Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghịch lý: Xăng giảm, nhà xe đòi tăng giá vé vào dịp Tết

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Mới đây, nhiều doanh nghiệp vận tải đã gửi văn bản lên các bến xe đòi tăng giá vé vào dịp Tết để bù vào chi phí.

(ĐSPL) - Mặc giá xăng dầu giảm kỷ lục, mặc các cơ quan chức năng đang thanh tra gắt gao việc cố tình chây ỳ không chịu giảm giá cước và bỏ qua dư luận, mới đây, nhiều doanh nghiệp vận tải đã gửi văn bản lên các bến xe đòi tăng giá vé vào dịp Tết để bù vào chi phí. Theo đó, mức các nhà xe đưa ra là 20-60\% khiến người dân bức xúc.

Không chịu giảm, nhiều doanh nghiệp vận tải đòi tăng giá vé.

Những lý do để DN "tăng giá ngược"

Chiều 4/2, Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các tỉnh, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp chây ỳ cần giảm ngay giá cước theo diễn biến giá xăng tháng 1/2015. Bộ đặc biệt lưu ý hai địa phương là Hoà Bình và Hà Nội. Đáng chú ý nhất, tại các bến xe ở Thủ đô Hà Nội, không chỉ có tình trạng "bất động" khi giá xăng dầu "cài số lùi" 13 lần mà một số nhà xe liên tỉnh Bắc- Nam còn đòi tăng giá cước dịch vụ.

Việc các nhà xe trước đó không giảm hoặc giảm kiểu nhỏ giọt đã khiến dư luận bức xúc và nhiều cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra. Thậm chí, trong một văn bản của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các bộ liên quan họp bàn và đưa ra giải pháp và chỉ đạo giảm giá cước vận tải trước Tết Ất Mùi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn tỏ ra "gan lì", quyết không giảm giá thậm chí có doanh nghiệp còn đề nghị tăng giá vé lên 60\%.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe khách Giáp Bát (Hà Nội) cho biết: "Hiện tại, chúng tôi đã nhận được 9 đơn vị vận tải đề nghị tăng giá vé lệch chiều. Đối với các tuyến xe chạy đường dài, giá vé tăng từ 20-60\% tùy vào từng ngày do đơn vị đó quy định như công ty TNHH Hiền Phước chạy tuyến Hà Nội - TP.HCM, công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hải Vân chạy tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, công ty Phương Trang tuyến Giáp Bát - Đà Nẵng... Việc tăng giá vé lệch chiều chỉ áp dụng 10 ngày trước và sau Tết Nguyên đán. Nguyên nhân được các đơn vị vận tải đề nghị được tăng giá vé là vì họ cho rằng, xăng giảm nhưng lương trả nhân viên, lốp, chi phí sửa chữa xe... không giảm. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây là lý do không thuyết phục".

Ông Nguyễn Tất Thành.

Cụ thể, tại bến xe khách Giáp Bát, trong văn bản, các doanh nghiệp đòi tăng giá vé chiều Sài Gòn - Hà Nội từ 880.000 đồng/vé lên 1.408.000 đồng/vé, công ty TNHH dịch vụ vận tải và thương mại Hùng Thắng chạy tuyến Giáp Bát - Thạch Thành (Thanh Hóa), trong phương án giá gửi đến bến Giáp Bát cũng tăng 40\% giá vé (từ mức 80.000 đồng/khách lên 112.000 đồng/khách), áp dụng từ ngày 8 - 28/2 trên cả hai chiều...

Tương tự, tại bến xe Nước Ngầm, hiện tại có 88 doanh nghiệp vận tải đang kinh doanh. Trong thời điểm này cũng có một vài nhà xe tuyến vận tải cố định Hà Nội -TP.HCM và tuyến Quảng Ngãi - Hà Nội đã đề nghị phụ thu tăng giá cước trong dịp Tết Nguyên đán 2015 với mức 40-60\% trong khoảng 20 ngày trước và sau dịp Tết.

Tuy nhiên, tại TP.HCM, trao đổi với PV về giá xe tết năm 2015, một đại diện công ty cổ phần vận tải ô tô Thanh Hóa có xe đỗ tại bến Ngã Tư Ga (quận 12- TP.HCM) cho biết: "Thông thường, giá xe tết chỉ được bến xe thông báo trước một ngày cho nhà xe trước khi khởi hành. Chính vì vậy, nhiều ngày nay người dân gọi đến để hỏi giá xe tết nhưng không nhận được câu trả lời. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, thì giá xe tết tại các bến tại TP.HCM năm nay giảm nhiều".

Cũng tại bến xe Ngã Tư Ga, trả lời PV về việc tại sao vẫn có nhiều nhà xe tự ý tăng giá xe tết, một đại diện nhà xe T.H. cho hay: "Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà xe đều phải kê khai giảm giá cước vận tải hành khách tại các nhà xe để phục vụ cho nhu cầu của người dân trong dịp tết khi giá nhiên liệu giảm. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi tình trạng hiện vẫn có một số nhà xe tự ý tăng giá. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một số nhà xe cho rằng việc tăng giá xe tết là để bù lỗ cho chiều vào giá quá thấp, lại ít khách. Tuy nhiên, theo tôi được biết thì những nhà xe tăng giá hầu hết là xe hợp đồng, đấu thầu, xe không đăng ký tại các bến bãi. Theo đó, những nhà xe hợp đồng này cho biết mặc dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng giá họ thuê xe vẫn không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, nhiều người vẫn phải thuê xe với giá cao hơn nên buộc họ phải giữ nguyên giá xe tết, thậm chí tăng lên".

Trao đổi với PV về giá xe tết tại bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), ông Thượng Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc bến xe Miền Đông cho hay: "Để đảm bảo và ngăn chặn các nhà xe tự ý tăng giá xe tết năm 2015, các cơ quan chức năng trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đã có nhiều biện pháp quản lý, siết chặt. Riêng tại bến xe Miền Đông, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng bộ GTVT và các cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi đã tiến hành cho các nhà xe kê khai, niêm yết và điều chỉnh giảm giá cước vận tải hành khách đường bộ bằng xe ô tô theo tuyến cố định khi nhiên liệu liên tục giảm. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có 154 đơn vị kê khai giảm giá trên tổng số 211 đơn vị đăng ký hoạt động tại bến xe Miền Đông".

Kiên quyết không cho tăng giá vé

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc sở GTVT Hà Nội cho biết: "Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo các doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại bến xe Hà Nội đòi tăng phụ thu 20-60\%. Có thể, họ đã gửi văn bản đề nghị tăng cước đến lãnh đạo các bến xe nhưng chúng tôi chưa nhận được báo cáo". Khi PV hỏi về hướng xử lý các nhà xe tăng giá vé vào dịp tết khi giá xăng dầu đang giảm 13 lần, vị này khẳng định: "Chúng tôi đã gửi văn bản kiên quyết không cho tăng giá vé với bất cứ lý do gì. Tuy nhiên, theo Thông tư mới, doanh nghiệp vận tải muốn tăng giá cước chỉ cần xin phép sở Tài chính địa phương. Chính vì vậy, việc kiểm soát giá vé đối với sở GTVT cũng rất khó khăn".

Theo ông Thành, cứ đến cuối năm, các doanh nghiệp vận tải lại rục rịch đòi tăng giá cước. Họ nói rằng, tăng phụ phí tiền sửa xe, lương cho nhân viên. Tuy nhiên, năm nay xăng dầu giảm giá gần một nửa so với trước đây. Số tiền họ hưởng lợi từ giá xăng dầu giảm cũng có thể bù đắp được số tiền lương và các phụ phí khác. Vậy hà cớ gì mà các hãng xe này đòi tăng giá xăng dầu.

"Nguyên nhân duy nhất đó chính là việc thời điểm cuối năm nhu cầu khách về quê tăng. Đây chính là mùa kiếm ăn lớn nhất của các nhà xe. Mặc dù biết doanh nghiệp đòi tăng cước trong thời điểm này là bất hợp lý nhưng lãnh đạo bến xe cũng chỉ biết tuyên truyền nhà xe không nên tăng giá. Ngoài ra, chúng tôi chia sẻ với khách hàng bằng việc cấm các phụ xe lấy tiền cao hơn giá vé, ép khách, ép giá. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm", ông Thành nói.

Theo bà Vương Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Giá (Sở Tài chính Hà Nội), Sở này đã nhận được một số hồ sơ đề xuất xin tăng giá cước vận tải (phụ thu) vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. Mặc dù vậy, sở Tài chính chưa chấp thuận cho bất kỳ doanh nghiệp nào thực hiện việc tăng giá vé. Hiện nay, bộ Tài chính đang tiếp tục kiểm tra việc giảm giá cước của 20 đơn vị trên địa bàn Hà Nội. Quan điểm của sở Tài chính Hà Nội là sẽ xử lý nghiêm những doanh nghiệp cố tình chây ỳ không giảm giá cước vận tải.

Tẩy chay nhà xe không giảm giá cước

Sáng 3/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã kiểm tra đột xuất tình hình bảo đảm an ninh trật tự và phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi của bến xe Miền Đông và ga Sài Gòn. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, cần công khai giá vé, số lượng vé và những doanh nghiệp chưa giảm giá vé để người dân được biết. "Nếu cần thiết, chúng ta phải vận động tẩy chay những nhà xe không giảm giá cước. Ngoài ra, phải kiểm soát chặt chẽ phí phụ thu, không thể để tình trạng nhà xe muốn phụ thu bao nhiêu cũng được" - ông Thăng nói.

Tin nổi bật