Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người cựu chiến binh “tiếp lửa” cho thế hệ trẻ bằng những kỷ vật

(DS&PL) -

Có một người cựu chiến binh già vẫn luôn đau đáu những kỷ niệm về đồng đội và những năm tháng ngục tù đã qua.

Có một người cựu chiến binh già vẫn luôn đau đáu những kỷ niệm về đồng đội và những năm tháng ngục tù đã qua. Với nỗi niềm trăn trở, ông đã lên đường tìm lại những kỷ vật còn sót lại của đồng đội để thắp lên ngọn lửa tri ân với những người đã nằm xuống…

LTS: Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018) sẽ diễn ra sáng ngày 3/6. Tại lễ kỷ niệm này, 70 điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau sẽ được tuyên dương. Từ hôm nay, báo Người Đưa Tin xin được trân trọng giới thiệu đến quý độc giả những tấm gương (trong số 70 điển hình tiên tiến) đã góp phần phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tạo khí thế thi đua sôi nổi và rộng khắp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước…

PV báo Người Đưa Tin tìm đến thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) vào một buổi chiều tháng Năm đầy nắng, cũng là những ngày chuẩn bị kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Vào thăm “Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày” để tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ, tiếp đón PV là một người đàn ông tóc bạc phơ, da sạm đen vì nắng vẫn giữ được phong thái nhà binh, nhanh nhẹn, tinh anh và nhiệt tình. Đó là anh hùng lao động Lâm Văn Bảng, đồng thời cũng là Giám đốc bảo tàng - cựu tù binh Phú Quốc năm xưa.

Người cựu chiến binh thầm lặng

Hồi tưởng về quá khứ hào hùng trong căn phòng nhỏ, ông Bảng hiểu rõ sự dã man, tàn bạo của kẻ thù khi tra tấn những chiến sĩ cách mạng cũng như sự khốc liệt của chiến tranh. Hơn 40 năm sau ngày được trao trả tự do bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị), những ký ức của người cựu chiến binh năm xưa vẫn hiện về rõ nét như mới xảy ra ngày hôm qua.

Ông Lâm Văn Bảng là người khởi xướng thành lập, xây dựng và là Giám đốc bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

Sinh ra trong gia đình có 5 anh em, anh cả tham gia cách mạng, bị sa vào tay giặc ở Phú Quốc trong kháng chiến chống Pháp, người anh thứ 3 làm liên lạc du kích thời kỳ chống Pháp và cũng bị giặc bắt. Nhưng may mắn thay, cả hai người anh đều trốn thoát và tiếp tục chiến đấu. Bởi vậy luôn có một động lực thôi thúc ông chiến đấu quật cường. Cuộc đời binh nghiệp trải qua bao thăng trầm, qua bao mưa bom bão đạn, những tháng ngày bị giam cầm từ nhà lao Biên Hòa đến ngục tù Phú Quốc, chứng kiến những hình ảnh của đồng đội mình ngã xuống, phải hứng chịu những trận tra tấn dã man của quân tay sai Mỹ-Ngụy. Tất cả như đã đi sâu vào tiềm thức và luôn ám ảnh ông.

Lưu giữ ký ức không thể nào quên của một thời hoa lửa

Hàng chục năm qua, ông Bảng cùng chiến hữu vẫn rong ruổi trên mọi chiến trường xưa để tìm, sưu tầm kỷ vật chiến tranh, những hiện vật gắn với đồng đội trong những tháng ngày nghiệt ngã để tưởng nhớ người đã nằm xuống. Mỗi khi bạn bè nhắc đến ở đâu có kỷ vật là ông khoác ba lô lên đường, vận động nhân dân tặng lại. Những ngày đầu chẳng mấy ai hiểu, ông Bảng phải đem cả tài sản, danh dự để cầm cố làm tin. Có những lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc vì kinh tế, vì sức khỏe nhưng với bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ cách mạng, ông Bảng lại gượng dậy, quyết thực hiện tâm nguyện cao cả dành cho đồng đội của mình.

“Ký ức bị giam cầm trong các trại giam của địch, chứng kiến cảnh đồng đội mình bị tra tấn dã man như thời trung cổ cứ đeo bám tôi suốt cả cuộc đời. Khi trở về đời thường, những hình ảnh đó vẫn không thể nguôi ngoai, mà nó còn thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó để tri ân đồng đội”, ông Bảng tâm sự.

Bảo tàng là nơi tái hiện lại những tội ác dã man, tàn bạo nhất của giặc đối với người chiến sĩ cách mạng.

Khi xem gần 4.000 tư liệu, hiện vật, hình ảnh đang được trưng bày, lưu giữ tại bảo tàng, nơi những bằng chứng “sống”, tái hiện chân thật “địa ngục trần gian”, PV không khỏi rùng mình trước tội ác chiến tranh mà quân giặc đã gây ra cho đồng bào ta cũng như tinh thần chiến đấu quật cường của các cựu tù Phú Quốc. Và thật xúc động biết bao khi có nhiều người thân của các anh hùng liệt sĩ về thăm bảo tàng, họ đã nhận ra hiện vật của các anh và òa khóc.

Theo ông Bảng, ở Việt Nam đa số các bảo tàng tập trung thể hiện nhiều hơn về sự chiến thắng, rất ít có bảo tàng nào nói lên sự tàn ác của kẻ địch, tố cáo tội ác chiến tranh. “Chúng tôi là người trong cuộc, hiểu rõ sự tàn ác dã man của quân thù đối với người chiến sĩ cách mạng. Thấu hiểu lời dạy của Bác “không có gì quý hơn độc lập tự do”, cho nên chúng tôi muốn chắt chiu những kinh nghiệm cho thế hệ trẻ để tiếp bước cha anh, phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ đất nước. Trân trọng quá khứ, thanh thản với hiện tại và không ngừng mơ ước tới tương lai là điều tôi luôn tâm niệm”, ông cho biết.

Truyền lửa cho thế hệ mai sau…

Theo chân một trong những nhân chứng sống của lịch sử, PV được dẫn đi tham quan phòng trưng bày hiện vật của bảo tàng. Trong những căn phòng nhỏ, những kỷ vật được sắp xếp khoa học, gọn gàng, mỗi hiện vật đều mang một câu chuyện khác nhau. Có lẽ phải đặt chân đến nơi này, tận mắt chứng kiến rồi được nghe người hướng dẫn kể lại và tự cảm nhận, thế hệ trẻ mới thấu hiểu sự tàn khốc của chiến tranh. Ở đó có “chuồng cọp”, có những thủ đoạn đê hèn như đóng đinh vào người, ném người vào chảo nước sôi, đốt người, rút móng tay, chân... tất cả đều tàn nhẫn và dã man không ngòi bút nào có thể lột tả hết được.

“Những hiện vật ở đây là để báo cáo với Đảng, với quân đội, nhân dân, những người chiến sĩ bị sa vào tay giặc, họ vẫn kiên trung bất khuất, giữ trọn khí tiết, trung thành vô hạn đối với Tổ quốc. Đến giờ phút này, bảo tàng thực sự là nơi tố cáo tội ác chiến tranh, là địa chỉ đỏ, là nơi sưởi ấm các linh hồn liệt sĩ, là mái nhà chung của những người chiến thắng trở về, chúng tôi muốn gửi gắm lại cho thế hệ trẻ”, ông Lâm Văn Bảng trải lòng.

Không chỉ người lính năm xưa, hay thế hệ cha anh mà các bạn trẻ cũng tìm đến bảo tàng ngày càng đông để hiểu thêm về lịch sử oai hùng.

Giờ đây, mong mỏi lớn nhất của người cựu chiến binh, chính là thông qua bảo tàng và những kỷ vật, có thể thức tỉnh, khơi dậy lòng yêu nước của những người trẻ. Đó có thể là câu chuyện về lá cờ Tổ quốc bằng máu, là hình ảnh những trận càn quét sát hại biết bao đồng bào ta, là những chiếc đinh – chứng tích của tội ác chiến tranh, của gia đình liệt sĩ Lương Bình Kỳ tìm thấy trong hài cốt, là “lá thư đợi chết” của đồng chí Hoàng Gia Lượng khi tự nguyện làm “cây đuốc sống” để cứu đồng đội… tất cả đều được các chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt và tù đày còn sống sưu tầm đem về để trưng bày nhằm tố cáo và tái hiện tội ác của kẻ địch. Hơn thế nữa, mỗi hiện vật đều ẩn chứa linh hồn của liệt sĩ, là báu vật của những người đã ngã xuống cho nền độc lập của đất nước hôm nay.

Góc khuất của cuộc chiến tranh luôn là máu, là xương của những người đã nằm xuống. Những kỷ vật ở bảo tàng nhắc nhở cho các thế hệ mai sau hiểu thêm ý nghĩa của hòa bình, tự do cũng như sự hy sinh xương máu của cha ông, của những thế hệ đi trước. Bảo tàng được coi là mái nhà chung của tấm lòng nhân ái, là nơi người cựu chiến binh thực hiện ước nguyện của mình: “Thắp cho các anh hùng liệt sĩ nén hương đó cũng là tâm niệm mà tôi thấy mãn nguyện khi cũng góp một phần sức lực vào việc nhắc nhở mọi người luôn nhớ đến đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta. Việc tôi có thể làm là tiếp tục gieo những hạt giống tốt tới thế hệ trẻ Việt Nam”.

Hải Yến/ Người Đưa Tin

Tin nổi bật