Những người hoài nghi về nhiệm vụ Apollo 11 của NASA đã đặt câu hỏi ai là người chụp ảnh khoảnh khắc mang tính biểu tượng khi Neil Armstrong đặt chân lên Mặt trăng.
Bức ảnh huyền thoại ghi dấu lần đầu tiên con người đặt chân lên Mặt trăng. Ảnh: Getty |
Đã 50 năm trôi qua kể từ khi bức ảnh huyền thoại cho thấy phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong và phi công Buzz Aldrin hạ cánh trên Mặt trăng (năm 1969), nhưng một số người vẫn đang đặt câu hỏi liệu Apollo 11 có phải chỉ là cảnh được dàn dựng hay không?
Một cuộc thăm dò gần đây của YouGov đã cho thấy chỉ có 1 trong 6 người Anh được hỏi tin tưởng rằng cuộc đổ bộ Mặt trăng là thật.
Trong khi đó, nhiều người khác trên khắp thế giới tin rằng cuộc đổ bộ đã bị Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) làm giả để gia tăng sức mạnh của Mỹ trên phạm vi toàn cầu.
Hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của nhiệm vụ Apollo 11 là Aldrin mặc một bộ đồ trắng dày, và tấm che mặt của ông phản chiếu hình dáng nhỏ bé của Armstrong cùng với mô-đun Apollo Lunar. Tuy nhiên, các nhà lý luận âm mưu đã nghi ngờ về hình ảnh huyền thoại, đặt câu hỏi ai đã chụp bức ảnh vì không có máy ảnh trên trang bị của một phi hành gia. Một bức ảnh khác cho thấy Aldrin đối mặt với lá cờ Mỹ, nhưng lại tiếp tục gây ra tranh cãi vì dường như không có gió trên Mặt trăng.
Thậm chí, những người khác còn nói rằng việc thiếu các ngôi sao trên bầu trời trong các bức ảnh chụp lần hạ cánh đầu tiên vào năm 1969 chứng tỏ cuộc đổ bộ Mặt trăng được dàn dựng trong một studio, với một bộ sưu tập các nguồn sáng.
Bill Kaysing là người đầu tiên xuất bản một cuốn sách về các lý thuyết âm mưu có tên “Chúng tôi chưa bao giờ đi đến Mặt trăng” năm 1974. Sau đó, ông nói với tờ báo New Jersey năm 1977: “Không có ngôi sao nào trong các bức ảnh của họ. Nếu ảnh được chụp trên Mặt trăng, sẽ có một số ngôi sao như là bằng chứng đáng tin cậy”.
Nhiều lý thuyết khác lại cho rằng hình ảnh được chụp bằng máy ảnh bình thường được gắn trên bộ quần áo với thời gian phơi sáng lâu.
Trên thực tế, khoảnh khắc các phi hành gia thực sự bước bước đầu tiên lên Mặt trăng đã thực sự được ghi lại bằng một camera gắn trên tàu đổ bộ Eagle. Lá cờ không bị gợn trong gió mà chỉ đơn giản là bị vò nát trong kho và các ngôi sao không nhìn thấy được do ánh sáng rực rỡ phát ra từ bề mặt có màu trắng của Mặt trăng.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Express)