Theo Dân Trí, trong những ngày đầu mắc sốt xuất huyết, nữ sinh viên đang theo học tại Hà Nội xuất hiện triệu chứng sốt cao. Trong giai đoạn này, bệnh nhân nghỉ tại nhà, được bạn cùng phòng chăm sóc và theo dõi sát.
Đến ngày thứ 5, bệnh nhân lui sốt. Nghĩ rằng bệnh gần khỏi nên người bạn cùng phòng cho bệnh nhân nghỉ ngơi một mình tại nhà để đi học.
Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, tình trạng nữ sinh bất ngờ diễn biến nặng lên. Lúc được bạn cùng phòng phát hiện, cô gái đã rơi vào tình trạng sốc do mất máu, thoát huyết tương. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện nhưng đã quá muộn và tử vong sau đó.
Bệnh nhân đang được điều trị sốt xuất huyết. Ảnh: VTC News.
Một trường hợp tử vong khác cũng vì nguyên nhân này, là một cụ ông sống tại Hà Nội.
Theo thông tin từ người nhà, trong giai đoạn đầu của bệnh, thấy cụ ông sốt cao nên các thành viên trong gia đình sắp xếp người ở nhà chăm sóc. Tuy nhiên, sau vài ngày thấy cụ ông đỡ sốt, con cái đi làm trở lại, cụ ông ở nhà cũng bất ngờ diễn biến nặng.
Cuối ngày sau ca làm, các thành viên trong gia đình về nhà mới phát hiện bệnh nhân đã ở tình trạng rất nặng. Cụ ông tử vong sau khi được đưa vào bệnh viện.
VTC News dẫn lời bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sai lầm nguy hiểm sau giai đoạn đầu của bệnh là thấy cắt cơn sốt nhiều người chủ quan nghĩ đã khỏi bệnh, mà không biết rằng đây là giai đoạn bệnh có nguy cơ chuyển biến nặng cao nhất.
Lúc này người bệnh có thể bị thoát huyết tương, tăng thấm thành mạch, xuất hiện dấu hiệu cảnh báo khác như xuất huyết dưới da, chảy máu cam. Người bệnh cần được theo dõi sát và nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động mạnh, đi lại nhiều. Nếu có dấu hiệu như chảy máu chân răng, nôn ra máu, đau bụng, bồn chồn, vật vã, mọi người nên đến viện nhanh chóng.
Thông thường, diễn biến của bệnh nhận sốt xuất huyết xảy ra trong vòng 10 ngày. Từ ngày 1 đến ngày 3, nếu bệnh nhân đến khám và được chẩn đoán sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ hướng dẫn theo dõi tại nhà bằng việc đo nhiệt độ, bù nước điện giải, chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 thường là thời gian bệnh diễn biến nặng, tiểu cầu giảm, mất nước, sốc. Những ngày này, bác sĩ sẽ theo dõi sát bệnh nhân.
Chuyên gia cũng thông tin, nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết trở nặng do có một số quan điểm sai lầm như không được tắm, không vệ sinh họng, miệng.
“Người mắc sốt xuất huyết vẫn được tắm, nên tắm bằng nước ấm, tắm nhanh, không ngâm mình trong bồn tắm quá lâu hoặc lau người ở phòng kín, tránh gió lùa. Người bệnh vệ sinh họng miệng bằng bàn chải mềm hoặc súc họng bằng các nước sát khuẩn thông thường hoặc nước muối”, bác sĩ Phúc khuyên.
Để bảo vệ họng miệng, chúng ta nên đeo khẩu trang khi ở nơi có không khí ô nhiễm hoặc nơi đông người. Trước ăn hoặc sau khi đi vệ sinh, bạn nên rửa tay sạch sẽ, ăn chín uống sôi.
Nếu người bệnh sưng viêm đường hô hấp, cần uống nhiều nước và có thể dùng một số thuốc chống viêm phù nề theo hướng dẫn bác sĩ. Lượng nước uống hàng ngày nên là khoảng 2-3 lít, trong môi trường nhiệt độ trung bình từ 25 đến 30 độ C. Mọi người có thể sử dụng nước hoa quả, nước cơm, nước bổ sung muối trên thị trường.
Theo các chuyên gia y tế, ở nước ta hiện có 4 tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết được ký hiệu là D1, D2, D3 và D4. Ảnh: Dân Trí.
Theo VTV News, ở nước ta hiện có 4 tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết được ký hiệu là D1, D2, D3 và D4. Do đó, một người có thể mắc đến 4 lần sốt xuất huyết trong đời và lần 2 thường nặng hơn lần đầu.
Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng, trong đó có nhiều ca nặng. Thông thường vào cuối mùa dịch sốt xuất huyết, tỷ lệ ca nặng sẽ tăng hơn so với đầu dịch.
Ngày 20/11, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 10 đến 17/11), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2.476 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (giảm 54 ca so với tuần trước đó).
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần qua, trong đó đứng đầu là Thanh Oai với 209 ca, tiếp đến là Hà Đông (206 ca), Đống Đa (199 ca), Hoàng Mai (170 ca), Thường Tín (145 ca), Thanh Trì (133 ca), Phú Xuyên (120 ca), Chương Mỹ (110 ca).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố đã có 33.489 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái).
Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn. Trong đó, các quận, huyện có nhiều bệnh nhân là: Hà Đông (2.347 ca), Hoàng Mai (2.170 ca), Thanh Oai (2.087 ca), Phú Xuyên (2.041 ca), Đống Đa (1.928 ca), Thanh Trì (1.755 ca).
Thùy Dung (T/h)