Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghịch lý đầu tư công và chuyện "bóc ngắn cắn dài"

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã không giấu được sự sửng sốt và "choáng váng" khi thấy nhu cầu vốn khổng lồ mà các bộ ngành, địa phương trình lên bộ.

(ĐSPL) - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã không giấu được sự sửng sốt và "choáng váng" khi thấy nhu cầu vốn khổng lồ mà các bộ ngành, địa phương trình lên bộ.

Thời gian qua, bài toán quản lý ngân sách đang trở nên vô cùng nóng bỏng. Bản thân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã không giấu được sự sửng sốt và "choáng váng" khi thông báo về nhu cầu vốn khổng lồ mà các bộ ngành, địa phương trình lên Bộ KH&ĐT. Một câu chuyện không mới nhưng đang chờ một cuộc "thay máu" thực sự.

Giật mình chuyện xin... nghìn tỉ

Từ trước đến nay, câu chuyện về cách chi tiêu, sử dụng nguồn vốn công tại Việt Nam đã từng được rất nhiều Đại biểu Quốc hội, giới chuyên gia thẳng thắn chỉ ra. Tất cả đều chung nhận định, chúng ta đang sử dụng nguồn vốn rất lãng phí và tùy tiện.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP.Hồ Chí Minh) từng nêu thẳng trên nghị trường về tình trạng "ăn nhậu vô tội vạ ở nước ta nhưng rồi vẫn quyết toán được". Chính vì tình trạng "vung tiền quá trán" và thoải mái chi tiêu nên mới có chuyện nợ công rồi tăng chi...

Trong khi ngân sách đang phải "thắt lưng buộc bụng", nhiều địa phương, bộ ngành lại mắc hàng loạt sai phạm trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước.

Những số liệu giật mình được Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây về sử dụng ngân sách ở các địa phương là minh chứng rõ nét nhất. Theo kết quả kiểm toán năm 2013, tại nhiều địa phương, sự tùy tiện trong chi, sử dụng sai ngân sách, bố trí vốn bất cập diễn ra khá phổ biến.

Dù Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, ngân sách eo hẹp, chỉ ưu tiên bố trí vốn cho các công trình cấp bách. Tuy nhiên, tình trạng "trên bảo, dưới không nghe" trong bố trí vốn cho các dự án khởi công mới (không thuộc diện cấp bách) vẫn diễn ra.

Dẫn báo cáo cho biết, riêng Quảng Bình có tới 19 dự án. Tại Sơn La, chính quyền địa phương cấp vốn cho 6 dự án không thuộc diện cấp bách. Tại tỉnh Phú Thọ, lãnh đạo địa phương đã duyệt chi tiền từ ngân sách cho tổng cộng 13 dự án không thuộc diện ưu tiên.

Một số địa phương, nhiều dự án thuộc diện chưa có quyết định đầu tư, chưa đủ điều kiện bố trí vốn vẫn được giải ngân như: Gia Lai chi tới 37 tỉ đồng cho 93 dự án; Đắk Lắk chi 11,9 tỉ đồng cho 15 dự án)...

Đây là những ví dụ cụ thể được chỉ ra trong báo cáo kiểm toán, còn trên thực tế, dư luận từng ghi nhận không ít những minh chứng về tình trạng đầu tư công lãng phí.

Trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đã phải thốt lên: "Trụ sở làm việc xa hoa, lộng lẫy như cung điện".

Ông Phước cho biết, ông đi nhiều nơi, thấy nhiều tỉnh nghiêm túc trong xây trụ sở, nhưng không ít tỉnh xây trụ sở như cung điện, như địa điểm để du lịch. "Dân mình đang nghèo, tại sao mình làm to như thế?", vị này băn khoăn.

Mới đây nhất, dự án công trình nhà hát huyện Đan Phượng (Hà Nội) với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 117 tỉ đồng đang bị dừng tiến độ vì thiếu vốn; rồi xây sân vận động như huyện Hoài Đức (Hà Nội)...

Ngay sau đó, lãnh đạo huyện đã thừa nhận công trình gây lãng phí. Có một điều chắc chắn rằng, những dự án kiểu như nhà hát Đan Phượng, sân vận động Hoài Đức này không thiếu. Đây chính là bài học "xương máu" về thất thoát và lãng phí!

Điều đáng buồn, thực tế nhức nhối với những kịch bản tương tự lại lặp lại tại chính các bộ ngành. Minh chứng được chính vị tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư dẫn chứng trong Hội nghị hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016 - 2020).

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị hỗ trợ tối thiểu 20.000 tỉ đồng để làm vốn đối ứng cho các dự án ODA, nhưng Bộ chỉ bố trí được 2.000 tỉ đồng, còn lại phải đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội phát hành trái phiếu.

"Trong tay chúng ta có tất cả 35.000 tỉ đồng, riêng một Bộ đã cần đến 20.000 tỉ đồng. Trong 5 năm 2016-2020, Bộ GTVT đề nghị vốn đối ứng là 71.000 tỉ đồng. Áp lực kinh khủng", Bộ trưởng Vinh bày tỏ.

Trăm kiểu xin vốn ngân sách

Trong cuộc trò chuyện với PV báo Đời sống và Pháp luật, TS. Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) đã không mấy bất ngờ trước hiện tượng nhiều dự án dùng vốn ngân sách xây xong không sử dụng, hoặc phải thay đổi hoàn toàn thiết kế dẫn đến lãng phí, tốn kém.

Theo TS. Sơn, hiện tượng trên cho thấy khâu phê duyệt, khâu chuẩn bị đầu tư còn nhiều hạn chế. "Không ít dự án đầu tư phải điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư phải điều chỉnh nhiều lần, tiến độ thực hiện dự án chậm làm phát sinh tăng tổng mức đầu tư", TS. Sơn nói.

Vị này so sánh: "Ở các nước tiên tiến, người ta có đối chứng, kiểm tra chéo. Bất cứ một dự án nào trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phải trả lời mục đích dự án đó xây dựng lên để làm gì, phục vụ ai? Kinh phí bao nhiêu có phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu địa phương, bộ ngành mình hay không? Trong khi đó, ở ta không cần biết dự án đó có hiệu quả hay không mà chỉ cần xin được vốn Nhà nước. Bởi vậy, chỉ khi công trình hoàn thành mới đánh giá thì đã quá muộn".

TS. Bùi Ngọc Sơn cho rằng, có một "căn bệnh" khó chữa đó là bộ ngành, địa phương nào cũng cố gắng xin bằng được ngân sách để đầu tư xây dựng cho địa phương mình những công trình hoành tráng, tốn kém mà không cần biết hiệu quả của công trình đó đến đâu.

"Trâu buộc ghét trâu ăn" dẫn tới hiện tượng "chạy dự án" ghi điểm cho địa phương mình. "Miếng bánh" ngân sách chỉ có vậy mà bộ ngành, địa phương nào cũng nhắm vào, việc vỡ nợ công là hoàn toàn có thể xảy ra.

Thậm chí, khi đã xin được ngân sách rồi lại tìm mọi cách xin thêm và có hiện tượng công trình nào cũng xin, cho được bao nhiêu thì cho. Từ thời bao cấp, người ta đã dùng thuật ngữ "ngân sách mềm" để chỉ việc kiểm soát đầu tư công lỏng lẻo, bộ ngành, địa phương nào cũng cứ làm, có thiếu lại xin thêm.

Với cách quản lý ảnh hưởng từ "ngân sách mềm" sẽ khó giải quyết được vấn đề đầu tư công một cách tràn lan như hiện nay thì nhiều người còn "choáng váng" trước những công trình xây xong để đấy.

Cũng nhìn nhận về câu chuyện đầu tư công, trao đổi với PV, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá, đầu tư công đối với cấp Trung ương đã có nhiều thay đổi đáng kể, nhưng đối với đầu tư công cấp địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Theo TS. Kiêm, chính việc thiếu kiểm soát đã gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công.

"Mấy năm gần đây cho thấy nhiều địa phương dùng tiền ngân sách đầu tư vượt quá khả năng cho phép, điều đáng nói, họ đầu tư, chi tiêu một cách tùy tiện, kém hiệu quả. Rõ ràng, khâu phê duyệt, đánh giá, bệnh thành tích địa phương dẫn đến việc đầu tư tràn lan như thời gian vừa qua. Còn tồn tại cơ chế "xin cho", các địa phương còn tìm cách để xin ngân sách từ trung ương cho địa phương mình", TS. Kiêm nói.

Nỗi trăn trở của vị "tư lệnh ngành"

Bày tỏ sự "choáng váng" về nhu cầu vốn khổng lồ mà các bộ ngành, địa phương đề xuất, vị tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư khẳng định: "Đó là chưa kể các bộ ngành khác, có những bộ có nhu cầu lớn như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế...".

Có những bộ trình duyệt dự án với nhu cầu vốn gấp 20-30 lần so với khả năng, các địa phương ít nhất cũng 10 lần, mà đó mới chỉ là số kế hoạch chứ chưa phải số thực hiện (con số thực hiện còn lớn hơn số kế hoạch nhiều lần). "Qua đó mới thấy được áp lực lên ngân sách là vô cùng lớn!", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh chia sẻ.

Cũng theo tài liệu báo cáo kiểm toán năm 2013 mà PV tiếp cận được, không ít địa phương thậm chí còn chi sai nội dung nguồn kinh phí. Điển hình như TP. Đà Nẵng, dùng nguồn cải cách tiền lương 400 tỉ đồng để bố trí vốn cho 9 dự án, bố trí vốn NSNN cho 4 dự án của các doanh nghiệp không thuộc nhiệm vụ chi của NSTP 13,546 tỉ đồng.

TP. Hà Nội chi thực hiện hạ ngầm cáp điện các tuyến phố 425,307 tỉ đồng (ngân sách thành phố 262,992 tỉ đồng, ngân sách quận Hoàn Kiếm 162,315 tỉ đồng) trong khi nhiệm vụ này thuộc các doanh nghiệp.

TP. Cần Thơ sử dụng 72,392 tỉ đồng nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư xây dựng các công trình phát thanh truyền hình, nhà khách Thành ủy Cần Thơ... và công trình khác. Tình trạng chưa ưu tiên thanh toán trả nợ khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành cũng đã được chỉ rõ. Như tỉnh Đắk Lắk chỉ bố trí trả nợ 424,7 tỉ đồng trên tổng số 2.640,6 tỉ đồng nợ xây dựng cơ bản.

Thái Bình 102,143 tỉ đồng/1.695,404 tỉ đồng; Ninh Bình 40,867 tỉ đồng/172,604 tỉ đồng. Hàng loạt địa phương khác cũng bị chỉ đích danh trong việc nợ dây dưa tiền xây dựng cơ bản như Ninh Thuận, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Lâm Đồng, Hòa Bình, Tiền Giang, Lạng Sơn, Quảng Bình và Tuyên Quang.

Tin nổi bật