Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ngư dân kể lại phút kinh hoàng ở điểm nóng Hoàng Sa

(DS&PL) -

(ĐSPL) - "Không kể ngày hay đêm, cứ thấy chúng tôi là những tàu sắt khổng lồ của Trung Quốc lại hung hăng lao tới như những “con sói khát mồi”.

(ĐSPL) - "Không kể ngày hay đêm, cứ thấy chúng tôi là những tàu sắt khổng lồ của Trung Quốc lại hung hăng lao tới như những “con sói khát mồi”. Ít nhất mỗi ngày, chúng tấn công tàu cá của chúng tôi từ 2 đến 3 lần".

Tàu Trung Quốc hung hăng tấn công tàu cá Việt Nam khiến nhiều tàu Việt Nam hư hỏng nặng.

Đó là những tâm sự của hàng chục ngư dân miền Trung vừa trở về từ điểm nóng Hoàng Sa - nơi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.

Lá cờ hòa bình phất phới giữa trùng khơi

Thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90351 Lê Văn Chiến (trú Thanh Khê, Đà Nẵng) kể, chiều 11/5, ông cùng 10 thuyền viên khác lên tàu rẽ sóng vươn khơi để khai thác hải sản. Vẫn biết, ngư trường Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép bằng việc đặt hạ giàn khoan 981 với hàng trăm tàu hải giám, hải cảnh và tàu vỏ sắt lăm le túc trực, nhưng ông Chiến và các ngư dân khác vẫn quyết ra khơi.

“Khi tôi đi, nhiều người  nói ở ngoài đó nguy hiểm lắm. Nhưng tôi lại nghỉ, ngư trường ngoài đó là của cha ông bao đời để lại. Nay Trung Quốc vô cơ chiếm đóng hạ đặt giàn khoan thì không thể chấp nhận được. Thôi thì cứ ra đó đánh bắt rồi cùng với các chiến sỹ Cảnh sát biển, Kiểm ngư xua đuổi tàu họ rời khỏi biển của mình. Nếu mình không đấu tranh, không xua đuổi tàu Trung Quốc thì mình mất biển à?”, ông Chiến thật thà nói về lý do mà ông và hàng chục ngư dân khác quyết tâm bám biển, vươn khơi.

Tư trang mà những ngư dân này mang theo ngoài những vật dụng tất yếu để đánh bắt hải sản còn có Lá cờ hòa bình và các băng rôn khẩu hiệu mang dòng chữ “Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan Hải dương 981 khỏi thềm lục địa của Việt Nam”.

Ngư dân Nguyễn Văn Cu (SN 1973, trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết: “Suốt cuộc hành trình, chúng tôi luôn treo trên nóc tàu lá cờ hòa bình (màu xanh nước biển) với mong ước hòa bình trên biển để ngư dân yên tâm đánh bắt. Tuy nhiên, thông điệp hòa bình đó của ngư dân Việt Nam đã bị các tàu Trung Quốc phớt lờ khi liên tiếp sử dụng vũ lực uy hiếp, tấn công.

Tàu Trung Quốc như những “con sói khát mồi”

Sau hai ngày đêm lênh đênh nơi sóng biển, sáng 13/5, tàu cá của ông Lê Văn Chiến đến vị trí cách đảo Tri Tôn 25 hải lý về phía bắc thì bị các tàu Trung Quốc bao vây, tấn công. “Sáng 13/5, khi chúng tôi đang thả lưới để bắt cá thì bất ngờ bị hàng chục tàu hải giám, hải cảnh của Trung Quốc chia làm nhiều mũi bao vây đội tàu của quận Thanh Khê (gồm 15 chiếc) từ bốn phía. Chúng (ý chỉ các tàu Trung Quốc) hung hăng như những con sói khát mồi, liên tục hú còi, bắn vòi rồng đe dọa từ phía xa. Nhiều lúc, tàu quân sự của Trung Quốc với những nòng pháo chọc trời  lượn lờ quanh chúng tôi để dương oai và đe dọa”, ông Chiến kể.

Cùng đi trên tàu cá  90351, ngư dân Phan Đức Mười cho biết, trong tuần đầu tiên biên đội tàu cá của Đà Nẵng đã tiến tới ngư cách vị trí giàn khoan trái phép khoảng 7 đến 8 hải lý. Cũng chính trong thời gian này, các tàu cá của ngư dân Đà Nẵng bị các loại tàu hải giám, hải cảnh, tàu vỏ sắt giả danh ngư dân của Trung Quốc đe dọa, tấn công nhiều nhất. “Nhưng được sự bảo vệ của các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư, chúng tôi vẫn bám vững ngư trường để đánh bắt hải sản. Vào ban đêm, chúng tôi mới lùi xa vị trí cách nơi Trung quốc đặt giàn khoan 981 trái phép 12 hải lý để ngủ”, ông Mười cho hay.

Ông Phan Đức Mười chỉ những vết thương mà tàu Trung Quốc gây nên cho tàu cá ĐNa 90351ở vùng biển Hoàng Sa.

Ngư dân Lê Xuân Anh (SN 1970, trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), kể rằng: Không kể ngày hay đêm, cứ thấy chúng tôi là những tàu sắt khổng lồ của Trung Quốc lại hung hăng lao tới như những con sói khát mồi. Ít nhất mỗi ngày, chúng tân công tàu cá của chúng tôi từ 2 đến 3 lần.

“Vào rạng sáng 25/5, một đội gồm 8 chiếc tàu sắt cỡ lớn có đánh số hiệu từ 11201 đến 11209 của Trung Quốc tràn xuống, tấn công các tàu ngư dân. Các tàu vỏ sắt của chúng cũng di chuyển thành từng tốp. Khi tấn công, chúng thường tách ra, cứ 2- 3 tàu lớn của Trung Quốc kẹp một tàu của ta. Khi các tàu cá của ta thả trôi, dạt đến gần vị trí giàn khoan thì các tàu Trung Quốc lập tức xuất hiện, chiếu đèn pha, bóp còi inh ỏi. Ngày nào mình cũng bị nó bắc loa hú còi, rồi cho tàu chạy sát, kẹp mạn… tạo thế gọng kìm để uy hiếp. Anh em đã nhiều lần chạm trán với các đội tàu này nên vẫn bình tĩnh cơ động, tìm cách tránh các đòn tấn công và tiếp tục đánh bắt” ngư dân Đỗ Văn Diệu (SN 1968, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) kể lại những giây phút kinh hoàng nơi điểm nóng Hoàng Sa.

Trung Quốc sử dụng tàu bán quân sự để ngăn cản chúng tôi

Trong những ngày đánh bắt trên biển, hàng chục ngư dân đã trực tiếp chứng kiến và tham gia cứu hộ tàu ĐNa 90152 (tàu cá của ông Trần Văn Vốn, do ông Đặng Văn Nhân làm thuyền trưởng) bị tàu vỏ sắt Trung Quốc mang số hiệu 11209 đâm chìm chiều 26/5.

Là người trực tiếp chứng kiến, ngư dân Lê Văn Chiến, thuyền trưởng tàu 90351 kể lại: Vào khoảng 4 giờ chiều 26/5, một tàu vỏ sắt của Trung Quốc mang số hiệu 11206 tấn công tàu cá ĐNa 9051. “Tôi buộc phải cài số, tăng ga để tránh đòn nhưng tàu này vẫn dí theo. Chỉ một lúc sau, tàu sắt 11206 đã bắt kịp tàu ĐNa 90351. Chúng chạy áp sát, chủ động va vào thành tàu để kẹp nách, ghè sát. Biết không ổn, tôi giảm ga, định thả trôi thì tàu vỏ sắt Trung Quốc dùng cần cẩu móc vào ống khói tàu của tôi rồi kéo lôi đi. Lúc đó, con tàu bị nghiêng hẳn về một bên, có nguy cơ chìm. Toàn bộ phần mạn cabin bên trái, ống khói, bộ dàn đèn bị phá hỏng. Thấy tàu cá chúng tôi đã bị hỏng, tàu sắt của Trung Quốc vẫn không chịu tha, nhưng rất may, các bạn tàu khác của Sơn Trà (Đà Nẵng), Quảng Nam và Quảng Ngãi có mặt kịp thời nên chúng mới chịu dạt ra”, ông Chiến kể lại.

Ông Diệu kể tiếp: “Thoát khỏi vòng vây của các tàu vỏ sắt Trung quốc, chúng tôi nhìn lại thì phát hiện tàu cá ĐNa 90152 do anh Nhân làm thuyền trưởng bị đâm chìm. Tôi huy động anh em khẩn trương quay ngoắt tàu lại vị trí tàu anh Nhân bị tấn công. Đồng thời phát đi tiến hiệu để các bạn tàu đến cứu. Ban đầu, chúng truy cản không cho tàu của ngư dân ta tiếp cận cứu người. Nhưng khi thấy các tàu của ta đến đông, chúng buộc phải giãn ra. Lúc đó, khoảng 29 tàu của ta đã bao bọc thành một vòng tròn để tàu cá ĐNa 90508 cứu vớt các thuyền viên, vừa không cho tàu Trung Quốc vào tấn công lần hai. Sau đó nhiều tàu của đoàn Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đến ứng cứu”.

Thuyền trưởng lê Văn Chiến: Trên vùng điểm nóng Hoàng Sa, Trung Quốc đã và đang sử dụng rất nhiều tàu bán quân sự, giả danh dưới dạng tàu cá để ngăn cản tàu cá Việt Nam đánh bắt hải sản.

Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Chiến, ông Diệu, ông Cu và rất nhiều ngư dân khác đều khẳng định: Trên vùng điểm nóng Hoàng Sa, Trung Quốc đã và đang sử dụng rất nhiều tàu bán quân sự, giả danh dưới dạng tàu cá để ngăn cản tàu cá Việt Nam đánh bắt hải sản.

Vừa trở về từ điểm nóng Hoàng Sa, phải đối mặt với sự tấn công hung bạo của các tàu Trung Quốc nhưng những ngư dân này cho biết, họ sẽ cương quyết bám biển, tiếp tục hoạt động sản xuất để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

“Tuy nhiên, sau khi khắc phục xong các vết hư hỏng, chúng tôi lại lên đường trở lại Hoàng Sa. Đó là ngư trường mà bao đời nay, cha ông chúng tôi đã đổ mồ hôi, nước mắt mới có được. Chúng tôi sẽ cương quyết bám vững ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, cho dù cho Trung Quốc sử dụng bất cứ thủ đoạn nào”, ông Chiến khẳng định với chúng tôi trước lúc chia tay.

Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng vừa ký quyết định trao tặng bằng khen cho 15 ngư dân thuộc 2 quận Thanh Khê và Sơn Trà vì đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất và tham gia bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc năm 2014.
 
Danh sách cụ thể gồm: Ông Nguyễn Đình Sơn, thuyền trưởng tàu ĐNa 90406; ông Trương Văn Minh, thuyền trưởng tàu ĐNa 90304; ông Lê Văn Thương, thuyền trưởng tàu ĐNa 90352; ông Trương Văn Hay, thuyền trưởng tàu ĐNa 90235; ông Nguyễn Đình Sinh, thuyền trưởng tàu ĐNa 90508; ông Đặng Văn Nhân, thuyền trưởng tàu ĐNa 90152; ông Nguyễn Văn Dàng, thuyền trưởng tàu ĐNa 90115; ông Nguyễn Văn Còn B, thuyền trưởng tàu ĐNa 90039; ông Lê Dũng, thuyền trưởng tàu ĐNa 90098; ông Lê Văn Chiến, thuyền trưởng tàu ĐNa 90351; ông Lê Văn Khăng, thuyền trưởng tàu ĐNa 90363; ông Bùi Văn Quý, thuyền trưởng tàu ĐNa 90029; ông Trần Văn Nở, thuyền trưởng tàu ĐNa 90457; ông Trương Văn Chính, thuyền trưởng tàu ĐNa 90357; ông Lê Văn Xin, thuyền trưởng tàu ĐNa 90026.

Tin nổi bật