Từ Hy Viên là một trong những nữ diễn viên nổi tiếng của Đài Loan (Trung Quốc). Sự ra đi đột ngột của cô trong chuyến du lịch đến Nhật Bản vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua đang trở thành tâm điểm chú ý.
Theo truyền thông Trung Quốc, Từ Hy Viên không may qua đời vì biến chứng nghiêm trọng sau khi mắc cúm mùa. Tin tức này đã gây chấn động Đài Loan (Trung Quốc) và khiến người dân nơi đây nhanh chóng tìm đến các phòng khám để tiêm vắc xin phòng chống cúm.
Theo Báo Tuổi trẻ, trong cuộc phỏng vấn ngày 4/2, người đứng đầu Cơ quan Y tế Đài Loan Khâu Thái Nguyên khẳng định Đài Loan còn hơn 160.000 liều vắc xin, đồng thời nhấn mạnh số vắc xin này sẽ được ưu tiên cho người cao tuổi và nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, bệnh nhân suy giảm miễn dịch và có bệnh mãn tính.
Hãng thông tấn CNA Đài Loan ngày 3/2 cho biết thành phố Đài Nam đã được phân bổ 540.000 liều vắc xin cúm miễn phí vào tháng 6 và 7/2024. Việc tiêm chủng miễn phí bắt đầu từ đầu tháng 10/2024, tính đến trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 vẫn còn khoảng 7.000 liều. Tuy nhiên, toàn bộ số vắc xin này đã được đăng ký tiêm hết vào hôm 3/2. Các phòng khám tại Đài Bắc cũng ghi nhận tình trạng người dân ồ ạt đi tiêm vắc xin.
Các phòng khám tại Đài Bắc cũng ghi nhận tình trạng người dân ồ ạt đi tiêm vắc xin. Ảnh: UDN Taiwan.
Theo số liệu thống kê của một phòng khám Nhi khoa ở Đài Trung, sau khi tin tức nữ nghệ sĩ Từ Hy Viên qua đời vì mắc cúm mùa, số người tiêm vắc xin cũng đã tăng gấp 10 lần so với năm trước. Một số người dân chuẩn bị đi du lịch Nhật Bản cũng đang lo lắng. Họ quyết định tiêm vắc xin phòng cúm trước khi khởi hành.
Bác sĩ Di Thăng Hoàn, giám đốc phòng khám Nhi khoa ở Đài Trung cho biết, ngay sau khi truyền thông đưa tin về Từ Hy Viên, điện thoại của phòng khám luôn trong tình trạng quá tải với hơn 100 người đăng ký tiêm chỉ trong vòng chưa đầy 24 tiếng đồng hồ. Sáng hôm sau, tình hình vẫn tiếp diễn, số lượng bệnh nhân đến phòng khám chờ điều trị cúm mùa cũng tăng lên nhanh chóng.
Bác sĩ họ Di khuyến cáo người mắc bệnh mạn tính và người trên 65 tuổi có nguy cơ cao nhiễm cúm và dễ gặp các biến chứng nghiêm trọng, khi có dấu hiệu như khó thở, sốt cao liên tục cần nhập viện càng sớm càng tốt. Theo truyền thông Đài Loan, đang có cuộc chạy đua trong việc tiêm vắc xin cúm tại nhiều cơ sở y tế khác nhau, theo Vietnamnet.
Trước tình hình này, Trung tâm Chỉ huy phòng dịch (CDC) Đài Loan đã mở cuộc họp báo vào chiều 3/2 để giải thích về dịch cúm và tình hình tiêm chủng của Đài Loan.
Theo số liệu được công bố, từ ngày 19 đến 25/1 tổng lượt khám do nghi nhiễm cúm trên toàn Đài Loan vượt mức 162.000 ca, đây là mức cao nhất trong 10 năm qua, tăng 12,5% so với tuần trước.
Theo đó, trong tuần thứ 4 (từ ngày 19 đến 25/1) và tuần thứ 5 (từ ngày 26/1 đến 1/2) của năm 2025, Đài Loan lần lượt ghi nhận khoảng 162.000 và hơn 88.000 bệnh nhân đến khám bệnh có các triệu chứng giống cảm cúm.
Do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong tuần thứ 5, hầu hết các phòng khám đều đóng cửa nên số lượt khám giảm xuống chỉ còn hơn 88.000 người. Dự kiến sau kỳ nghỉ Tết, số lượt khám sẽ tăng trở lại trong tuần thứ 6.
sau khi tin tức nữ nghệ sĩ Từ Hy Viên qua đời vì mắc cúm mùa, số người tiêm vắc xin cũng đã tăng gấp 10 lần so với năm trước. Ảnh: ETToday.
Dựa trên dữ liệu giám sát của CDC Đài Loan ( Trung Quốc), hiện tại chủng vi rút cúm A/H1N1 chiếm ưu thế trong cộng đồng. Tổng số ca mắc cúm tính từ tháng 10/2024 đến ngày 2/2/2025 là 641 ca, bao gồm 599 ca nhiễm H1N1, 24 ca nhiễm H3N2, 9 ca nhiễm cúm A chưa phân loại và 9 ca nhiễm cúm B.
Độ tuổi bị nhiễm nhiều nhất là trên 65 tuổi, chiếm 54% tổng số ca mắc. Hiện đã có 132 ca tử vong do cúm và hơn 90% các trường hợp mắc bệnh và tử vong đều là những người chưa tiêm vắc xin cúm trong mùa này.
Người phát ngôn CDC Đài Loan Tăng Thục Huệ cho biết trong năm 2024, tổng cộng 6,78 triệu liều vắc xin cúm đã được phân phối. Sau khi mở rộng chương trình tiêm chủng cho toàn dân, hiện chỉ còn khoảng 200.000 liều và chưa có kế hoạch mua thêm.