Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người "cõng chữ" lên non nơi đất nước triệu voi

  • Việt Hương
(DS&PL) -

Thầy Nguyễn Thành Ngọc cho biết, quãng thời gian được sống, làm việc và gắn bó với các em học sinh, bà con dân tộc thiểu số ở Lào là những trải nghiệm quý giá mà đời người không dễ gì có được.

“Gieo chữ” cho học sinh thiểu số tại Lào

Thầy giáo Nguyễn Thành Ngọc, sinh năm 1991, quê Bắc Giang, hiện đang là giáo viên giảng dạy Tiếng Việt tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào theo diện của bộ GD&ĐT cử sang. Đơn vị công tác của thầy Ngọc là trường THPT Viêng Phu Kha, tỉnh Luổng Nạm Tha (Lào).

Nói về “cơ duyên” đến với công việc giảng dạy Tiếng Việt tại Lào, thầy Ngọc cho biết: “Đối với tôi cũng rất tình cờ và cũng có thể được coi là một “duyên nợ”. Từ khi còn học tại trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, tôi đã được tiếp xúc và giúp đỡ các bạn sinh viên Lào đang theo học ở đó về việc học thêm tiếng Việt. Qua thời gian tiếp xúc tôi cảm thấy yêu thích con người cũng như văn hóa của nước bạn Lào, chính vì vậy sau khi tốt nghiệp Đại học tôi đã sang Lào sinh sống và làm việc”.

Thầy Ngọc trong một tiết dạy Tiếng Việt.

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Đại học, thầy Ngọc sang Lào giảng dạy tại trường Việt kiều ở Viêng Chăn. Từ đó, chàng trai trẻ tuổi vừa giảng dạy vừa tiếp tục trau dồi kiến thức, học thêm tiếng Lào và tiếp tục học lên Thạc sĩ ngành Ngôn ngữ và Văn học tại trường Đại học Quốc gia Lào. Năm 2016, thầy Ngọc đã tốt nghiệp lớp tiếng Lào và hiện thầy có thể giảng dạy và nói thành thạo cả hai ngôn ngữ Lào – Việt.

Nhắc về kỷ niệm những ngày đầu chân ướt chân ráo sang Lào, thầy Ngọc chia sẻ: “Đó là những ngày đầu khi mới sang Lào, khi đó tôi chỉ là một chàng trai vừa tròn 23 tuổi tất cả mọi thứ còn xa lạ, tiếng Lào chưa biết, đường không thông thuộc, tôi đạp xe đạp đi dạy học, sáng đi dạy tối về phải làm thêm vì khi đó lương thấp lắm. Sau đó tôi đi học tiếng Lào tại Đại học Quốc gia Lào, ròng rã như vậy trong một năm trời có những khi mệt quá tôi còn ngủ gật luôn trong giờ học tiếng Lào. Rồi tất cả mọi việc cũng qua và tốt đẹp hơn bởi con người và đất nước Lào thân thiện, nhịp sống nhẹ nhàng làm cho tôi rất yêu đất nước này".

Sau khi tốt nghiệp cao học ở Lào, thầy Ngọc có trở về Việt Nam và công tác tại phòng đối ngoại tuyển sinh của trường ĐH Khoa học Thái Nguyên. Tuy nhiên, với tình yêu con người, đất nước bạn Lào, vào tháng 10/2021, khi Bộ GD&ĐT Việt Nam tuyển giáo viên đi giảng dạy tiếng Việt tại Lào, thầy Ngọc đã xung phong lên đường. Sau đó thầy Ngọc được phân công giảng dạy tại trường THPT Viêng Phu Kha.

Thầy Ngọc tham gia trao quà cho các em học sinh trường dân tộc nội trú tỉnh Luổng Nạm Tha.

Dạy học ở ngôi trường xa nhưng tự hào

Trường THPT Viêng Phu Kha là ngôi trường khang trang, đẹp đẽ do Chính phủ Việt Nam xây tặng. Ngôi trường này nằm tại một tỉnh miền núi cao ở cực Bắc của Lào, có đường biên giới giáp Trung Quốc và Myanmar.

“Đây là lần đầu tiên tôi đi xa như vậy và đến một nơi hoàn toàn mới lạ vì trước kia tôi dạy ở Thủ đô Viêng Chăn còn bây giờ khi lên đây tôi phải làm quen với nhiều thứ mới. Nhưng khi lên đây ở một vùng núi cao xa xôi mà lại có một ngôi trường khang trang đẹp đẽ do Chính phủ Việt Nam xây tặng nước bạn Lào tôi cảm thấy rất tự hào và xúc động. Được tiếp xúc với các em học sinh, bà con đồng bào vùng cao tôi cảm thấy họ chất phác thật thà, chính điều ấy đã làm động lực cho tôi vui vẻ cống hiến, làm tròn nhiệm vụ được giao”, thầy Ngọc chia sẻ.

Thầy Ngọc cùng các học sinh trồng rau củ cải thiện cuộc sống.

Theo thầy Ngọc, tỉnh Luổng Nạm Tha là một nơi kinh tế còn nhiều khó khăn, bà con chủ yếu là dân tộc vùng cao như Khơ Mụ, A Kha, Tày Đăm, Mu Xơ... Tuy nhiên qua quá trình công tác ở đây anh thấy bà con rất thật thà, hiền hòa và hiếu khách, mọi người rất yêu mến anh, chính vì vậy nếu còn có cơ hội tiếp tục công tác anh rất mong được gắn bó với các em học sinh, bà con nơi đây thêm nữa.

Nhớ lại những ngày đầu lên huyện miền núi Viêng Phu Kha công tác, thầy Ngọc cho biết, lúc đó anh chưa quen biết ai, đi chợ mua thức ăn cũng xa. Tuy nhiên, anh nhận được sự quan tâm rất lớn của bà con và các em học sinh.

“Xúc động nhất là khi các em học sinh người dân tộc đem đến cho tôi khi thì mấy củ khoai, khi thì bó mây rừng, khi thì cái hoa chuối. Còn bà con xung quanh trường biết có thầy giáo người Việt đến giảng dạy người thì cho rau, trứng, cá suối, gà... Biết rằng các em học sinh và bà con còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng tình cảm họ dành cho tôi làm tôi rất xúc động”, thầy Ngọc chia sẻ.

Theo thầy Ngọc, các em học sinh ở đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số, gia đình đều làm nương rẫy, nhiều em gia đình còn thiếu ăn, quần áo mặc chưa đủ ấm...

“Những ngày đầu tôi lên công tác đã được chứng kiến bữa cơm hằng ngày của các em chỉ có xôi với rau dại và muối trắng. Hỏi các em có trứng ăn không các em nói rất lâu rồi không được ăn. Nhiều em học sinh ở các bản làng xa xôi phải đi bộ 20-30 cây số để đến trường vì gia đình không có xe máy thêm nữa là đường đi lại dốc núi khó khăn. Nhà xa, các em phải ở lại những túp lều bằng tre nứa dựng trên sườn đồi của trường mưa gió thì bị ướt, nắng thì nóng lại không có điện nước”, thầy Ngọc nhớ lại.

Thương các học trò nghèo nhưng hiếu học của mình, thầy Ngọc đã xin nhà trường cho các em xuống dãy phòng học và ký túc của giáo viên để ở. Ngoài ra, thầy cũng thường xuyên quyên góp từ bạn bè người quen để xin sách vở, đồ dùng học tập và quần áo cho các em. Bên cạnh đó, thầy Ngọc còn cùng các em học sinh tự trồng rau củ quả để cải thiện bữa ăn, tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

Ngoài công tác giảng dạy trên lớp theo sự phân công của nhà trường, thầy Ngọc đang dạy một lớp tiếng Việt cho cán bộ huyện. Mặt khác thầy cũng tích cực tham gia các hoạt động công tác xã hội ở địa phương nhằm giao lưu văn hóa và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 nước Việt - Lào.

Hoàng Yên

Bài đăng trong số đặc biệt kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Tin nổi bật