14 hộ gia đình ngư dân cầu cứu
Thời gian qua, ĐS&PL nhận được phản ánh của 14 hộ gia đình ngư dân thuộc các quận huyện Dương Kinh, Đồ Sơn và Kiến Thụy thuộc Tp.Hải Phòng về việc những năm gần đây họ đánh con dắt (một loài động vật thuộc họ ngao, kích thước bằng hạt lạc) trên ngư trường truyền thống địa bàn giáp ranh giữa quận Đồ Sơn và quận Hải An bị nhiều đối tượng đe dọa, thậm chí hành hung, phá hỏng ngư cụ, tàu thuyền.
Ngư dân Phạm Văn Tản (trú tại tổ 2, phường Hải Thành, quận Dương Kinh) cho biết: “Tôi nối nghiệp đi biển từ thời ông cha. Gia đình tôi cũng như bao hộ gia đình ngư dân khác, bám biển làm kế sinh nhai, đánh bắt con dắt.
Con dắt là loại động vật sinh sống tự nhiên, có nhiều ở vùng biển Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn. Ra khơi đánh bắt có hôm được, hôm không vì còn phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, nhưng chăm chỉ làm lụng thì cũng đủ sống.
Tuy nhiên, vài năm nay, chúng tôi dong thuyền đi đánh bắt thì gặp phải một số nhóm đối tượng dùng ca nô, tàu cá không có biển kiểm soát truy đuổi, đe dọa, hành hung, gây áp lực buộc chúng tôi phải dừng việc khai thác dắt”.
Toàn bộ 14 hộ gia đình ngư dân nguồn thu đều trông về biển, cuộc sống vô cùng khó khăn, có những hộ gia đình như ông Phạm Văn Dương (trú tại phường Hải Thành, quận Dương Kinh), phải vay hơn 300 triệu để đóng tàu đi biển. Nay bị ngăn chặn, đe dọa, đến hạn trả lãi, họ không biết phải trông cậy vào đâu.
“Khổ lắm chú ạ, người dân chúng tôi kiếm miếng cơm, manh áo nuôi con sao mà khó thế. Nếu chúng tôi có những hành vi vi phạm pháp luật như: khai thác tại khu vực mỏ cát, khu vực bãi nuôi ngao được cấp phép thì chúng tôi sai.
Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ đánh bắt con dắt tự nhiên ở vùng nước sâu đến 3m, vùng đó không thể nuôi ngao và cũng không có bãi ngao, hay mỏ cát nào cả, là khu vực đánh bắt chung. Vậy mà ngày nào chúng tôi đi biển cũng bị các nhóm côn đồ đe dọa, chửi bới. Chúng tôi đã rất nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết triệt để”, ngư dân Bùi Văn Cừ (trú tại tổ 4, phường Hòa Nghĩa) buồn bã chia sẻ.
Chạm mặt
Để có được thông tin khách quan, trung thực từ phản ánh của bà con ngư dân, PV ĐS&PL đã đề nghị được ra khơi cùng bà con để tận mắt ghi nhận những gì mắt thấy tai nghe.
“Vậy thì tốt quá, anh cứ ra khơi cùng chúng tôi để chứng kiến những gì đang diễn ra ngoài biển có đúng với phản ánh của bà con hay không. Chúng tôi chỉ sợ mình làm sai, còn làm ăn đúng theo quy định của pháp luật để nuôi vợ con, gia đình thì chúng tôi không sợ gì cả”, ngư dân Bùi Thế Hướng (trú tại phường Bàng La, quận Đồ Sơn) gật đầu tán thành.
Ngay ngày hôm sau (30/11), lúc 8h, PV ra khu vực neo đậu tàu thuyền tại sông Lạch Tray để ra khơi. Bà con đưa có PV một bộ quần áo lao động và nói: “Anh phải ăn mặc bụi bặm cho đúng dân lao động, vì ra ngoài đó mặc quần áo bình thường dễ bị các đối tượng cảnh giác, phát hiện không phải ngư dân sẽ bị gây khó dễ”.
Thay xong quần áo lao động, PV lên một chiếc tàu, mọi người bắt đầu nhổ neo.
Để bảo vệ nhau, ngư dân đi thành từng đoàn để tương trợ nhau khi có tình huống bất ngờ.
Ngư dân Phạm Văn Chiến (trú tại xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy) cho hay, trước đây ngư dân mạnh ai nấy làm, đi đánh bắt riêng lẻ. Nhưng khi ra đến ngoài khơi bị các đối tượng đàn áp nên buộc phải quay về bờ. Nay, 14 hộ ngư dân tổ chức đi và về cùng nhau, cùng đánh bắt cùng một ngư trường, khi gặp “sự cố” trên biển thì sẽ dễ tương trợ cho nhau.
Từ khu vực neo đậu tàu thuyền, đi theo sông Lạch Tray xuôi về khu vực cửa biển khoảng hơn 10km, khu vực đánh bắt con dắt ở vùng biển Đồ Sơn giáp Hải An bắt đầu lộ ra.
Ngư dân chỉ cho PV những bãi cọc tre được cắm trên biển. Theo họ, những bãi cọc này được các nhóm đối tượng cắm trái phép, mục đích là để ngăn chặn tàu thuyền của bà con vào khai thác dắt. “Đấy, anh thấy đó, con ngao chỉ nuôi trồng và sinh sống được ở các bãi bồi, bãi triều ven biển. Ở đây nước sâu trên 3m thì không thể nuôi ngao, và cũng không có ngao, không cơ quan chức năng nào cấp phép cho nuôi trồng ở khu vực này cả và được xác định là khu vực khai thác, đánh bắt chung, lát nữa chúng tôi kéo lưới, anh xem có con ngao nào lọt vào không”, ông Cừ nói.
Theo quan sát của PV, bãi cọc tre được các đối tượng cắm trái phép trên biển có diện tích rộng hàng trăm ha.
Đến 9h sáng, 13 tàu của ngư dân bắt đầu hạ ngư cụ để đánh bắt dắt. Ngay lập tức, một chiếc ca nô không biển kiểm soát do một nam thanh niên mặc áo da nâu điều khiển từ sâu trong bãi cọc tre lao ra chỉ tay đe dọa ngư dân, buộc họ rời khỏi khu vực này.
Ngoài việc yêu cầu bà con không tiến vào khu vực được cắm cọc, nam thanh niên còn xua đuổi không cho bà con đánh dắt cả bên ngoài phạm vi bãi cọc. Một số ngư dân bắt đầu thu mẻ lưới đầu tiên, bên trong lưới chỉ có con dắt, không có một con ngao nào.
Ngoài bãi cọc được cắm trái phép, các đối tượng còn dựng cả chòi canh, trên chòi canh có một số bình ga, bình nước phục vụ cho việc ăn uống, sinh hoạt, trông coi.
Các đối tượng dùng ca nô truy đuổi, đe dọa, không cho ngư dân khai thác thủy sản trên biển.
Một lát sau, có thêm một ca nô và một tàu cá đều không có biển kiểm soát được các đối tượng điều khiển ra khu vực này. Hai chiếc ca nô có “nhiệm vụ” tiến sát mạn tàu của ngư dân để các đối tượng chửi bới đe dọa, chiếc tàu cá thì có “nhiệm vụ” bám theo tàu ngư dân để quấy rối, không cho ngư dân khai thác dắt.
Ngư dân lo sợ, buộc phải dừng việc khai thác thủy sản
Thấy tình thế bất lợi, 13 tàu của ngư dân đồng loạt phải dừng việc khai thác dắt. Đồng thời, họ gọi điện cho Đồn Biên phòng Tràng Cát (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng) để nhờ ứng cứu, lập biên bản sự việc.
Đến 13h15 cùng ngày, một ca nô của lực lượng Bộ đội Biên phòng đã ra để lập biên bản, nghe tâm tư nguyện vọng của bà con. Khi bà con hỏi về những chiếc ca nô, tàu cá không biển kiểm soát xua đuổi bà con, lực lượng Biên phòng nói đã lập biên bản vi phạm hành chính và sẽ tiến hành xử lý theo thẩm quyền.
Ngoài ra, Đồn Biên phòng Tràng Cát đã lập biên bản với nội dung: Vào hồi 13h15 ngày 30/11, tại khu vực bãi triều giáp Đồ Sơn giáp phường Tràng Cát, quận Hải An, tọa độ N20.7514 - E106.7986, đại diện Đồn Biên phòng Tràng Cát đã làm việc với đại diện 14 hộ ngư dân là ông Trần Văn Tiệp (trú tại tổ 10, phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh).
Theo biên bản, khoảng 9h ngày 30/11, ông Tiệp và 12 phương tiện đi khai thác thủy sản gặp 2 ca nô không biển kiểm soát (một ca nô chở 5 đối tượng, một ca nô chở 1 đối tượng) và một tàu vỏ gỗ không biển kiểm soát trên tàu có nhiều đối tượng ra xua đuổi, chửi bới, đe dọa ông Tiệp và 12 tàu, không cho đánh bắt.
Tổ tuần tra thuộc Đồn Biên phòng Tràng Cát đã lập biên bản sự việc và báo cáo về đơn vị để có phương án xử lý. Sau khi lập biên bản xong, tổ tuần tra rời đi và 13 tàu của ngư dân cũng về bờ.
Vĩnh Hòa
(Còn nữa)
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp Luật số thứ Hai (203)