Ngày 24/11, VTC News thông tin về trường hợp mắc sốt xuất huyết là anh V.A (52 tuổi, quê Yên Bái). Được biết, đầu tháng 11, anh bị sốt cao, ho, nôn ói, kiệt sức, đau nhức khắp người và phát ban lấm tấm trên cơ thể. Lúc đó, anh chỉ nghĩ do đi rừng bị dị ứng, nhưng càng lúc lại càng mệt, sốt không thuyên giảm.
Anh được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh điều trị 2 ngày nhưng không đỡ, phải chuyển xuống tuyến trung ương.
Người đàn ông nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, xuất huyết toàn bộ phần cánh tay, lan xuống thắt lưng hai bên, tím tái toàn thân, tiểu cầu thấp. Các bác sĩ nhanh chóng cho truyền máu, truyền tiểu cầu để cấp cứu.
Bác sĩ Bằng kiểm tra sức khoẻ cho người bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: VTC News
Theo bác sĩ Phạm Thanh Bằng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người bệnh có tiền sử u đại tràng, điều trị tại bệnh viện đến ngày thứ 9 tiểu cầu vẫn rất thấp. Bệnh viện đã truyền dịch, bù các chế phẩm máu song hồng cầu vẫn tụt.
“Bệnh nhân gặp tình trạng xuất huyết trong cơ, gần như không thể can thiệp ngoại khoa. Chưa kể, người bệnh còn bị bội nhiễm”, bác sĩ Bằng nói và thông tin thêm, sau hơn 2 tuần điều trị, sức khoẻ người bệnh không cải thiện, tiên lượng nặng, suy hô hấp, gia đình xin đưa về nhà.
Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số ca sốt xuất huyết nhập viện bắt đầu từ tháng 4 và đạt đỉnh vào tháng 10, 11. Khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh thì số ca sốt xuất huyết ít dần.
Liên quan đến vấn đề này, thông tin từ báo Lao động, các ca bệnh sốt xuất huyết tại vùng cao Yên Bái tăng cao và chưa xác định yếu tố dịch tễ. Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn ghi nhận 393 trường hợp sốt xuất huyết (tăng 270 ca so với cùng kỳ năm 2022).
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Yên Bái phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại khu vực có dịch. Ảnh: Lao động
Trong đó, 307 ca mắc sốt xuất huyết xâm nhập điều trị tại tỉnh Yên Bái, 86 ca không xác định yếu tố dịch tễ. Cao điểm tháng 10 và tháng 11, địa phương này ghi nhận gần 230 ca mắc.
Hiện nay, các ca bệnh sốt xuất huyết tại Yên Bái không xác định yếu tố dịch tễ do đi lại giao thương kinh tế, học tập, làm việc của người dân. Dịp cuối năm, người dân từ Hà Nội và các tỉnh đang có dịch bệnh lưu hành trở về địa phương rất nhiều nên các ca bệnh xâm nhập có thể tiếp tục tăng.
Phun thuốc diệt muỗi, giữ gìn vệ sinh môi trường là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Lao động
Ngoài ra, theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến giữa tháng 10 năm nay cả nước ghi nhận 99.639 trường hợp sốt xuất huyết, 27 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (240.419/121) số mắc giảm 58,6%, tử vong giảm 94 trường hợp.
Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có 4 typ huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.
Theo các bác sĩ, diễn biến của bệnh nhân sốt xuất huyết xảy ra trong vòng 10 ngày. Từ ngày 1 đến ngày 3, nếu bệnh nhân đến khám và được chẩn đoán sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ hướng dẫn theo dõi tại nhà bằng việc đo nhiệt độ, bù nước điện giải, chế độ dinh dưỡng phù hợp. Trong trường hợp bệnh nhân sốt li bì, đau đầu, nôn, không ăn uống được, ý thức giảm cần đưa đến cơ sở y tế ngay để kịp thời điều trị. Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 thường là thời gian bệnh diễn biến nặng, tiểu cầu giảm, mất nước, sốc. Những ngày này, bác sĩ sẽ theo dõi sát bệnh nhân. Nếu tình trạng bệnh nhân ổn định có thể được cho ra viện. |
Nguyễn Linh (T/h)