Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người dân ùn ùn đi du xuân, nhiều điểm du lịch gần Hà Nội "thất thủ"

  • Thục Hiền
(DS&PL) -

Lượng du khách kéo về các điểm du lịch gần Hà Nội tăng đột biến suốt kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn đã khiến nhiều khách sạn "cháy" phòng, quán ăn chật kín, đường phố ùn tắc.

Theo báo VTC News, cùng gia đình đi Mộc Châu (Sơn La) vào mùng 3 Tết, chị Hà (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã phải trải qua một hành trình du xuân rất vất vả. Đầu tiên là hầu hết các cơ sở nghỉ dưỡng mà chị Hà liên hệ đều thông báo hết phòng, chị Hà phải mất rất nhiều thời gian mới tìm được một khách sạn cũ kỹ và giá phòng cao gần gấp đôi ngày thường để ở tạm.

Do không có sự chuẩn bị trước nên tôi chỉ tìm phòng khi đang trên đường di chuyển. Tôi không nghĩ rằng trong ngày Tết mà lượng người đi chơi lại đông như thế nên cũng chủ quan không hỏi tình hình trước. Khi đến nơi, tôi tá hỏa khi từ khách sạn, nhà nghỉ đến homestay đều hết phòng. Họ nói khách đặt phòng từ trước Tết, vì lượng người quá đông nên nhiều nơi kín chỗ ngay 30 Tết. Tôi đã tính đến phương án quay về địa điểm khác để nghỉ, nhưng may mắn sau đó tìm được phòng nên tiếp tục hành trình”, chị Hà nói.

Du khách nườm nượp đến Hà Giang du xuân. Ảnh: Tiền Phong

Vừa xong vụ phòng nghỉ thì gia đình chị Hà lại vất vả trong quá trình di chuyển và tìm nhà hàng ăn uống. Chị Hà kể, đường phố luôn đông kín người, ô tô nối đuôi nhau không dứt, nếu trót đi qua một điểm cần tìm thì quay đầu cũng khó. Đáng nói hơn, rất nhiều nhà hàng, điểm tham quan "chê" khách vì bị "vỡ trận", phục vụ không xuể lượng khách quá đông.

"Thật sự là một cuộc chiến vì khách phải tranh giành, giữ chỗ với nhau rất gay gắt, nếu chậm chân là mất chỗ. Do không có người phục vụ nên khách phải tự lấy đồ ăn, tự trả tiền, thậm chí nhiều lúc chủ quán còn không kiểm soát nổi tình hình, nhỡ có khách không trả tiền thì cũng không xử lý kịp", chị Hà nói.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Hải (quận Ba Đình, Hà Nội) đi du xuân tại Hà Giang vào mùng 3 Tết. Dự định ban đầu của gia đình chị Hải là tới điểm dừng chân nào phù hợp lộ trình thì sẽ dừng lại ăn uống nghỉ ngơi ở đó. Tuy nhiên, khi đến nơi, gia đình chị cũng không thể tìm được khách sạn hay nơi nghỉ dưỡng nào còn phòng.

“Tôi đã từng đi Hà Giang vài lần trước đó nhưng vào những dịp trong năm. Biết rằng nơi đây có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng nên tôi nghĩ rằng không cần phải đặt phòng trước. Tuy nhiên, khi đến nơi, gia đình tôi đã không tìm được phòng nghỉ, phải di chuyển xuống trung tâm thành phố, ở các địa điểm du lịch mới có thể tìm được phòng”, chị Hải kể.

Cũng chia sẻ về trải nghiệm của mình trong chuyến đi du xuân tại danh lam thắng cảnh Chùa Hương trong ngày khai hội, chị Nguyễn Thị Hoa (Nam Trực, Nam Định) cho biết, chị và gia đình gặp tình trạng quá tải ở hầu hết các dịch vụ cũng như di chuyển.

Gia đình 5 người chúng tôi phải xếp hàng rất lâu chờ mua vé cáp treo, mua vé đi đò dọc suối Yến. Thời tiết trong ngày khai hội có mưa khiến việc chờ đợi trở nên vô cùng khó chịu, chuyến đi du xuân cũng bị gián đoạn nhiều tiếng đồng hồ”, chị Hoa cho biết.

Anh Ngô Minh Tuyên, chủ cơ sở kinh doanh homestay tại Mộc Châu cho biết, năm nay do quá nhiều người có nhu cầu đi du xuân nên khách muốn có phòng đều phải đặt từ trước Tết. Anh đã phải từ chối rất nhiều đơn đặt hàng của khách.

Theo đó, anh Tuyên khuyến cáo, người dân cần có sự chuẩn bị trước khi đi du xuân để tránh hành trình của mình không được thuận lợi. Trong đó, kế hoach di chuyển, ăn uống và nghỉ ngơi là những yếu tố cần được chuẩn bị từ sớm.

"Những gia đình đi với số lượng 3-4 người còn có thể dễ dàng tìm phòng nghỉ, những đoàn đi đông hơn cần chuẩn bị trước. Sau thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán khoảng mùng 8 Âm lịch lượng khách sẽ hạ nhiệt, giá phòng cũng vì thế giảm theo, người dân cần lên kế hoạch, tham khảo lịch trình mình định đi để có hành trình du xuân thuận lợi nhất", anh Tuyên nói.

Du lịch đầu năm Giáp Thìn khởi sắc

Báo Lao Động thông tin thêm, theo Cục Du lịch Quốc gia, trong dịp Tết nguyên đán, từ ngày 8/2 - 14/2/2024, ngành du lịch cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú (tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023).

Công suất phòng trung bình ước đạt khoảng từ 45 - 50% tại hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (trong đó cơ sở lưu trú du lịch cao cấp từ 4 - 5 sao ở một số địa phương trọng điểm du lịch đạt công suất cao hơn, tập trung vào các ngày 3, 4 Tết).

Đông đảo người dân đến công viên văn hóa Suối Tiên từ sáng sớm. Với lợi thế nằm gần cửa ngõ, Suối Tiên không chỉ đón lượng khách đến từ TP.HCM mà còn có thêm khách từ Bình Dương, Đồng Nai đổ về trong dịp lễ, tết. Ảnh: Thanh Niên

Trong kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, khách du lịch nước ngoài đến TP.HCM tăng cao, đặc biệt là khách tàu biển - dòng khách du lịch cao cấp - đến từ Châu Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản… và khách du lịch tự túc.

Theo Sở Du lịch TPHCM, tổng lượng khách đến thành phố đạt 75.000 lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ 2023.

Tính từ ngày 8.2 đến 12.2, khách tại các khu, điểm du lịch, các tụ điểm vui chơi giải trí và dịch vụ… ước đạt khoảng 1,8 triệu lượt, tăng 5,9% so với mức 1,7 triệu lượt cùng kỳ năm 2023. Doanh thu ước đạt khoảng 6.550 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Thủ đô đón khoảng 653.000 lượt khách trong 7 ngày nghỉ từ ngày 8.2 đến hết ngày 14.2 (tức 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết mùng 5 Tết Giáp Thìn). Lượng khách tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.350 tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Kỳ nghỉ Tết diễn ra song song với hàng loạt lễ hội, sự kiện văn hóa tiêu biểu, do đó lượng khách đến một số khu, điểm du lịch, di tích... tăng cao.

Đơn cử, Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn đón 80.600 lượt khách (riêng ngày 13.2 - tức mùng 4 Tết là 35.000 lượt khách); Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hơn 106.000 lượt khách; Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đón hơn 48.700 lượt khách; Khu di tích Cổ Loa đón 25.000 lượt khách...

Báo cáo của Sở Du lịch Khánh Hòa cho thấy, tổng lượng khách đến địa phương tham quan, nghỉ dưỡng từ ngày 9.2 đến ngày 13.2 (tức từ 30 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 4 Tết Giáp Thìn) đạt hơn 630.000 lượt (tăng hơn 146% so với cùng kỳ 2023).

Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú tại Khánh Hòa đạt gần 80%. Một số khách sạn khu vực trung tâm thành phố, các khu nghỉ dưỡng 4 - 5 sao khu vực ven biển có công suất trên 90%. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 879,5 tỉ đồng.

Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tổng lượng khách tham quan, du lịch thành phố này ước đạt khoảng 402.000 lượt, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 177.000 lượt. Tổng thu du lịch ước đạt khoảng 1.580 tỷ đồng.

Chủ yếu khách du lịch đến Đà Nẵng dịp này khách lẻ, đi tự túc chiếm khoảng 60-70%. Lượng khách tập trung đông từ mùng 2 đến mùng 5 Tết, nghỉ tại các khách sạn 4-5 sao.

Thống kê cho thấy lượng khách đi theo tour cũng tăng do kỳ nghỉ dài ngày. Khách nội địa hầu hết từ Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi... Khách quốc tế chủ yếu là khách Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Ấn Độ, Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore...), Mỹ, Australia...

Hà Giang là một trong những địa phương đón lượng khách tăng vọt. Lượng khách đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn đạt 141.200 lượt người, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt trên 350 tỷ đồng.

Báo cáo nhanh từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày 3 Tết, số lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt hơn 369.800 lượt, tăng 164% so với cùng kỳ 2023. Những điểm thu hút đông khách là vịnh Hạ Long, Yên Tử...

Thục Hiền (T/h)

 

 
 

Tin nổi bật