Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghiện hít bóng cười, nữ sinh xứ Lạng "thăng hoa" trong phòng cấp cứu

(DS&PL) -

Hầu như ngày nào cũng hít vài quả bóng cười, cô gái đã phải nhập viện trong tình trạng tê tay chân, mất thăng bằng, đi lại khó khăn.

Hầu như ngày nào cũng hít vài quả bóng cười, cô gái đã phải nhập viện trong tình trạng tê tay chân, mất thăng bằng, đi lại khó khăn. Bóng cười đã thành nỗi ám ảnh về sức khỏe trong giới trẻ. Bác sĩ khuyến cáo, khí cười là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin.

Nữ sinh 18 tuổi (Lạng Sơn) nhập viện cấp cứu do sử dụng bóng cười. (Ảnh: BVCC).

Người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện...

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa tiếp nhận và điều trị, trường hợp một nữ sinh 18 tuổi (ở huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) vào viện trong tình trạng tê tay chân, mất thăng bằng, đi lại khó khăn. Theo khai thác của nhân viên y tế, nữ sinh này sử dụng bóng cười đã hơn 1 năm nay, hầu như ngày nào cũng hít vài quả.

Khoảng 6 tháng trở lại đây, bệnh nhân thấy có dấu hiệu tê bì tay chân, đau tức vùng ngực nhưng các dấu hiệu thường tự khỏi sau vài ngày. Vài ngày trước khi vào viện, nữ sinh xuất hiện tê yếu nhiều cả tay và chân, chuột rút, mất thăng bằng, đi lại khó khăn nên được người nhà đưa vào viện cấp cứu. Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn cảm giác do sử dụng khí N2O. Hiện tại, bệnh nhân đã được xử trí ổn định.

Liên quan đến vấn đề ngộ độc khí N2O do hít bóng cười, bộ Y tế đã đề nghị cấm sử dụng bóng cười trong giải trí. Khí N2O chỉ được phép mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp, không được sử dụng cho người trừ khi được bác sĩ chỉ định dùng trong y tế.

Bóng cười là quả bóng được bơm khí N2O, loại khí gây hưng phấn thần kinh, tạo cảm giác muốn cười khi hít vào nên còn được gọi là khí cười. Khí N2O vào cơ thể ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch, gây tê liệt người, thậm chí có thể tử vong.

Khí cười là nhóm chất gây nghiện, ảo giác và có xu hướng tăng liều. Người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự các loại ma túy khác. Nhiều người trẻ dùng bóng cười vì có cảm giác phấn khích, lâng lâng và cho rằng không nguy hiểm như thuốc lắc hay ma túy đá. Ở Việt Nam bóng cười không nằm trong danh mục quản lý đặc biệt, không xếp nhóm chất ma túy.

Tuy nhiên, lạm dụng bóng cười gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe, nghiện, khi thiếu dễ bị trầm cảm. Ngoài ra, khi người bệnh lạm dụng bóng cười, cười quá mức trong thời gian dài sẽ gây ngạt do thiếu ôxy, thậm chí bị suy hô hấp, ngạt thở, ức chế não dẫn tới thiệt mạng.

Rối loạn cảm giác do sử dụng khí N2O

Trước đó, do hít bóng cười quá nhiều, nam bệnh nhân 9X bị ngộ độc, teo tóp cơ thể, tổn thương thần kinh nặng, phải cấp cứu tại trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Theo chia sẻ của bệnh nhân 21 tuổi, trước đây hầu như ngày nào cũng hít hàng chục quả bóng cười để tìm cảm giác mới lạ, khi hít bóng cảm thấy rất "phê". Không chỉ hít bóng cười, bệnh nhân này còn mua cả một bình bơm bóng loại 5kg để bơm bóng cười hít tại nhà. Mỗi chiếc bình như thế bơm được khoảng 200 quả.

Sau thời gian "nghiện" bóng cười, nam thanh niên thấy trong người có biểu hiện mất thăng bằng, yếu tay chân và tê bì từ ngón chân lên đến vùng thắt lưng, tê bì hai bàn tay, đôi lúc cảm giác tê bì lan đến ngực nên mới đi khám bệnh. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc khí do hít bóng cười.

Một thanh niên khác, 26 tuổi, ở Tây Hồ (Hà Nội), bị ngộ độc khí N2O do lạm dụng hít bóng cười trong một thời gian dài. Thời gian đầu người này chỉ dùng 1-2 quả một lần và có cảm giác "phê". Dần dần số lượng dùng ngày một tăng, có thể lên tới 20 quả một lần chơi và thường xuyên dùng dẫn đến suy kiệt sức khỏe, phải cấp cứu tại trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân vào viện với các biểu hiện rối loạn cảm giác và giảm vận động, đồng thời có cảm giác tê bì bàn chân lan lên cổ chân và bàn tay hai bên, đi lại không vững.

Qua khám lâm sàng và xét nghiệm, bác sĩ còn thấy bệnh nhân có biểu hiện tổn thương tủy sống cổ khá nhiều, mất chất liệu tủy sống. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách trung tâm Chống độc, đây là trường hợp rất điển hình của ngộ độc khí ôxít nitơ N2O do lạm dụng bóng cười, dẫn tới tổn thương thần kinh.

Thời gian qua, trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận nhiều bạn trẻ đến điều trị trong tình trạng tương tự. Với tính chất nguy hiểm của nó (gây tổn thương thần kinh, gây liệt, rối loạn cảm giác, đồng thời có thể gây thiếu máu, ức chế tủy xương và một loạt tác động khác lên cơ thể, thậm chí khả năng sinh sản cũng bị giảm), chuyên gia khuyến cáo các bạn trẻ không sử dụng các khí này.

Hoàng Mai

Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật chủ nhật số 35

Tin nổi bật