hội

Là một trong những người tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người khiếm thị ở TP. Long Xuyên, cô Lê Thị Diệu Quí, chủ cơ sở xoa bóp Toàn Thắng (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) không giấu được niềm vui, sự tự hào lẫn những bâng khuâng, trăn trở về số phận các kỹ thuật viên khiếm thị đang sống và làm việc tại cơ sở của mình.

“Không hiểu sao, tôi lại có tình thương rất đặc biệt với các em khiếm thị ở đây. Các em đã phải trải qua viễn cảnh u buồn, một khoảng đời tăm tối mà xã hội khó ai hiểu và hình dung hết được. Có lẽ vì không có khả năng tự bảo vệ mình, luôn sống trong mặc cảm tự ti về số phận, nên hầu như tất cả đều sống trong tâm trạng lo âu, hồi hộp khi xã hội có biết bao cạm bẫy, nguy hiểm đang chực chờ, rình rập.

Khó khăn là vậy nhưng người mù không chùn bước, họ vẫn quyết tâm đi lên bằng chính đôi tay và sức lực của mình, làm mọi việc kiếm sống, miễn sao bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội - đó là điều khiến tôi quý trọng và nể phục các em khiếm thị. Bởi thế, tôi luôn cố gắng tạo môi trường làm việc thân thiện, ấm áp như gia đình để các em không còn mặc cảm. Đó là cách để xã hội vơi bớt gánh nặng, giúp người khiếm thị không cảm thấy mình là người thừa!”- cô Quí chia sẻ.

Một nhân viên khiếm thị được trao vốn hỗ trợ. Ảnh: Báo An Giang

Được biết tại cơ sở xoa bóp Toàn Thắng, người khiếm thị luôn được tôn trọng, lắng nghe, có quyền phát biểu ý kiến, xây dựng cơ sở, biết rõ tình hình kinh doanh, nhận được sự yêu thương và giúp đỡ của những người xung quanh, được hỗ trợ ăn, ở. Đó là lý do dù cơ sở đã trải qua nhiều khó khăn từ lúc ban sơ, thiếu thốn vật chất đủ bề nhưng đến nay vẫn trụ vững.

Hiện, thu nhập trung bình của những người khiếm thị tại cơ sở xoa bóp Toàn Thắng khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Những người làm trên 2 năm sẽ được tặng một tài khoản tiết kiệm 5 triệu đồng làm vốn, mỗi tháng còn được hưởng lãi suất 200.000 đồng. Riêng những người đã có gia đình thuê nhà ở riêng, cơ sở sẽ hỗ trợ thêm 200.000 đồng/tháng.

“Làm việc ở đây chúng tôi có cảm giác như đang ở nhà, không hề có sự phân biệt, kỳ thị. Chúng tôi tự hào vì mình sống bằng đồng lương chân chính của mình dù không cao nhưng đó là mồ hôi của sự vất vả khi lao động.

Điều đáng quý nhất là cô Quí không hề nhận bất cứ lợi nhuận nào từ cơ sở này. Ngoài tiền lương của anh em chúng tôi, số còn lại cô đều cho vào quỹ chung để giúp đỡ mọi người khi cần”- chị Lê Thanh Nhã (39 tuổi, kỹ thuật viên cơ sở xoa bóp Toàn Thắng) bộc bạch.

Còn nhiều lắm những tấm lòng nhân ái, quan tâm đến những người khiếm thị. Nói như ông Vũ Xuân Trường, chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng, thì: “Tôi mong ước những người khiếm thị đều được học chữ, học nghề và có nghề nghiệp, gia đình như bao người khác. Mong có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm nhiều hơn đến những người khiếm thị, đừng để họ thiệt thòi quá nhiều”.

Minh Khôi (T/h)

Tin nổi bật