Chia sẻ trên báo Dân trí, anh Xuân Duy, 29 tuổi, nhân viên truyền thông làm việc ở quận 3, TP.HCM cho biết, như thông lệ hàng năm, vừa kết thúc ngày làm việc đầu năm, anh Duy lập tức phi xe thẳng ra tiệm vàng gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh để mua vàng.
Nhân viên công sở phấn khởi nhận tiền lì xì trong ngày đi làm đầu năm.
Duy cho biết, đầu năm anh nhận được khoản lì xì từ công ty, công đoàn, giám đốc, quản lý các cấp và rút thăm may mắn được gần 7 triệu đồng. Ngoài ra, phòng Duy cũng chia nhau khoản tiền danh hiệu xuất sắc và hoa hồng trong năm, anh nhận thêm được 16 triệu đồng.
"Tôi bỏ thêm vào số tiền nhận được trong ngày đi làm đầu năm mới mua nửa cây vàng vừa để dành vừa lấy lộc cho một năm mới. Như một thói quen, ra Tết năm nào tôi cũng mua vàng, có năm chỉ đủ tiền mua... nửa chỉ", Duy cười.
Lê Anh Thúy, nhân viên kinh doanh tại một công ty phân phối sơn ở quận 11, TP.HCM tiết lộ, tiền lì xì đầu năm mình nhận được... còn gấp nhiều lần thưởng Tết. Ngoài lì xì từ công ty, từ giám đốc, phó giám đốc, khoản lì xì lớn nhất cô nhận được đến từ... các đối tác.
Đầu năm, đối tác là quản lý các hãng sơn, vật liệu xây dựng đều đến công ty cô xông đất, chúc Tết, lì xì. Có nơi lì xì cô vài triệu đồng, có nơi mừng tuổi tiền "đô", thậm chí có nơi tặng quà năm mới bằng vàng.
Thúy cho hay, lì xì đầu năm trong kinh doanh là một cách để mọi người cảm ơn cũng như để đặt nền tảng quan hệ làm ăn. Là phó trưởng phòng kinh doanh, cô giữ vai trò khá quan trọng trong việc kinh doanh các mặt hàng tại công ty nên thường được nhiều doanh nghiệp đối tác "chăm sóc".
"Thật ra tiền lì xì theo cách này hay cách khác sẽ có đi có lại, nhận về thì cũng sẽ cho đi. Tuy nhiên, đầu năm đi làm nhận được nhiều lì xì, tôi cứ... vui trước đã", Thúy cười lớn.
Cô gái 30 tuổi cho hay, cô cũng thường mua vàng đầu năm sau khi nhận lì xì. Năm nhiều nhất cô gom tiền lì xì mua được gần 3 cây vàng, còn năm nay... hẻo hơn thấy rõ, cô chỉ gom mua được hơn một cây vàng.
Chị Phan Thị Thanh, làm việc tại một nhà sách ở Hà Nội cho biết năm nay, gia đình chị về quê ngoại ở tận Quảng Nam ăn Tết. Vậy nhưng, chị xác định từ sớm không xin nghỉ thêm mà sẽ trở lại làm việc đúng ngày để... nhận lì xì.
Tại công ty chị, tiền lì xì chỉ tầm 2-2,5 triệu đồng nhưng năm nào chị cũng háo hức với khoản tiền may mắn đầu năm này. Không có nhiều nhưng chị cũng cố gom góp mua cho được chỉ vàng.
Theo quan niệm dân gian, mua vàng đầu năm sẽ giúp ta có một năm giàu sang, phú quý, tài lộc. Mua vàng với ý nghĩa cầu may không cần thiết phải mua quá nhiều, chỉ cần tượng trưng là đủ.
Đặc biệt, ngày mùng 10 tháng Giêng, hay còn gọi là ngày vía Thần Tài, là dịp mọi người tập trung mua vàng, đặc biệt những người làm công việc kinh doanh với mong muốn cầu may, mong một năm nhiều tài lộc.
Với quan niệm mua vàng vào ngày Vía Thần Tài sẽ mang lại may mắn, tài lộc cho cả năm, không chỉ những người kinh doanh buôn bán mới mua vàng, nhiều người dân cũng đổ xô đi mua. Vì vậy, lượng người mua trong dịp này tăng vọt. Đây chính là yếu tố khiến cho giá vàng ngày Vía Thần Tài biến động mạnh, thường sẽ tăng mạnh trước và trong ngày Vía Thần Tài.
Thực tế, trong những năm qua cho thấy, vào ngày này, giá vàng thường bị đẩy lên cao chót vót. Sau đó một vài phiên giao dịch, giá kim loại quý này giảm mạnh. Cùng với giá giảm sâu, mức chênh lệch mua vào - bán ra trong ngày này cũng được đẩy lên ngưỡng rất cao, dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư vàng lướt sóng có thể thua lỗ đến cả triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng người dân không nên mua vàng với số lượng lớn vào dịp này. Mua vàng dịp đầu năm mang ý nghĩa cầu may mắn, vì thế không nhất thiết phải mua nhiều mới may mắn.
Việc mua vàng cần phải phụ thuộc vào khả năng tài chính và nhu cầu để lựa chọn sản phẩm phù hợp. Thay vì mua ồ ạt với số lượng lớn trong khi giá vàng ngày này thường đắt hơn so với ngày thường, người dân nên mua một lượng nhỏ hoặc các sản phẩm từ vàng, đồ phong thủy mang ý nghĩa tượng trưng, theo Gia đình và Xã hội.
Vân Anh (T/h)