(ĐSPL) - Sau hơn 4 ngày vào nhập viện tại Bệnh viện Giao thông vận tải Huế, phụ sản Thảo mới sinh được con. Tuy nhiên, khi vừa chào đời, cháu bé đã ngạt thở, tím tái và được chuyển lên viện tuyến trên, nhưng bé đã tử vong sau đó hai hôm, dưới sự bất lực đau đớn tột cùng của đôi vợ chồng trẻ, người thân và người dân xóm chài nghèo Tân Lập.
Sản phụ và thai nhi bình thường trước khi nhập viện
Dưới cái nắng gắt mùa hè xứ Huế, trưa ngày 17/6/2014, PV báo ĐS&PL có cuộc trao đổi với anh Lê Văn Tùng (24 tuổi) trú tại thôn Tân Lập, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế), chồng của sản phụ Huỳnh Thị Diệu Thảo (23 tuổi), khi anh cùng với gia đình lo việc mở cửa mả (tròn ba ngày - PV) cho đứa con vắn số của mình. Nước mắt người cha ướt nhòe khuôn mặt bên nấm mồ nhỏ bé lạnh lẽo của cháu bé mới 3 ngày tuổi, chưa kịp đặt tên, trên đỉnh núi Ngự Bình. “Trước ngày vào nhập viện, vợ tôi và thai nhi vẫn khoẻ mạnh, bình thường các anh chị ơi. Nhưng không hiểu sao khi chuyển dạ, vợ tôi kêu la thảm thiết nên gia đình yêu cầu mổ gấp và xin chuyển viện. Nhưng lúc đó bác sĩ không đồng ý mà cứ nói người nhà đừng làm loạn, yên tâm đi chị Thảo sinh thường được, cứ chờ đợi. Thế mà, giờ…”, câu nói nghẹn lại không tròn lời trong cuống họng của người bố trẻ.
Sau khi sinh, cháu bé được cấp cứu tại Trung tâm nhi Bệnh viện Trung ương Huế (hình ảnh người nhà chụp vào ngày 13/6). |
Anh Tùng tâm sự, lấy nhau về gần hai năm, vợ chồng anh mới có con. Đứa bé lớn dần lên trong niềm hân hoan, vui sướng của hai bên gia đình. Qua các đợt khám thai định kỳ, các kết quả siêu âm và kết luận của bác sỹ đều cho biết, sản phụ bình thường và thai nhi phát triển rất tốt.
Khi chuẩn bị chuyển dạ, đi sinh, sản phụ Huỳnh Thị Diệu Thảo vẫn phát triển tốt theo kết quả của bác sĩ Hải theo dõi khám định kỳ. Tuy nhiên vào giữa tháng 5 vừa qua, chị Thảo kêu đau ở vùng bụng nên anh Tùng cùng với gia đình đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế dưỡng thai. Tại đây, bác sĩ cho biết, sản phụ bị thiếu máu và nước ối ít. Sau gần 10 ngày dưỡng thai tại bệnh viện này, chị Thảo được xuất viện với kết quả nước ối đầy đủ, thai nhi và người mẹ phát triển tốt, bình thường.
Cũng theo anh Tùng cho biết thêm, trước ngày chuẩn bị đưa vợ đi sinh anh đã chở chị đến bác sĩ Hải khám định kỳ lần cuối cùng vào ngày 31/5, kết luận của bác sĩ là thai nhi khoẻ và phát triển bình thường, không xuất hiện chứng bệnh gì cả người mẹ lẫn thai nhi.
Xin chuyển viện, ê kíp đỡ đẻ quyết không cho
Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Văn Tùng cho biết: “Vì Thảo đau nhói và có dấu hiệu chuyển dạ nên vào khoảng 11h ngày 6/6, tôi quyết định chở vợ vào nhập viện tại Bệnh viện Giao thông vận tải Huế (theo dạng đóng bảo hiểm tại đây- PV), có địa chỉ đường Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc (TP. Huế) để sinh con. Tuy nhiên, sau hơn 4 ngày nằm điều trị và dưỡng thai tại đây, mãi đến 17h ngày 11/6, vợ tôi mới chuyển dạ và có dấu hiệu vỡ nước ối”.
Về vấn đề này, bác Phan Thị Sưa (44 tuổi), bà nội cháu bé nói trong nước mắt cho biết: “Ngay trong chiều hôm đó, thằng Tùng gọi điện thoại về nhà báo mẹ ơi vợ con kêu la và kiệt sức rồi mẹ ơi? Tôi liền lập tức cùng với người nhà chạy lên bệnh viện. Đến khoảng 18h cùng ngày, tôi hỏi con dâu: “Con có mệt lắm không?”, thì Thảo bảo con ráng hết mức và kiệt sức rồi mẹ ơi…(!?)”. Thấy vậy, cả gia đình hai bên nội ngoại thống nhất yêu cầu sinh mổ, hay cho chúng tôi xin chuyển viện lên tuyến trên, nhưng bác sĩ đỡ sinh ca hôm đó tên Châu không đồng ý và bảo sinh thường. Chưa dừng lại đó, bác sĩ Châu còn quát nạt người nhà chúng tôi đừng có làm loạn? Tuy nhiên, sau khi nói xong, bác sĩ Châu đưa con dâu tôi vào phòng khám và không lâu sau đó, Thảo được đưa về phòng nằm nghỉ ngơi. Lúc đó, Thảo vừa về đến phòng, tôi liền chạy tới hỏi cô Châu, tình hình con dâu tôi có khoẻ không và sinh thường được không thì cô này bảo người nhà yên tâm đi. Thảo rất khoẻ và cháu bé sinh được. Nhưng chỉ sau đó ít phút, con dâu tôi lại tiếp tục kêu đau, la hét thảm thiết, nhưng các cô y tá trong ca trực ấy vẫn im lặng và đu đưa, cười nói thoải mái tại phòng trực.
Quá nóng ruột, tôi vội chạy qua và nói con tôi chịu không nổi rồi các cô ơi, ngay lúc đó, cô Châu mới chịu đưa Thảo về lại phòng khám. Lúc này, Thảo đã mở được 2 phân và vỡ nước ối. Lạ thay, tôi chưa từng thấy có bệnh viện nào mà bác sĩ (cô Châu) bảo bệnh nhân đi mua bỉm mặc vào, kẻo nước ối chảy xuống nền nhà bẩn thỉu, gây ảnh hưởng xung quanh. Quá bực mình, tôi liền nói có gì tôi lau chùi sau khi con dâu tôi sinh xong. Tuy nhiên, cô Châu đáp trả và nói ở đây không có chuyện đó.
Cũng theo người nhà sản phụ Thảo, mãi đến 20h cùng ngày, chị Thảo mới được đưa vào phòng sinh và lúc này mở được 4 phân. Đồng thời, cô Châu bảo Thảo phải mở 10 phân mới sinh được. Nghe vậy, cả nhà đều ngồi chờ đợi và chấp tay cầu nguyện Đức Phật phù hộ cho Thảo mẹ tròn con vuông. Đến khoảng 22h, một cô ý tá tới bảo người nhà đưa áo quần bé vào để chuẩn bị bế cháu. Tuy nhiên, đợi mãi vẫn chưa thấy đưa cháu ra, người nhà sản phụ hỏi mấy cô y tá thì họ không trả lời và cứ thế bỏ chạy. Đến 23h30, báo tin chị Thảo đã sinh một bé gái. Tuy nhiên, khi đưa ra khỏi phòng sinh, em bé được đưa lên xe cấp cứu đi ngay. Thấy vậy, người nhà hỏi thì các cô trả lời chỉ ngạt thôi phải chuyển viện.
Nhận thấy dấu hiệu bất thường, người nhà đã đạp cửa xông vào hỏi chị Thảo có khoẻ không thì chị trả lời con vẫn khoẻ. Đồng thời, anh Tùng nhảy lên xe cấp cứu đi theo vào Bệnh viện Trung ương Huế để theo dõi con thì phát hiện bác sĩ Hồng liên tục lấy tay đè lên ngực em bé. Anh Tùng cho biết, ngay sau khi được đưa vào Bệnh viện TW Huế, cháu bé bị ngạt nặng, ngừng tuần hoàn hô hấp. Quá trình bệnh lý ghi: bé sinh thường ở Bệnh viện Giao thông vận tải Huế, sau sinh không khóc, phản xạ kém. Khám toàn thân thì trẻ đã bị ngưng tim, ngưng thở, tím tái và cháu bé cân nặng hơn 3kg.
Với bệnh tình của cháu bé như vậy nhưng đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế vẫn tận tình hết sức cứu chữa cho cháu bé. Sau hồi sức tích cực, cháu bé nhìn hồng hơn, tim đều rõ 140lần/phút, thở máy phổi thông khí 2 bên đều rõ. Nhưng qua gần 3 ngày điều trị theo dõi, bất ngờ vào sáng sớm ngày 14/6, người nhà phát hiện và nghe tin cháu bé đã tử vong. Đúng lúc đó, vào khoảng 6h sáng, anh Tùng nhận được điện thoại từ Bệnh viện Giao thông vận tải Huế gọi báo tin cháu bé do bệnh tình quá nặng nên đã tử vong và hỏi người nhà cần xe đưa cháu bé về không. Quá đau đớn và bức xúc, gia đình đã đề nghị lãnh đạo làm rõ trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ, đặc biệt ca trực hôm đó và gia đình tiến hành làm thủ tục nhận cháu đúng vào lúc 1h30 cùng ngày để đưa về mai táng.
Anh Tùng và bà Sưa khóc tức tưởi bên ngôi mộ của cháu. |
Để làm rõ vụ việc, ngày 16/6, PV có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính Bệnh viện Giao Thông Vận Tải Huế thừa uỷ quyền của Ban giám đốc Bệnh viện cho biết: “Trước vụ việc trên, hiện chúng tôi đang nghiêm túc kết hợp với Bệnh viện Trung ương Huế để tìm rõ nguyên nhân dẫn đến tử vong của cháu bé, cũng như rà soát lại quy trình khám chữa để rút kinh nghiệm trong trường hợp đáng tiếc xảy ra vừa qua. Đồng thời, cũng vào sáng nay, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có đến làm việc với lãnh đạo bệnh viện, tuy nhiên kết quả như thế nào thì chưa rõ. Hiện, vụ việc vẫn đang trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân, khi nào có kết quả chính thức, chúng tôi sẽ trả lời cho người nhà bệnh nhân cũng như các cơ quan báo chí”, ông Tuấn khẳng định.
Hiện, người nhà của cháu bé đã làm đơn gửi lên Công an TP Huế và các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Bệnh viện Giao thông vận tải Huế, khi các y bác sĩ làm việc tắc trách, khiến cháu của họ bị tử vong sau khi sinh.