Dù vẫn hết lòng tuân theo tín ngưỡng của mình nhưng sư thầy Tuân vẫn không dứt bỏ hồng trần bằng việc nhận nuôi 11 đứa trẻ bất hạnh bị bỏ rơi.
Hàng ngày, sau khi đi công việc về, Đại đức Thích Thanh Tuân - trụ trì chùa Giữa Đồng (Quảng Yên, Quảng Ninh) lại chờ những đứa con nuôi của mình đi học thêm về cùng ăn cơm tối.
Trên giấy tờ, sư thầy Tuân là cha nuôi của 11 đứa trẻ bị bỏ rơi. Ảnh: VOV |
Sư thầy cho biết, cái duyên nhận nuôi trẻ đã đến với ông vào năm 2009, khi đứa trẻ sơ sinh đầu tiên ông “nhặt” được trước cổng chùa.
Đứa bé cựa quậy trong cái bọc vải, đôi mắt nheo nhúm dưới tia nắng sớm, tiếng khóc im bặt khi ông cúi sát xuống ẵm cái bọc lên. Đó là một buổi sáng định mệnh trong bước đường tu hành của sư Thích Thanh Tuân bởi ông đã ẵm đứa trẻ về nhận nuôi luôn mà không có ý định đưa nó cho tổ chức hay cá nhân nào.
Cũng trong tháng đó, thêm 1 đứa trẻ nữa bị bỏ lại chùa. Riêng trong năm 2009, thầy trở thành cha nuôi của 6 đứa trẻ.
Đến năm 2012 thì ngôi chùa nghèo Giữa Đồng trên đảo Hà Nam đã có 7 đứa trẻ rồi. Sau Quảng là Trường, rồi đến Thanh, Tâm, An, Thọ, Liên. Những đứa trẻ được sư Tuân và một vài vị chấp tác ở chùa nuôi dưỡng từ khi còn đỏ hỏn, ốm đau quặt quẹo đến khi cứng cáp, rồi chân bước tung tăng đến trường.
“Tôi nghĩ có lẽ cái duyên mình đã gắn bó với những đứa trẻ có hoàn cảnh như vậy, thì mình cứ hoan hỉ đón nhận, hoặc mình tự tìm đến những đứa không biết đến với mình”. Sư Tuân nghĩ vậy, rồi ông chủ động tìm đến các bệnh viện ở Hạ Long, Uông Bí nhận thêm các cháu về nuôi.
"Bọn trẻ vẫn gọi tôi là ông xưng con, dù trên giấy tờ pháp lý tôi đã là cha nuôi của 11 đứa rồi” – sư Tuân nói. 10 năm nay, vị cha nuôi ấy đã ra sức chăm nom, dạy dỗ bọn trẻ. Không phải lúc nào công việc ấy cũng diễn ra suôn sẻ. Cũng có lúc sư Tuân chật vật với tiền sữa, tiền lo khám chữa bệnh; cũng có đứa lớn lên nghịch ngợm, mải chơi, không biết vâng lời.
Bọn trẻ sống vui vẻ, vô tư... |
... nhưng chúng cũng được học những kĩ năng để sống tự lập. Ảnh: Dân Việt |
Tất cả bọn trẻ đều bị bỏ rơi từ lúc sơ sinh, khi mới được 1- 2 ngày tuổi, chúng được khai sinh họ Trịnh, là họ trước khi xuất gia của thầy.
"Có bé sơ sinh nhiễm HIV, thử máu lần nào cũng dương tính nhưng nuôi một thời gian hết hẳn bệnh. Cháu này khi vào chùa chưa đủ 2 kg, phải nằm viện nhi Thuỵ Điển 2 tháng. Tôi đã làm tất cả các thủ tục đưa cháu vào trung tâm nhưng người ta nói tôi phải làm đơn từ biệt, đã vào trung tâm thì không được quan tâm gì đến cháu nữa.
Tôi nghĩ, mình đã nuôi cháu được 5-6 tháng rồi, bây giờ đưa vào trung tâm, mình phải biết cháu sống chết ra sao chứ. Thế là tôi không cho cháu đi nữa, giữ ở lại chùa. Đến khi cháu được 25 tháng, đi thử HIV thì cả 3 lần đều âm tính.
Các cháu cũng được phật tử, chính quyền thăm hỏi, tặng quà. Có bác sĩ cũng rất nhiệt tình giúp đỡ tư vấn sức khỏe khi các cháu ốm đau", thầy Tuân tâm sự.
Người dân xóm biển Nam Hòa thương sư Tuân và lũ trẻ, khi cho bộ quần áo, lúc lại dấm dúi cho ít đồ chơi, hay hộp sữa bò. Chính quyền địa phương cũng đã sẻ chia với sư thầy và các em bằng lòng cảm thông chân thành nhất. 11 đứa trẻ học mầm non trường Nam Hòa không thu học phí.
Ảnh chụp Đại đức Thích Thanh Tuân cùng các Phật tử đưa bọn trẻ ra Hà Nội viếng lăng Bác vào năm ngoái. |
Nhiều đơn vị, tổ chức và cá nhân biết tiếng sư Tuân và việc thiện của người, thỉnh thoảng lại đến thăm tặng quà cho các cháu. Trực tiếp giúp thầy việc sinh hoạt, ăn ở, đưa đón các em đi học hàng ngày là ba cô bác có nhà ngay gần chùa. Họ đều là những người có gia đình, cháu con yên ấm; đến với các em không chỉ vì công việc của người bảo mẫu mà còn vì lòng rung cảm, thương yêu, trìu mến gọi các em là “con” xưng “mẹ”.
Đến giờ, chỉ còn mẹ Xê và mẹ Bé, hai người phụ nữ nay đã 60 tuổi còn ở lại chùa.
Hàng ngày, từ 4h sáng, hai mẹ đã dậy chăm đàn lợn đàn gà rồi chuẩn bị bữa sáng cho bọn trẻ. Ngoài giờ học, các bé được hai mẹ rèn cho việc dọn nhà, quét sân. Công việc xoay như chong chóng, ngày 2 bận đưa đón mấy đứa nhỏ tới trường, mấy đứa lớn nhất thì tự đi xe đạp được rồi, mẹ Bé cho biết.
Bây giờ, những đứa trẻ đã vào tiểu học, một số còn đi mẫu giáo nhưng sư thầy lại có những nỗi lo khác, nỗi lo của người cha về tương lai của những đứa con.
Một đoàn viên thuộc Thị đoàn Quảng Yên tới thăm, tặng quà và chụp ảnh lưu niệm với các cháu bé. |
Sư thầy làm đơn xin chính quyền xác nhận các cháu là con em gia đình có thu nhập thấp để được hưởng chính sách miễn giảm bảo hiểm y tế, học phí... nhưng không được xác nhận vì lý do thầy là nhà sư, không thuộc diện gì cả.
Đã có nhiều người đến gặp sư Tuân để xin nhận một trong số bọn trẻ về làm con nuôi, nhưng sư đều từ chối.
“Ngày nào tôi còn khỏe, tôi còn chăm cho các cháu có một cuộc sống bình thường như mọi đứa trẻ khác. Với lại, có lần khi tôi hỏi từng đứa có muốn về nhà người ta ở không, đứa nào cũng tiu ngỉu. Từ đó tôi không hỏi chúng câu ấy nữa” – sư Tuân nói
Khi được hỏi, nuôi 11 đứa con, có bao giờ thầy cảm thấy mệt mỏi không, thầy lắc đầu, nụ cười hiền hậu lấp lánh niềm vui trong ánh mắt: "Chỉ cần được nhìn thấy bọn trẻ lớn lên bên nhau mỗi ngày là tôi vui rồi. Đã xác định làm cha nuôi của các cháu, dù có khó khăn thế nào tôi cũng cố gắng hết sức để chăm sóc, nuôi nấng các cháu ăn học nên người".
Minh Khôi (T/h)