Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người dân tại tâm chấn động đất ở Kon Tum: "Ban ngày vẫn chạy kịp, ban đêm nhà sập chạy sao nổi"

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Huyện Kon Plông (Kon Tum) nằm trên vị trí cao, nay đang vào mùa mưa cộng với động đất liên tục, khiến người dân lo sợ xảy ra tình trạng sạt lở đất.

Ngày 29/7, khu vực Huyện Kon Plông  (Kon Tum) xuất hiện 25 trận động đất (tính đến 18h). Phần lớn các trận động đất xảy ra trong ngày có độ lớn từ 2,5 đến dưới 3 độ Richter. Trận lớn nhất (2 trận) cường độ 3,7 độ Richter.

Cũng khu vực trên, ngày 28/7 ghi nhận 21 trận động đất, trong đó trận lớn nhất có cường độ 5 độ Richter xảy ra lúc 11h 35. Đây cũng là trận động đất lớn nhất ở Kon Tum từ trước đến nay.

Huyện Kon Plông liên tiếp ghi nhận hàng chục trận động đất mỗi ngày. Ảnh:Dân trí

Ông Đinh Văn Trói (42 tuổi, ở thôn Vi Rinh, xã Đăk Tăng) kể lại, vào trưa 28/7, sau bữa cơm trưa, khi ông đang chuẩn bị đi ngủ thì thấy nhà cửa rung lắc dữ dội, dưới lòng đất phát ra những tiếng nổ. Khi bình tĩnh lại ông mới chạy ra khỏi nhà.

"Trong 20 giây, căn nhà nghiêng qua nghiêng lại. Mấy giây đầu nhà cửa chỉ rung lắc nhẹ nhưng tiếp sau đó thì rung lắc mạnh hơn. Tôi cảm giác chao đảo, chóng mặt như người say rượu", ông Trói chia sẻ với Thanh Niên.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lai (ở thôn Vi Ring, xã Đăk Tăng) cho hay gia đình ông đã sinh sống ở thôn Vi Ring hơn 12 năm, đã đối diện với nhiều trận động đất, nhưng có lẽ trận động đất trưa 28/7 được xem là lớn nhất.

"Trưa hôm đó, gia đình tôi đang ăn cơm thì nghe tiếng rung lắc mạnh, người chao đảo, bàn ghế, ly chén lắc qua lắc lại như muốn đổ vỡ. Rất may, động đất chỉ diễn ra thời gian ngắn và gia đình không bị ảnh hưởng gì", ông Lai chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Lai cảm thấy bất an sau những trận động đất vừa xảy ra. Ảnh: Thanh Niên

Cách thủy điện Thượng Kon Tum khoảng 15 cây số, lúc xảy ra trận động đất lớn nhất, chị Y Móc (40 tuổi), cùng mấy chị em trong làng đang làm ngoài đồng. Khoảng 11h trưa, ai nấy đều cảm nhận được mặt đất rung nhẹ. Đột nhiên lúc sau, mặt đất, máy xay lúa rung mạnh khiến cả nhóm hoảng loạn, theo Tiền Phong.

“Tiếng nổ như tiếng bom khiến ai nấy đều hết hồn, la toáng lên, sợ cái nhà nó sập. Cả nhóm liền chạy ra ngoài đường lớn. Sau đó nghe như tiếng nước chảy. Vài giờ sau dân trong thôn cảm nhận được rung lắc. Đến hôm nay, tôi vẫn còn sợ nên không dám đi làm”, chị Y Móc lo lắng.

Theo chị Y Móc, động đất ở đây xảy ra thường xuyên như cơm bữa, có khi đêm ngủ, 3 mẹ con đều cảm nhận được giường rung nhẹ. Lúc đó chén bát chạm nhau phát ra tiếng. Đêm tối, cả nhà đều sợ nhưng cũng chỉ biết nằm trên giường, đợi cho qua chuyện.

“Ban ngày xảy ra động đất mình vẫn chạy được nhưng ban đêm đất đồi sạt lở, hay nhà sập như bẫy chuột thì sao chạy nổi. Chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền sớm có hướng khắc phục hoặc di dời đến nơi ở khác để bà con yên tâm sản xuất”, chị Y Móc cho biết.

Tường nhà người dân nứt gãy sau trận động đất lớn. Ảnh: Dân trí

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Thanh Bình, Phó trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Kon Plông, cho biết hiện chưa có thiệt hại về người sau các vụ động đất liên tiếp. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại xã Măng Bút, một hộ dân bị rung chấn khiến ti vi bị rơi vỡ, hư hỏng. Tại xã Đăk Ring có 2 trụ sở bị rạn nứt các vách ngăn tường là điểm trường THCS và trạm y tế xã. Tại xã Đăk Nên, điểm trường mầm non, phòng làm việc công an xã có vết rạn nứt nhỏ ở vách ngăn. Trong đó, phòng làm việc của công an xã này vừa được xây dựng năm 2024.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết: "Những trận động đất xảy ra ở Kon Tum là trận động đất kích thích, gây ra bởi hồ chứa thủy điện. Dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới".

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, động đất kích thích là do hoạt động của con người gây ra, trong đó có việc tích nước hồ chứa, đập thủy điện… Sau trận động đất 5,0 độ, dự báo động đất vẫn xảy ra nhưng khó có khả năng lớn đến khoảng 5,5 độ.

Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần tiến hành đánh giá thiệt hại, rà soát các công trình thiết yếu có nguy cơ bị ảnh hưởng từ động đất và đưa ra giải pháp đảm bảo an toàn. UBND các xã, thị trấn vùng tâm chấn cần tuyên truyền nâng cao kỹ năng phòng, chống động đất cho người dân, theo Dân Trí.

Tin nổi bật