(ĐSPL) - Không phải ngẫu nhiên mà các đại lý, cửa hàng bán lẻ gạo các loại gắn thêm mác ngoại cho gạo Việt để bán thêm lời mà sau đó là cả một công nghệ “set up”. Theo đó, các đại lý, cửa hàng luôn có lời từ các trạm trung chuyển gạo Việt. Đặc biệt, dòng gạo Việt cao cấp là đối tượng chính bị nhắm đến.
Sau nhiều ngày tìm hiểu, điều tra về tình trạng gạo Việt được gắn mác ngoại bán tràn lan trên thị trường, PV đã biết được nhiều bí mật của tình trạng này. Dĩ nhiên, việc gắn gạo nước ngoài cho gạo Việt chắc chắn không phải là do nông dân, mà tai hại nhất chính là do các thương lái, nhà phân phối. PV tạm gọi đây là những điểm trung chuyển gạo.
Trong vai một người cần mở đại lý gạo, PV liên hệ với nhiều trạm trung chuyển gạo thì đều được những người ở đây tư vấn hết sức nhiệt tình. Trong đó, họ chỉ cho các chiêu thức làm sao có lời và quan trọng nhất là phải biết lấy loại gạo nào để có thể gắn mác nước ngoài, bán ra lời nhất.
Theo đó, PV liên lạc với người tên Việt, hiện đang làm tại công ty TNHH gạo sạch S.H. để nhờ “tư vấn” cho việc chuẩn bị mở một đại lý gạo. Việt hồ hởi chia sẻ bí kíp: “Làm đại lý, nếu biết bán thì có lợi nhuận ngay. Một là lấy loại gạo rẻ nhất, loại này thì lợi nhuận ít, từ 1,2 ngàn đến 1,5 ngàn đồng/kg thôi. Có khi mình phải hạ giá để cạnh tranh với các đại lý, cửa hàng khác, khi đó chỉ lời từ 900 đến 1 ngàn đồng/kg thôi”. “Còn loại gạo có giá trung bình, anh sẽ lời khoảng 2 – 3 ngàn đồng/kg. Loại thứ 3 là gạo đặc biệt, anh lấy các loại gạo thơm, dẻo, bán có thể lời từ 4 đến 5 ngàn đồng/kg, thậm chí lên đến 6 – 7 ngàn đồng/kg cũng được, vì đây là loại cao cấp. Anh bán hàng phải làm sao tư vấn cho khách lấy những loại đặc biệt này mới lợi nhuận nhiều”, Việt nói về chiêu thức bán có lợi nhuận với PV.
Gạo ngoại (thực chất là gạo Việt) bán tràn lan trên thị trường. |
Đồng thời, Việt cũng cho biết thêm về giá sỉ, bỏ mối và chỉ cho PV biết giá bán ra như thế nào là hợp lý: “Em sẽ cung cấp cho anh loại 13 ngàn, bán ra 17 ngàn đồng/kg, còn loại 12 ngàn thì anh bán 16 ngàn/kg là OK. Nếu hàng cao cấp hơn, như loại em bỏ cho anh 14 ngàn, anh sẽ bán ra với giá 18 – 22 ngàn đồng/kg là bình thường, vì là hàng cao cấp nên không sao cả”. “Loại đặc biệt này là gạo Việt nhưng là giống nước ngoài, trồng tại Việt Nam. Ví như gạo Nàng hương, Đài Loan, Thơm Thái... đều của Việt Nam cả. Khi anh bán, em sẽ tư vấn cho anh thêm, loại nào nên lấy nhiều để bán cho có lời. Cứ thế về anh đặt cho nó những cái tên nước ngoài cho dễ bán nữa. Vì, bây giờ, người ta khoái gạo nước ngoài lắm, đặc biệt là các loại gạo Thái. Thực tế, đây đều là gạo Việt cả mà thôi, chỉ có gạo Sóc Miên (Campuchia) là nhập khẩu thôi. Vì vậy, anh phải tư vấn cho khách lấy nhiều loại cao cấp này mới có lời”, Việt “tư vấn” thêm.
Tương tự, tìm đến cơ sở phân phối gạo Ngon trên đường Thống Nhất (quận Gò Vấp), PV cũng được người đại diện tên Thùy cho biết: “Giờ lấy gạo bán chỉ cần vốn từ 30 – 50 triệu đồng là đủ, nếu có mặt bằng ở nhà. Mỗi kg bán ra lời dao động trên 1 ngàn đồng/kg (loại rẻ nhất) cho đến 3 – 4 ngàn đồng/kg, tùy loại. Như vậy, nếu mở ra, mới ban đầu bán được khoảng 50 – 60kg thì cũng lời được khoảng 200 ngàn đồng/ngày rồi. Có người lấy về rồi gắn thêm tên nước này nước nọ như Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia cho dễ bán. Nhưng thực chất chỉ có mười mấy loại gạo thôi, người ta lấy về rồi gắn thêm tên, đặc biệt là loại gạo cao cấp để gắn tên Thái, Nhật... cho vừa dễ bán, vừa có lời”.
Quả thật, khi ra đến các cửa hàng, đại lý... bán gạo, PV hoa mắt trước hàng chục, thậm chí đến cả trăm loại gạo. Bước vào cửa hàng gạo G.H. (cũng là nơi cung cấp gạo cho các cửa hàng, đại lý) trên đường Âu Cơ (quận Tân Phú), PV được người tên Mến cho biết: “Nếu lấy gạo để bán lại, bên em sẽ để cho giá sỉ, giá ở đây thì anh yên tâm, tốt nhất thị trường”.
Theo đó, Mến báo giá sỉ các loại gạo cho PV: Thơm lài sữa đặc biệt 12 ngàn đồng/kg, còn loại thơm lài thường là 11,2 ngàn đồng/kg. Gạo Đài Loan đặc biệt siêu việt cao cấp là 15,5 ngàn đồng/kg, còn Đài Loan thường là 12,2 ngàn đồng/kg, gạo Đài Loan xuất khẩu là 11,5 ngàn đồng/kg, gạo Nàng hương 11,5 ngàn đồng/kg, gạo Lứt Huyết rồng 20 ngàn đồng/kg, Tấm đỏ có giá 9,2 ngàn đồng/kg, Jasmine có giá 8,8 ngàn đồng/kg, Tấm Tài nguyên cũ 10,5 ngàn đồng/kg và Thơm Nhật 11,5 ngàn đồng/kg...
“Gạo Huyết rồng người ta đang bán với gái 28 – 30 ngàn đồng/kg, còn anh ở khu vực đó và mới thì nên bán với giá 26 ngàn/kg là được rồi. Lúc đầu mình lời ít thôi, sau khi có khách rồi thì từ từ tăng giá cũng được. Tốt nhất anh nên lấy ít loại trước đã, sau đó, thấy loại nào bán chạy thì lấy thêm. Hoặc, cùng loại đó nhưng có đặc điểm giống với các loại khác thì anh san ra, rồi đặt tên mới cho gạo cũng được(?!). Giờ mấy loại gạo nước ngoài đang dễ bán đó, anh cứ đặt đại mấy cái tên rồi trưng bảng bán thôi”, Mến nói thêm.
Thực chất, trên thị trường hiện chỉ có chừng hơn 10 loại gạo nhưng ra đến cửa hàng, đại lý, người tiêu dùng đều hoa mắt. Ông Nguyễn Tấn Minh, Giám đốc một công ty phân phối gạo tại TP.HCM cho biết: “Khi nhìn vào tên các loại gạo tại cửa hàng, đại lý, ai cũng choáng ngợp trước số chủng loại gạo hiện có trên thị trường cũng như thông tin liên quan như giá thành, chất lượng. Tuy nhiên, ít ai biết, thực chất thị trường gạo không đa dạng về chủng loại như thế mà hầu như chỉ có khoảng 10-15 loại (10 loại có hàng quanh năm, 5 loại đặc sản tuỳ vùng miền và có thời vụ). Sự đa dạng trên thị trường chỉ là do tên gọi theo thị hiếu và mẫu mã bao bì mà ra”.
Gạo Việt ngon không kém gì gạo ngoại GS.Võ Tòng Xuân, chuyên gia đầu ngành về lúa gạo Việt cho rằng: Sở dĩ có tình trạng người Việt sính gạo ngoại là vì nhiều lý do. Nhiều người chọn mua gạo Thái, Campuchia, vì thế người bán đã phải sử dụng tên nước ngoài để dễ bán và có lời hơn. Đã đến lúc gạo Việt phải tiến tới việc đóng bao bì, nhãn mác khẳng định tên tuổi, in thông tin về chỉ số dinh dưỡng... vì gạo Việt ngon không kém gạo nước ngoài. |
THANH TÙNG
Xem thêm video:
[mecloud]odpdbKDkr6[/mecloud]