Lợi dụng lòng tin của người dân, tín nhiệm của đơn vị công tác, một nhân viên dịch vụ công trên địa bàn huyện Văn Yên, Yên Bái đã sử dụng con dấu sai nguyên tắc, lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
“Con mồi” là người lao động, ít hiểu biết
Vừa qua, tạp chí Đời sống và Pháp luật nhận được thông tin phản ánh của người dân trên địa bàn xã An Bình (Văn Yên), về vụ việc một nhân viên dịch vụ công trên địa bàn thôn Trái Hút sử dụng con dấu của ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt để lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng tiền tiết kiệm của họ.
Theo nội dung trong đơn phản ánh, vào khoảng tháng 9/2019, người dân trên địa bàn xã An Bình nhận thông tin từ băng rôn, áp phích về việc gửi tiết kiệm với lãi suất ưu đãi. Sau đó, họ đã đến trụ sở đơn vị này trên thôn Trái Hút để tìm hiểu và được nghe nhân viên tư vấn, hướng dẫn về các bước gửi tiền tiết kiệm.
Tại đây, chị Trương Thuận Ánh - nhân viên - đã tư vấn các bước gửi tiền tiết kiệm và người dân quyết định trao gửi niềm tin vào ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt.
Nhiều nạn nhân có nguy cơ mất trắng số tiền đã gửi tiết kiệm. |
Thế nhưng, khoảng tháng 3/2020, do cần tiền kinh doanh, buôn bán, một số người dân đã đến nơi gửi tiền làm thủ tục rút tiền. Họ tá hỏa khi nhân viên ở đây cho biết các giấy tờ đều không hợp lệ, số tiền tiết kiệm mà họ nêu cũng không có trong hệ thống. Còn nhân viên tên Ánh thì “biệt tăm”.
Nạn nhân Nguyễn Thị Huyền than thở: “Gia đình tôi chưa gửi tiết kiệm bao giờ, từ trước đến nay có chút tiền nào cũng chỉ để xoay vòng buôn bán. Từ khi làm nhà xong, chúng tôi dành dụm được một khoản, mang gửi tiết kiệm tưởng sẽ sinh lời như khi nhận được tư vấn từ đơn vị đã tồn tại nhiều năm nay trên địa bàn mà chẳng ai mảy may nghi ngại. Không ngờ xảy ra cơ sự này”.
“Mẹ tôi đi làm vất vả, mỗi sáng lọ mọ vài chục cây số để giao hàng, gom góp được ít tiền cũng gửi vào đó như “của để dành” phòng lúc ốm đau tuổi già. Sự việc xảy ra khiến bà rất sốc, lo lắng phát bệnh”, chị Huyền cay đắng kể thêm. Khi được hỏi về số tiền đã giao cho nhân viên dịch vụ công kia, chị Huyền cho biết, tổng số tiền gửi vào là hơn 3 tỷ đồng và tất cả đều có giấy, dấu đỏ xác nhận của ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt. Hiện tại, chị đã giao những chứng cứ đó cho cơ quan công an điều tra, làm rõ.
Cũng là một người tham gia gửi tiết kiệm tại đơn vị nêu trên, chị Lương Thị Thúy Liên, trú tại thôn Trái Hút (xã An Bình), ngậm ngùi nói: “Là người dân lao động vất vả, không hiểu biết gì nhiều nên tôi tin tưởng ngân hàng là cơ quan Nhà nước và yên tâm gửi tiền. Hơn nữa, mọi giao dịch khi đó còn có cả dấu đỏ của ngân hàng Liên Việt nên tôi không nghĩ gì...”.
Nhắc tới khoản tiền tiết kiệm, chị Liên nói trong nước mắt: “Số tiền tích góp của hai vợ chồng định dành để sửa căn nhà cấp bốn xập xệ. Bây giờ, nhà vẫn sống trong cảnh mưa là ngập, tiền thì trôi về đâu không biết”.
Lỏng lẻo trong công tác quản lý nhân sự
Một số giấy giao dịch của người dân khi gửi tiền tiết kiệm. |
Trước những phản ánh của người dân và để rộng đường dư luận, PV tạp chí Đời sống và Pháp luật đã liên hệ làm việc với cơ quan mà nhân viên Trương Thuận Ánh đã làm việc và thực hiện hành vi lừa đảo và ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt để tìm hiểu, xác minh thông tin.
Trao đổi với PV, bà N.T.T.H. - Giám đốc đơn vị dịch vụ công này - xác nhận nhân viên của đơn vị có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân trên địa bàn huyện Văn Yên: “Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vượt ngoài thẩm quyền giải quyết của mình, chúng tôi đã có văn bản báo cáo cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái vào cuộc làm rõ. Tuy nhiên, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra nên chưa có thông tin cụ thể”.
Trả lời PV tạp chí Đời sống và Pháp luật về các dịch vụ, quá trình giao dịch tại trụ sở trên địa bàn thôn Trái Hút, bà H. cho biết: “Đây là dịch vụ cung cấp, được ký hợp đồng giữa cơ quan chúng tôi và ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt, thực hiện các dịch vụ theo văn bản quy định, đơn vị được phép cung cấp dịch vụ đại lý ngân hàng và được mở tại các cơ sở của mình quản lý.
Những giấy mở tài khoản của người dân giao dịch với bà Ánh là ấn phẩm bình thường của cơ quan chúng tôi, thường được để ở quầy giao dịch. Giấy tờ này thường để người đi gửi tiết kiệm, gửi thư bảo đảm, gửi chuyển phát nhanh... sử dụng để viết, kê khai. Trong vụ việc này, bà Ánh sử dụng các loại giấy tờ này, nó thuộc giấy tờ giao dịch thông thường, không có giá trị pháp lý”.
Khi được hỏi về vấn đề quản lý con dấu, vị lãnh đạo cho hay, về việc quản lý con dấu để cung cấp dịch vụ và đóng những chứng từ, ấn chỉ, phía ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt đã giao cho đơn vị, sau đó đơn vị giao lại cho một đơn vị cấp huyện của mình trên địa bàn huyện Văn Yên và kiểm soát viên là người trực tiếp quản lý, quyết định đóng dấu. Tuy nhiên, trong vụ việc này, sau khi nhân viên tại bưu cục đóng dấu lại không nhập số tiền đã giao dịch vào hệ thống, mà giao dịch theo hình thức cá nhân.
“Sau khi vụ việc xảy ra, với vai trò là đơn vị quản lý lao động, chúng tôi xác định đấy là hành vi vi phạm pháp luật nên đã báo cáo cơ quan Công an làm rõ và giải quyết. Còn hiện tại, chúng tôi cũng không thể giải quyết được cho người dân. Quy trình giao dịch rất chặt chẽ, nhưng nhân viên làm ngoài quy trình, thì việc quản lý là rất khó. Phía chúng tôi không chỉ đạo nhân viên làm việc này”, bà H. nói.
Theo vị lãnh đạo này, bà Trương Thuận Ánh chính thức vào làm việc tại đơn vị từ năm 2010, và được cơ quan phân làm việc tại Trái Hút.
Liên quan vụ việc, ông Dương Văn Toàn, Giám đốc ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt – chi nhánh Yên Bái cho biết: “Vụ việc xảy ra từ tháng 3/2020. Phía đối tác xác định đây là vụ việc cá nhân do bà Ánh tự làm và có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên cũng không có văn bản chính thức về vụ việc gửi lại cho ngân hàng nên chúng tôi không nắm rõ thông tin. Sau đó, ngày 23/6/2020 cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái ra quyết định khởi tố và vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra.
Hiện tại, toàn bộ tài liệu của bà con cung cấp đã giao cho cơ quan Công an phục vụ công tác điều tra cho nên chúng tôi cũng chưa tiếp nhận được gì ngoài một số bản mở tài khoản tiết kiệm phô tô mà phía đơn vị kia cung cấp. Tuy nhiên, tất cả tài liệu mà bà con cung cấp không có cái nào nào hợp pháp về gửi tiết kiệm theo quy định của pháp luật. Qua xác minh, trong vụ việc này vẫn chưa hề có giao dịch nào của phía ngân hàng do tài khoản tiết kiệm chưa được mở, tiền chưa vào hệ thống, sổ vẫn chưa được rút ra và hầu hết bà con đều giao dịch dưới hình thức cá nhân”.
Theo ông Toàn, việc giao dịch gửi tiền tiết kiệm tại các chi nhánh của bưu điện là kế hoạch hợp tác giữa ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt với đối tác, thì phía đối tác là kênh địa lý theo thỏa thuận, về nguyên tắc sẽ giao cho chủ thể là pháp nhân, pháp nhân được thuê nhân viên thực hiện các bước nghiệp vụ.
Về vấn đề con dấu, phía ngân hàng giao cho đối tác, do Trưởng một đơn vị quản lý. Vì vậy, tất cả các giao dịch đều thông qua cấp Trưởng này. Còn phía ngân hàng không tham gia vào việc giao dịch tại các cơ sở mà chỉ có chức năng kiểm tra đột xuất theo định kỳ.
Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tiết kiệm phải là sổ tiết kiệm “Giao dịch mở tài khoản là bước đầu tiên trong quá trình gửi tiết kiệm, đây là những kê khai của khách hàng khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, những giấy tờ mở tài khoản tiết kiệm khi đã kê khai xong mà khách hàng không muốn tiếp tục giao dịch thì tờ giấy đó có thể bỏ và không có giá trị. Bởi lẽ, giấy tờ sở hữu theo quy định của pháp luật, quy định của ngân hàng Nhà nước là giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tiết kiệm phải là sổ tiết kiệm, thẻ tiết kiệm”, ông Toàn nói thêm về những chứng từ và con dấu trong quá trình giao dịch. |
Trao đổi với PV, luật sư Nghiêm Quang Vinh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội, cho biết: Trong vụ việc này, cá nhân chị Trương Thuận Ánh có dấu hiệu phạm tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, cần phải xem xét chị này có thêm hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, tham ô hay không? Bởi vì, chị Ánh là người được giao nhiệm vụ, làm các dịch vụ gửi tiền tiết kiệm của người dân trên địa bàn, nhưng khi giao dịch lại không chuyển tiền vào hệ thống lại tự ý sử dụng số tiền với mục đích khác. Căn cứ vào Điều 278, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, tội Tham ô tài sản có khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm (khoản 1, Điều 278) hoặc khung hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (khoản 4, Điều 278). Ngoài ra, người phạm tội còn bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung khác theo quy định trong luật, tùy vào mức độ vi phạm. Ngoài ra, cần phải xem xét cả trách nhiệm của đơn vị quản lý người có hành vi lừa đảo. Sự việc xảy ra rõ ràng đã có sự quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiện khi giao nhiệm vụ cho nhân viên thực hiện. Trình tự thủ tục công việc không chặt chẽ, tạo kẽ hở cho nhân viên lợi dụng để lừa đảo người khác, chiếm đoạt tài sản. |
Đỗ Tuấn
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 5 (150)