Trong khi đó, nhiều hộ nghèo thực sự thì lại bị đưa vào diện thoát nghèo vì... không có tiền “chạy”. Thực trạng này không phải đến bây giờ mới có, tuy nhiên khi nhìn lại một số vụ việc đau lòng diễn ra gần đây, nhiều người không khỏi xót xa.
Những chuyện đau lòng
Vụ việc cháu bé Phạm Thị Nh. (SN 2006) trú tại xóm 6, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh không may bị sẩy chân rơi xuống mương nước tại khu vực chân cầu Động gần nhà và tử vong sau đó đã dấy lên những nghi ngại về “cái đói”. Theo đó, sáng 25/9, cháu Nh. phải nhịn đói đến trường, khi sắp hết giờ học, cháu đói quá đã xin cô giáo một hộp sữa uống. Cô giáo đã nhờ người cho gọi bố mẹ đến trường đón con.
Tuy nhiên, trên đường về, đến khu vực chân cầu Động, cháu đã bị ngã xuống sông... Được biết cháu Nh. bị bệnh tim bẩm sinh mới đi mổ về. Gia đình Nh. có 4 chị em. Cả nhà có 6 miệng ăn nhưng chỉ trông vào vài sào ruộng khoán. Chỗ ở là một ngôi nhà tạm, trong nhà không có lấy một vật dụng đáng giá vài trăm nghìn đồng. Trước đó, bố mẹ cháu Nh. đã phải chạy vạy tiền cho Nh. đi mổ tim. Xót xa hơn, khi Nh. bị chết đuối, cha mẹ không có tiền mua cho cháu một cái áo mới để khâm liệm, đã vậy, trong nhà cũng hết gạo, không có lấy một bát gạo, nấu cơm thắp hương cho Nh.. Có thể nói đây là trường hợp nghèo đến tận cùng của nghèo nhưng trớ trêu thay, gia đình cháu Nh. lại vừa “được” chính quyền xã rút khỏi danh sách các hộ nghèo, đưa lên thành hộ cận nghèo(!).
Trả lời báo chí về vụ việc, Chủ tịch UBND xã Đức Bồng cho biết, gia đình cháu Nh. thuộc diện cận nghèo, nghĩa là điều kiện kinh tế khá hơn khoảng 150 hộ nghèo, nhưng lại thuộc diện nghèo nhất của trong hơn 300 hộ thuộc cận nghèo của xã. Năm 2013, gia đình cháu Nh. thuộc hộ nghèo nhưng đến năm 2014 đã thoát khỏi diện này lên cận nghèo. Việc thoát nghèo lên cận nghèo một cách nhanh chóng và dễ dàng như vậy khiến người dân đặt ra câu hỏi có hay không việc “xoay vòng” hộ nghèo?
Ở thời mà việc chết đói tưởng như là không thể thì chuyện bé Nh. thực sự “đắng” với nhiều người. Tuy nhiên, cái nghèo gây thảm cảnh không chỉ dừng lại ở đó. Cách đây hơn 1 năm, chị Nguyễn Thị Mỹ Nh. (38 tuổi), trú tại xã An Xuyên, TP. Cà Mau đã quyết định chọn cái chết để hy vọng kiếm được ít tiền phúng điếu và gia đình được cấp sổ hộ nghèo. Đau đớn đến mức trong lá thư để lại, chị còn nhắn chồng đi xin hòm về liệm, dành tiền đóng học cho con. Những chuyện đau lòng trên một lần nữa đặt ra câu hỏi về tiêu chí hộ nghèo tại các địa phương.
Hệ quả của căn bệnh chạy đua thành tích?
Trong buổi chất vấn Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Hải Chuyền cũng đã nhận được những bức xúc của người dân xung quanh tình trạng xét hộ nghèo theo cách xoay vòng (hộ này được năm nay thì năm sau nhường hộ khác, không kể gia đình có điều kiện thế nào). Bà Chuyền cũng thừa nhận, tình trạng “áp” chỉ tiêu hộ nghèo dẫn đến xóm hơn 100 hộ, gần 40\% thuộc diện nghèo nhưng xã chỉ cho chỉ tiêu 11-13\%, bởi nếu có quá nhiều hộ nghèo lại ảnh hưởng đến thành tích địa phương. Đau lòng hơn là tình trạng “chạy đua” bình xét hộ nghèo, không ít hộ dân có tư tưởng không muốn thoát nghèo, quyết tâm “bám trụ” ở diện hộ nghèo để tiếp tục nhận ưu đãi của Nhà nước.
Khi được hỏi ý kiến về tình trạng “chạy” hộ nghèo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá lại cho rằng, tình trạng trên có nhưng không phổ biến. Nguyên nhân do cách làm ở các địa phương quá cứng nhắc, chưa xem xét được hoàn cảnh cụ thể của từng hộ xét trên mức bình quân của địa phương. Việc “xoay vòng” hộ nghèo là biểu hiện rõ rệt nhất của tình trạng này. “Tuy nhiên, nếu nói đua nhau “chạy” hộ nghèo thì không chính xác, thực tế, nhiều người dân có lòng tự trọng rất cao, họ cảm thấy mặc cảm khi bị xét vào diện hộ nghèo và từ chối nhận sổ hộ nghèo. Mong muốn thoát nghèo và nỗ lực thoát nghèo của các cá nhân mới là yếu tố quan trọng nhất, quyết định thành công trong công tác xóa đói giảm nghèo”, bà Khá cho biết. Cũng theo vị đại biểu Quốc hội này, nếu để xảy ra những trường hợp làm trái, làm sai quy định, dẫn đến những trường hợp thương tâm như kể trên thì phải quy trách nhiệm rõ ràng cho những cá nhân, cấp tổ chức có liên quan. “Không thể tiếp tục tình trạng dưới báo lên thế nào, trên phê duyệt thế ấy. Việc có những đoàn thanh, kiểm tra trong lúc này là rất cần thiết”, bà Khá bày tỏ sự bức xúc của mình.
Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề Xã hội của Quốc hội lại cho rằng, điều cần thiết trong thời điểm hiện nay để xóa bỏ những bất cập trong việc xét hộ nghèo là phải đưa ra một tiêu chí chuẩn nghèo rõ ràng. ông Lợi cho biết: “Việc hộ này năm trước còn thuộc hộ nghèo, năm sau đã thoát nghèo là thực sự khó. Không thể giữ một tiêu chí về hộ nghèo trong 5 năm khi mà vật giá thì liên tục leo thang mà cần phải có sự điều chỉnh liên tục...”. ông Lợi cũng bày tỏ sự bức xúc về tình trạng “tiền của Nhà nước” là của chung, bị cào bằng, người này có thì người kia cũng phải có trong tư tưởng của nhiều người. Việc “kém miếng” dẫn đến “đua” hộ nghèo để hưởng chính sách chưa được “thông” thì chưa thể giải quyết triệt để tình trạng này.
Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề Xã hội của Quốc hội. |
Nỗ lực thay đổi Trước tình trạng bất cập về “chạy” hộ nghèo, bộ LĐ, TB&XH đã có những đề xuất để ngăn chặn tình trạng trên. Trong thời gian tới, bắt đầu từ 2016, tiêu chí về hộ nghèo tính trên phần thu nhập cũng sẽ không còn phù hợp. Những tiêu chí về chuẩn nghèo tại các địa phương cũng được xem xét lại để áp dụng trong giai đoạn 2016- 2020. “Từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc tổ chức thực thi chính sách đều phải làm chặt chẽ. Thông qua đó để hạn chế tiêu cực, lợi dụng chính sách, đồng thời phát hiện những hạn chế, bất hợp lý để kiến nghị, bổ sung kịp thời. Nếu không kiểm tra thường xuyên, thậm chí trưởng thôn có thể đưa người họ hàng vào”, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng bộ Lao động Thương binh & Xã hội phát biểu trong buổi họp báo về Giảm nghèo bền vững tới năm 2020 của bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 15/10. “Người nghèo thì ai nhìn qua cũng thấy thôi, đâu có khó” Ông Đặng Như Lợi bày tỏ quan điểm về việc xét hộ nghèo không khó, chỉ khó ở cách làm “cho có” ở các địa phương. Để tình trạng chính sách không đến được với người có nhu cầu là lỗi thuộc cấp quản lý địa phương. Nếu không quy trách nhiệm rõ ràng thì khó xóa bỏ được bất cập. |