Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người đàn ông may mắn sống sót sau khi bị 1.000 con ong tấn công

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Ông John Fischer đang hồi phục sức khỏe sau khi bị đàn ong 1.000 con tấn công, trong lúc ra ngoài cùng chó cưng.

Theo thông tin trên LiveScience, khi ông John Fischer (60 tuổi, ở bang Arizona, Mỹ) đang ra ngoài cùng chú chó cưng tên Pippin thì đàn ong 1.000 con bất ngờ bay đến. Chiếc xe lăn lật xuống khiến ông Fischer không thể thoát thân và bị ong đốt hàng trăm vết ở tay, mắt, miệng, tai, chân và lưng.

Người đàn ông sau đó được đưa đến bệnh viện và các bác sĩ phát hiện hơn 250 vòi chích của ong trên cơ thể ông. Sau thời gian điều trị, ông Fischer hiện đã được xuất viện và đang hồi phục sức khỏe.

Trong khi đó, chú chó Pippin được cho là đã bị ong đốt khoảng 50 vết, hiện cũng đang dần hồi phục sau khi được điều trị tại bệnh viện dành cho động vật. Các báo cáo cho rằng ong sát thủ, còn gọi là ong lai châu Phi, chính là thủ phạm gây ra vụ tấn công này.

Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London thông tin, ong sát thủ được nhân giống lần đầu bởi một nhà khoa học Brazil, khi người này cố gắng kết hợp sản lượng mật ong khổng lồ của ong mật châu Âu và sự thích nghi với khí hậu ấm của ong mật châu Phi.

Những con ong lai di cư về phía Bắc từ Brazil, qua khu vực Nam và Trung Mỹ, đến Mỹ. Những năm qua, hành vi hung dữ cùng với xu hướng tụ tập và đốt theo đàn khiến loại ong này trở nên nổi tiếng, được đặt biệt danh là “ong sát thủ”. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, nọc độc của ong sát thủ không mạnh hơn nọc độc của ong mật châu Âu.

Trong một số trường hợp, một con ong đốt đã đủ để gây chết người. Tuy nhiên, vết đốt của từng con ong, kể cả ong sát thủ, hiếm khi dẫn đến tử vong.

Theo báo cáo năm 2019 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), từ năm 2000 - 2017, tại Mỹ trung bình có 62 trường hợp tử vong hàng năm do ong bắp cày, tò vò và ong đốt. Trong khi đó, một cuộc thăm dò gần đây của YouGov cho thấy khoảng 75% người Mỹ bị ong đốt. Do đó, việc ong đốt gây chết người hiếm khi xảy ra.

Người đàn ông may mắn sống sót sau khi bị đàn ong 1.000 con tấn công. Ảnh minh họa: LiveScience

Một nghiên cứu gần đây trên Tạp chí Clinical Case Reports ước tính, 50 - 500 vết ong đốt cùng lúc đủ giết chết một người trưởng thành. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) lại đưa ra con số lớn hơn, khoảng 1.100 vết đối với người lớn và 500 vết đối với trẻ em. Con số này được đưa ra dựa trên thông tin cho rằng một người trung bình chịu được 10 vết đốt trên mỗi pound (0,45kg) trọng lượng cơ thể. Như vậy, số lượng khoảng 250 vết đốt của ông Fischer có thể vẫn dưới ngưỡng gây tử vong.

Ông Fischer không phải là người đầu tiên sống sót sau khi bị cả đàn ong tấn công. Hồi năm 2014, một công nhân thoát chết dù bị khoảng 1.000 con ong sát thủ đốt. Cùng năm, một người phụ nữ 70 tuổi bị đàn ong sát thủ 80.000 con tấn công và sống sót sau khi chịu khoảng 1.000 vết đốt.

Tuy nhiên, một số người lại không may mắn như vậy, điển hình như trường hợp một người đi bộ 23 tuổi đã tử vong năm 2016 với 1.000 vết đốt. Năm 2021, một người đàn ông ở bang Arizona cũng qua đời vì hàng trăm vết ong đốt.

Mỗi năm, khoảng 3% số người bị côn trùng cắn bị sốc phản vệ. Đây là một phản ứng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa đến tính mạng. Sốc phản vệ có thể xảy ra ở cả người biết mình bị dị ứng và người không bị dị ứng.

Đối với những người bị dị ứng với vết đốt của ong, hệ thống miễn dịch phản ứng với vết đốt có thể nghiêm trọng và ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể, dẫn đến sốc phản vệ và tử vong. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trọng lượng cơ thể, tình trạng miễn dịch và tuổi tác có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của phản ứng đối với vết ong đốt.

Theo Bệnh viện Nhi Boston, những người dị ứng với ong đốt trên 25 tuổi dễ có khả năng sốc phản vệ sau khi bị đốt hơn, một phần do phản ứng dị ứng với nọc ong có thể trở nên tồi tệ hơn khi nạn nhân bị đốt nhiều lần trong đời.

Các phản ứng không dị ứng phổ biến khi bị ong đốt gồm sưng đau, mẩn đỏ ở vùng chịu tác động. Trong khi đó, phản ứng dị ứng có thể gồm nổi mề đay, buồn nôn, choáng vàng, co thắt dạ dày, nôn, tiêu chảy, huyết áp thấp và sưng tấy ở các vùng khác ngoài nơi bị đốt.

Bệnh viện Nhi đồng Seattle khuyến cáo, các dấu hiệu chính của phản ứng dị ứng nghiêm trọng gồm nổi mề đay, khó thở và khó nuốt. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng này, nên nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Đinh Kim (Theo LiveScience)

Tin nổi bật