Chỉ có tận mắt nhìn thấy và lắng nghe những câu chuyện mới cảm nhận được khó khăn, gian khổ và cả sự hy sinh vì sự nghiệp “trồng người” của các giáo viên vùng cao.
Xã An Lương, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái) năm nào cũng hứng chịu 1, 2 trận lũ lớn.
Những ngày đó, tuyến đường đi vào xã đều bị nước lũ ồng ộc tràn về khiến cho việc tiếp cận và cứu hộ muôn vàn khó khăn.
Những người thầy, người cô cõng chữ lên non với bao vất vả, khó khăn. Ảnh: Giáo dục Việt Nam |
Trong cơn lũ lớn, thầy Nguyễn Quang Diện – hiệu trưởng trường Tiểu học Dân tộc bán trú xã An Lương vẫn không sao quên được:
“Đường mòn nhỏ, một bên là núi, một bên là vực sâu. Ngày nắng ráo mất 3-4 tiếng đồng hồ đi từ huyện lỵ Văn Chấn.
Còn ngày mưa gió đường lầy như ruộng mạ, bùn ngập lưng vòng bánh xe, đi từ sáng đến chiều mới tới”.
Trong ký ức của nhiều giáo viên và phụ huynh xã An Lương vẫn còn nhớ như in hình ảnh thầy Đồng Thành Chung vượt lũ, thoát khỏi tay tử thần trong gang tấc.
Thầy kể: “Có năm ngoái nước lũ lớn, tôi cố gắng vượt suối để đến trường. Vì đây là nhiệm vụ được giao và để các em nhỏ lại ở trường mình cũng không yên tâm.
Con nước lũ ồng ốc, xối xả và chảy rất mạnh. Mình đi đến giữa dòng thì dây thừng bị tuột. Cũng may bám được dây mà bơi sang dòng bên kia., thoát chết trong gang tấc”.
Những nỗ lực vượt khó, hy sinh của các thầy cô đã mang lại trái ngọt ngành giáo dục vùng cao.
Từ những ngày đầu gian khó, cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh tế khó khăn, dân trí của đồng bào còn thấp nên việc học hành của lũ trẻ bị hạn chế.
Trăn trở trước sự học của đồng bào dân tộc Mông, thầy Diện vận động giáo viên trong trường đốt đuốc mở các lớp xóa mù hoặc đi vận động phụ huynh cho con em đi học.
Có những gia đình cách xa trường đến 12 km đường rừng. Thầy cô cơm nắm muối vừng đốt đuốc đi đêm, tờ mờ sáng mới đến nơi.
Những chuyện đó... qua rồi. Bây giờ, nhắc đến trường Tiểu học Dân tộc bán trú xã An Lương là nhắc đến một trong những điểm sáng của giáo dục huyện Văn Chấn.
Thầy Diện nói: Trái ngọt đến từ việc uốn nắn, sát sao dạy dỗ các em học sinh như con mình. Ảnh: Giáo dục Việt Nam |
Tại đây các em được thầy cô chăm hơn chăm con, được ăn, được mặc, được đến trường. Nhắc đến những thành công của trường An Lương, thầy Diện vẫn rất khiêm tốn.
Theo thầy, thành công này có sự tham gia và đóng góp của nhiều bên – nhà trường, phụ huynh, chính quyền địa phương, các chính sách của tỉnh và Nhà nước.
Thầy Diện nói: “Trước đây đã có mô hình trường bán trú dân nuôi với hình thức học sinh ở trọ, mỗi cuối tuần các em trở về nhà mang lương thực, thực phẩm, chất đốt lên để tự nấu ăn hoặc đóng góp với các hộ gia đình mà em ở trọ.
Mô hình tự phát đó cũng đáp ứng được phần nào nhu cầu thực tiễn nhưng thiếu tính bền vững và phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế của mỗi địa phương, mỗi gia đình.
Từ năm 2012 trở lại đây, Nhà trường luôn huy động được 100% học sinh trong độ tuổi ra lớp; tỷ lệ chuyên cần luôn đạt trên 99%; cơ sở vật chất của nhà trường cơ bản đã đáp ứng được với hoạt động dạy học và nuôi dưỡng các em.
Đặc biệt kể từ năm 2016, Chính phủ ban hành “Nghị định 116/2016/NĐ-CP Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã đặc biệt khó khăn”
Thành công cốt lõi của giáo dục xã An Lương nói riêng và giáo dục vùng cao nói chung không thể thiếu đi tấm lòng và sự nhiệt huyết của các giáo viên cắm bản.
Động lực gieo cái chữ xòa nhòa nỗi nhớ người thân
Cung đường 50km từ trung tâm huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) đến các trường, điểm trường của xã Trung Thành ngoằn ngoèo quanh co, dốc lên dựng đứng, dốc xuống thăm thẳm với những đá hộc gồ ghề, lởm chởm, cả những đoạn sình lầy, nhão nhoẹt, trơn trượt vì bùn đất. Đây cũng chính là con đường đến trường mà các thầy, cô giáo hàng ngày phải trải qua để ươm, gieo “mầm chữ”.
Ngay tại trường mầm non khu trung tâm xã, có 6 giáo viên và đều là giáo viên nữ ở các xã, huyện lân cận, như: Ngọc Lặc, Quan Hóa... Quãng đường đến trường dù ngắn hay dài, họ đều phải leo lên những con dốc quanh co, khúc khuỷu, chạy xuyên rừng và vượt sông bằng đò tạm.
Dù vất vả, gian nan đến mấy nhưng tất cả các cô đều có một điểm chung duy nhất - đó là lòng yêu nghề. Ảnh: Báo Thanh Hóa |
Nối giữa điểm trường với trung tâm xã là con đường độc đạo. Mỗi khi có việc xuống xã, các cô gần như vật lộn với gần 10km đường rừng. Mùa khô, bụi cuốn mịt mù. Mùa mưa thì thật là cơn ác mộng. Đường vừa dính vừa nhão như mỡ gà, bánh xe phải quấn xích mới chạy được. Con đường dài gần 10 km đã không ít lần chứng kiến cảnh cô giáo mắc kẹt giữa chừng, đi không được, lùi chẳng xong, uất ức đến chảy nước mắt. Có cô vì đường khó đi quá phải bỏ cuộc, vứt cả xe ở vệ đường rồi đi bộ lên trường, hôm sau trời nắng ráo mới quay lại lấy xe.
Có thâm niên gần 14 năm dạy học ở điểm trường lẻ, cô Kim đã quá quen với sự vất vả khi sống ở núi rừng. Đêm dài thì cũng chỉ biết chui vào chăn, nằm nhìn trần nhà, nghĩ miên man về con, về chồng - nỗi nhớ con dài như những đêm đông biên giới.
Năm 2006, cô Kim nên duyên vợ chồng với một thầy giáo cùng quê và có một cậu con trai nay đã 11 tuổi. Đi dạy trên rừng, cô đành phải gửi con cho ông bà nội nuôi ở dưới huyện Ngọc Lặc. Hai vợ chồng dạy xa nhau, một tháng, có khi hai, ba tháng mới được về thăm con.
Cô Kim chia sẻ: “Bắt chuyến xe về nhà với con cũng coi như là hết một ngày. Thời gian đầu, con được gần 1 tuổi, tôi phải tiếp tục đi dạy. Có khi mẹ đi vài tháng, về nhà con trai quên mất mặt mẹ, bế không theo, cứ khóc đòi bà. Lúc đó thấy tủi trong lòng. Dỗ dành mãi nó quen hơi được một đêm thì hôm sau lại phải xa con lên trường. Đêm nào nằm ngủ, cũng mơ thấy giọng con gọi “Mẹ Kim ơi!, mẹ Kim ơi!”.
Thế nhưng, khi được hỏi về động lực bám bản, gieo chữ, cô Kim lau nước mắt cười, nhìn các em thấy thương lắm, vẫn vô tư cười nói suốt ngày nhưng đâu có hiểu được tương lai vất vả ra sao. Có lúc cũng nản chí lắm, lúc con ốm, lúc mưa bão, lúc mình ốm đau... chỉ muốn bỏ lại tất cả để về dưới xuôi. Nhưng rồi các trò lại tặng cô bông hoa dại, tặng cây măng rừng, bó củi, mong cô nhanh khỏi ốm, lại thấy vui trong lòng. Dẫu biết khắc nghiệt nhưng vẫn không thể bỏ nghề được.
Quả thực, có tận mắt nhìn thấy và lắng nghe những câu chuyện mới cảm nhận được những khó khăn, gian khổ và cả sự hy sinh vì sự nghiệp “trồng người” của các cô giáo vùng cao. Dù vất vả, gian nan đến mấy nhưng tất cả các cô đều có một điểm chung duy nhất - đó là lòng yêu nghề.
Các cô chia sẻ rằng, dân bản sống tình cảm lắm! những tình cảm chân thành đó như tiếp thêm động lực níu chân họ lại, thôi thúc họ làm điều gì đó để giúp nơi vùng cao này bớt khó khăn. Luôn tâm niệm như vậy và mỗi sáng thức dậy, họ lại vội vàng gác lại hết những công việc gia đình để tiếp tục sự nghiệp cõng chữ “lên miền non cao”.
Minh Khôi (T/h)