Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghiên cứu mới chỉ ra thế giới có thể không cần phải đeo khẩu trang mãi mãi

(DS&PL) -

Khẩu trang đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 của thế giới.

Hơn 2 năm qua, khẩu trang đã được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới như một cách để bảo vệ người dân khỏi sự lây lan của COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay sau khi làn sóng các biến thể Delta và Omicron lắng xuống, đã có nhiều yêu cầu được đưa ra về việc bỏ quy định đeo khẩu trang ngay cả khi tỷ lệ tiêm vaccine tại nước này vẫn thấp hơn so với tỷ lệ miễn dịch tiềm năng.

Cần lưu ý, các ngưỡng miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 vẫn chưa được xác định, hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt mục tiêu về tỷ lệ bao phủ vaccine toàn cầu là 70% vào giữa năm 2022. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) gần đây đã đưa ra một công cụ cung cấp hướng dẫn về việc sử dụng khẩu trang dựa trên tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 tại nước này trong số hơn 3.000 hạt. 

Các khuyến nghị mới này không phải là quy định mà thay vào đó nhằm mục đích cung cấp thông tin về các chính sách sử dụng khẩu trang trong văn phòng, toà nhà cho các tiểu bang và thành phố. Các chính sách liên quan đến việc sử dụng khẩu trang trong các cơ sở thuộc quyền tài phán của liên bang, chẳng hạn như sân bay và trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, sẽ vẫn được áp dụng.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu về tác dụng của khẩu trang trong việc phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: CNN 

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng khẩu trang làm giảm sự lây lan của COVID-19 nghiêm trọng. Tuy nhiên, giá trị kinh tế của việc duy trì sử dụng khẩu trang - đặc biệt là ở các mức độ bao phủ tiêm chủng khác nhau trong dân số - vẫn chưa rõ ràng.

Trong đó, các nhà nghiên cứu đã phát triển một mô hình tính toán đại diện cho sự lây lan và tác động của COVID-19 trên hơn 327 triệu người ở Mỹ và mô phỏng việc duy trì sử dụng khẩu trang trước và sau khi đạt được các mức độ bao phủ tiêm chủng khác nhau dưới nhiều loại hình khác nhau. Các kịch bản khác nhau sẽ gắn với mức độ tiêm chủng COVID-19 của cộng đồng cuối cùng và ngày đạt được các mục tiêu này, cũng như mức độ sử dụng khẩu trang và ngày kết thúc sử dụng khẩu trang.

Trong tất cả các tình huống được mô phỏng, việc duy trì sử dụng khẩu trang trong khoảng từ 2 đến 10 tuần sau khi đạt được mục tiêu tiêm chủng dân số là hiệu quả về mặt kinh tế. 

Mức độ bao phủ tiêm chủng cộng đồng cuối cùng càng thấp thì lợi ích của việc tiếp tục sử dụng khẩu trang càng lớn. Ví dụ, nếu Mỹ đạt được 90% tỷ lệ bao phủ vaccine vào ngày 1/5/2022, việc duy trì sử dụng khẩu trang cho đến thời điểm đó sẽ tiết kiệm được 13,3 tỷ USD chi phí xã hội và 2,4 tỷ USD chi phí y tế trực tiếp, cũng như giảm khoảng 6,29 triệu ca mắc COVID-19, 136.700 ca nhập viện và 16.000 ca tử vong. Trong khi đó, việc đạt được tỷ lệ bao phủ 80% sẽ làm tăng số tiền tiết kiệm lên 16,7 tỷ USD chi phí xã hội, 2,9 tỷ USD chi phí y tế trực tiếp và ngăn chặn 7,66 triệu ca lây nhiễm, 174.900 ca nhập viện, 20.500 ca tử vong.

Sự xuất hiện của nhiều biến thể có thể lây truyền hơn cũng làm tăng lợi ích của việc sử dụng khẩu trang, đồng thời làm giảm hiệu quả của vaccine.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Bruce Y. Lee, đến từ Trường Cao học Y tế Công cộng và Chính sách Y tế CUNY (Mỹ) nhận xét: "Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh rằng chỉ tiêm vaccine thôi thì không đủ để kiểm soát đại dịch và cần phải có các nhiều lớp bảo vệ để hạn chế tác động của dịch và tỷ lệ tử vong. Các khuyến nghị mới được CDC được đưa ra vào thời điểm nhiều nơi ở Mỹ cũng đang bắt đầu xem xét việc nới lỏng các yêu cầu về khẩu trang, và việc lựa chọn đeo khẩu trang sẽ phụ thuộc vào quyết định cá nhân hoặc quyết định của các doanh nghiệp tư nhân. Mô hình của chúng tôi đại diện cho dân số dân số nhưng bề rộng và quy mô của các kịch bản mô phỏng có nghĩa là kết quả cũng có thể áp dụng cho các quốc gia khác".

Tiến sĩ Peter Hotez của Trường Quốc gia Y học Nhiệt đới tại Đại học Y Baylor (Mỹ) và là đồng tác giả của nghiên cứu nói thêm: "Phát hiện của chúng tôi cung cấp một số ánh sáng ở cuối đường hầm, cho thấy rằng việc sử dụng khẩu trang không phải mãi mãi nhưng đó vẫn là một công cụ quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 khi chúng ta bước vào giai đoạn tiếp theo của đại dịch". 

Các tác giả thừa nhận một số hạn chế liên quan đến việc sử dụng các mô hình nghiên cứu, đó là đơn giản hóa của thực tế cuộc sống và không thể giải thích tất cả các kết quả có thể. Hiệu quả của khẩu trang trong việc phòng chống COVID-19 đã được duy trì trong suốt thời gian mô phỏng; tuy nhiên điều này có thể thay đổi theo thời gian, và với các chính sách của địa phương. Các mô phỏng giả định tỷ lệ tiêm chủng được đưa ra là tỷ lệ tiêm của toàn bộ dân số, tuy nhiên,hiện vẫn còn một số nhóm - chẳng hạn như trẻ em dưới 5 tuổi - chưa đạt được điều kiện này.

Minh Hạnh (Theo Eurek Alert)

 

Tin nổi bật