(ĐSPL) - Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu phương án cho một số xe taxi hoạt động vào khung giờ cấm trên tuyến BRT để phục vụ người dân, du khách.
Trao đổi trên báo Tiền Phong, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu phương án cho một số hãng taxi hoạt động vào giờ cao điểm trên tuyến buýt nhanh BRT chặng Bến xe Yên Nghĩa – Bến xe Kim Mã.
Theo đó, trên dọc tuyến BRT có nhiều điểm khách sạn, cơ quan nên người dân, du khách sẽ có nhu cầu di chuyển bằng phương tiện taxi. Để tăng tính kết nối với các phương tiện công cộng khác, Sở GTVT đang nghiên cứu cho một số xe taxi được hoạt động vào khung giờ cấm.
Hà Nội nghiên cứu phương án cấp phép cho taxi hoạt động vào khung giờ cấm trên tuyến BRT. Ảnh minh họa. |
Vị lãnh đạo Sở cho hay, nhằm kiểm soát số lượng taxi ra vào tuyến, không ảnh hưởng giao thông, cũng như sự vận hành của buýt nhanh BRT, Sở GTVT sẽ cấp thêm một giấy phép “con” cho những taxi này. Dự kiến việc rà soát sẽ hoàn thành trong tuần này.
Trước đó vào sáng 31/12/2016, Sở GTVT Hà Nội đã khai trương tuyến buýt nhanh BRT, tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa tại bến xe Kim Mã.
Tuyến xe buýt nhanh BRT vừa được khai trương có số hiệu tuyến là BRT 01, do Tổng công ty Vận tải Hà Nội vận hành.
Các điểm đầu cuối là đầu A tại bến xe Yên Nghĩa (Quảng trường Bến xe Yên Nghĩa), đầu B tại Kim Mã (số 1 Kim Mã).
Theo báo Dân Việt, lộ trình tuyến xe buýt nhanh được xác định như sau:
Chiều đi: Bến xe Yên Nghĩa - Quốc lộ 6 - Ba La - Quang Trung (Hà Đông) - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Giang Văn Minh - Kim Mã.
Chiều về: Kim Mã - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Lê Trọng Tấn - Quang Trung (Hà Đông) - Ba La - Quốc lộ 6 - Bến xe Yên Nghĩa.
Tổng chiều dài tuyến này khoảng gần 15km, với 358 lượt xe/ngày thường (5 - 10 - 15 phút/lượt), 264 lượt xe đối với ngày chủ nhật (7 - 10 - 15 phút/lượt). Thời gian hoạt động tuyến tại đầu A là 5h, đầu B là 5h; giờ đóng tuyến đầu A là 22h, đầu B là 22h.
Theo kế hoạch, có khoảng 20 xe buýt nhanh vận hành vào ngày thường và 14 xe vận hành vào ngày chủ nhật.
Để đảm bảo trung chuyển hợp lý giữa các tuyến xe buýt thường và buýt nhanh BRT, thuận lợi, an toàn cho hành khách, mới đây, UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT nghiên cứu tăng cường các tuyến buýt kết nối, trung chuyển với tuyến BRT.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng giao Sở GTVT Hà Nội tổ chức lại tuyến buýt 22 thành 3 tuyến kết nối, trung chuyển với tuyến BRT như sau: Tuyến từ Kim Mã - Bến xe Gia Lâm; tuyến từ các khu đô thị: Kiến Hưng, Xa La kết nối với tuyến BRT theo hướng đường Mỗ Lao; tuyến từ các khu đô thị: Kiến Hưng, Xa La kết nối với tuyến BRT theo đường Vạn Phúc.
Ngoài việc điều chỉnh lộ trình tuyến xe buýt 22, Sở GTVT Hà Nội còn điều chuyển lộ trình tuyến xe buýt 16, 18, 33, 50.
Trong tháng đầu tiên hoạt động, hành khách được đi xe buýt nhanh miễn phí. Sau ngày 31/1, giá vé sẽ là 7.000 đồng/lượt, sử dụng loại vé như xe buýt thông thường.
Từ ngày 1/1/2017, các phương tiện cố tình đi vào phần đường dành cho xe buýt nhanh BRT sẽ bị cảnh sát giao thông Hà Nội xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính giao thông nếu người điều khiển ô tô chạy vào đường cấm, đường ngược chiều, chạy sai làn, trên vỉa hè từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng. |
(Tổng hợp)