Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghệ nhân nấu món phở cho BLACKPINK tái hiện mâm cỗ Tết xưa của người Hà Nội

  • Như Quỳnh
(DS&PL) -

Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết tái hiện mâm cỗ cổ truyền của người Hà Nội và có những chia sẻ đầy ý nghĩa về mâm cỗ cổ truyền ngày Tết của Việt Nam.

Nghệ nhân Ánh Tuyết (tên đầy đủ là Phạm Thị Tuyết) - một trong những nghệ nhân ẩm thực Hà thành nổi tiếng cũng là người đã đưa ra công thức nấu món phở khiến BLACKPINK trong chuyến lưu diễn tại Việt Nam có dịp thưởng thức phải miêu tả bằng động tác "húp đến giọt nước cuối cùng".

Chia sẻ trên báo Phụ nữ Việt Nam, nghệ nhân Ánh Tuyết cho biết: "Vì tôi là người gốc Hà Nội, người con gái Hà Nội ngày xưa lại phải cực kì chú trọng đến nữ công gia chánh. Hơn hết, tiêu chuẩn về nữ công gia chánh ngày xưa đối với các cô con gái vô cùng khắt khe. Đó còn là thước đo để người khác đánh giá về cách giáo dục của gia đình. Chính vì điều này, tôi đã quán xuyến bếp núc một cách thành thạo từ năm lên 9 tuổi. Đó có thể gọi là cái cốt lõi, nền tảng về kiến thức ẩm thực của tôi sau này".

Với tình yêu và lòng nhiệt huyết mãi dành cho ẩm thực truyền thống Việt Nam, nghệ nhân Ánh Tuyết cũng có chia sẻ vô cùng tâm huyết đối với mâm cơm ngày Tết - những mâm cơm đặc biệt được người Việt coi trọng nhất trong năm. Bởi đây không chỉ là dịp đoàn viên mà còn là thời điểm người Việt thông qua những món ăn ngon, mâm cỗ đầy bày tỏ lòng biết ơn với ông bà tổ tiên cũng như cầu chúc cho năm mới bình an, hạnh phúc.

 Nghệ nhân Ánh Tuyết cũng có chia sẻ vô cùng tâm huyết đối với mâm cơm ngày Tết - những mâm cơm đặc biệt được người Việt coi trọng nhất trong năm. Ảnh: VnExpress.

Mâm cỗ Tết của người Hà Nội xưa được thực hiện theo quan niệm "mâm cao cỗ đầy", có đầy đủ thịt, cá, rau, canh, có kho, có luộc và có xào, được bày biện lên mâm theo quy tắc đối xứng.

Tùy theo số lượng người trong gia đình mà mâm cỗ Tết có thể gồm 6 bát 8 đĩa, 10 hay 12 đĩa. Trong ảnh là mâm cỗ Tết truyền thống được nghệ nhân Ánh Tuyết tái hiện với 6 đĩa 4 bát cho gia đình ba thế hệ.

Nghệ nhân Ánh Tuyết nói mâm cỗ không đơn thuần là món ăn mà còn chứa đựng tình cảm gia đình, niềm vui đoàn viên. Hiện nhịp sống hiện đại khiến con người tất bật, đôi khi bỏ qua yếu tố "đoàn viên". Cũng vì thế, mâm cỗ được tinh giản hơn.

"Các bạn nữ ngày nay cũng mang nhiều gánh nặng công việc hơn. Thế hệ chúng tôi chủ yếu chỉ lo nuôi dạy con cái, cơm dẻo canh ngọt", bà chia sẻ. Vì thế, các món đòi hỏi sự cầu kỳ như hạnh nhân, măng tô, mực rối, canh thượng thang hiện hầu như không còn xuất hiện.

Trong một mâm cỗ cổ, quy tắc đối xứng thể hiện ở vị trí các món trong mâm, ví dụ bên này có giò, bên kia phải là chả hoặc nem; bên nay là canh măng, bên kia là canh chim hầm.

Trong một mâm cỗ cổ, quy tắc đối xứng thể hiện ở vị trí các món trong mâm. Ảnh: VnExpress.

"Nhiều người có thể nói tôi bày vẽ nhưng đây là cách các cụ ngày xưa dạy con cái. Một số người trẻ sẽ nhìn thấy giá trị truyền thống qua mâm cỗ này", bà nói.

Theo bà Tuyết, hiện tại, một số nguyên liệu như măng tu, bóng cá thủ, bóng cá dưa hầu như không thể tìm được. Khi tìm những nguyên liệu này ở Hà Nội, nghệ nhân được người bán hàng cho biết "chẳng khách nào tìm trừ bà". Tuy nhiên, nếu thực sự cần mua, bà chia sẻ vẫn có thể tìm thấy những nguyên liệu này ở Hong Kong, theo VnExpress.

Đối với nghệ nhân Ánh Tuyết, bữa cơm ngày mùng 1 Tết - bữa ăn đầu tiên trong năm đóng vai trò rất đặc biệt. Không đơn giản chỉ là ăn no, ăn ngon mà còn mang ý nghĩa về phong thủy rất lớn:

"Tết xưa, bao giờ các cụ cũng quan niệm bữa đầu năm mới phải dư dả.

Mẹ tôi ngày xưa từng nói: "Này con ơi, con làm cho dư dả ra một chút để cả năm đó no đủ, không bị thiếu thốn. Nếu sáng mùng 1 mình làm cơm, ai ăn cũng đói thì người ăn sẽ cảm thấy: "Thôi chết rồi, năm nay chắc đói kém, không được buôn may bán đắt". 

Các cụ quan niệm như vậy nên đến giờ tôi vẫn làm thế. Ví dụ, tôi chỉ ăn hết 8 thôi nhưng tôi làm 10, làm có có cho phong thủy dư dả một chút."

Không chỉ cần làm đầy đặn với ý nghĩa phong thủy mà theo nghệ nhân Ánh Tuyết, bữa cơm đầu tiên của năm mới cũng là dịp hiếm có để mọi thành viên trong gia đình có thể đoàn tụ. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam.

Không chỉ cần làm đầy đặn với ý nghĩa phong thủy mà theo nghệ nhân Ánh Tuyết, bữa cơm đầu tiên của năm mới cũng là dịp hiếm có để mọi thành viên trong gia đình có thể đoàn tụ:

"Mâm cơm ngày mùng 1 của người Việt Nam có một ý nghĩa đó là Tết đoàn viên, sự đoàn tụ. Đi làm 365 ngày, người ở gia đình luôn ngóng người vắng mặt ở xa chưa về. Bữa ăn chiều 30 vẫn có thể có thành viên chưa về kịp, có người về cách giao thừa chỉ vài chục phút. Cho nên, sáng mùng 1 mới là bữa cơm có đầy đủ các thành viên trong gia đình nhất nên nó cũng quan trọng nhất."

Đây cũng là "chất keo" kết nối các thành viên trong gia đình giữa cuộc sống bộn bề hiện đại.

Như Quỳnh (T/h)

Tin nổi bật