Trên dải đất hình chữ S dấu yêu, nơi đâu cũng được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều tài nguyên quý giá. Và ở xứ Đoài cũng vậy, ta sẽ được thấy thứ tài nguyên đặc biệt mà những kiến tạo địa chất từ hàng triệu năm trước đã ban tặng cho mảnh đất này - đó chính là đá ong.
Đằng sau vẻ ngoài xù xì, lỗ chỗ như tổ ong, đá ong xứ Đoài mang trong mình một vẻ đẹp bí ẩn. Người dân nơi đây ví đá ong như những viên ngọc quý, càng giũa qua nắng mưa, thời gian càng có vẻ đẹp hoàn hảo hơn. Khi được chế tác qua đôi tay tài hoa của người thợ, những khối đá ong tưởng chừng như vô tri, vô giác ấy như được thổi hồn và mang trong mình một sức sống diệu kỳ.
Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, là nơi ta có thể chứng kiến được sức sống diệu kỳ từ đá ong. Những bức tường đá ong nhuộm sắc vàng óng cho con đường vào làng tạo một không gian cổ kính, trầm mặc nhưng quyến rũ đến lạ thường. Đi trên con làng phóng tầm mắt ngắm nhìn những bức tường đá ong, cho ta cảm nhận về sự cổ kính của một ngôi làng hàng trăm năm tuổi, mang đậm nét thuần nông của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đá ong hiện hữu ở mọi chỗ, từ nhà ở, giếng, hàng rào, cổng ngõ đến nơi thờ tự linh thiêng, gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân từ đời này sang đời khác.
Xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của loại đá này. Qua bàn tay tài hoa của những người thợ, những khối đá ong thô sơ đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật với đường nét mềm mại, sống động. Người ta nói rằng, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật từ đá ong, chính là đang thi gan với đá.
Câu nói này quả thật không sai, người chế tác lấy sức mềm yếu của con người để đối chọi với sự cứng rắn của đá ngàn năm. Yêu cầu khắt khe đối với người làm nghề, phải luôn giữ cho mình sự bình tĩnh, cẩn trọng, chỉ một chi tiết bị méo mó có thể đánh mất đi vẻ đẹp của tượng đá ong. Đá ong vừa mềm lại vừa giòn, để tạo được một sản phẩm, người thợ phải mất hàng tháng trời, khó nhất là việc tạo các đường cong, họa tiết sao cho mềm mại từ những khối đá cứng.
Theo chân anh Vương Văn Hùng, ta sẽ được nghe câu chuyện đời chuyện nghề của một nghệ nhân bàn tay vàng đã gắn bó và sống với nghề đá ong già nửa cuộc đời..
Anh lớn lên trên quê hương Yên Mỹ - xã Bình Yên – nơi có địa thế đất đôi gò. Trước kia do kinh tế khó khăn nên người dân quê anh chỉ biết đi đào đá bán cho các vùng lân cận để xây dựng nhà, cổng hoặc tường rào. Thanh thiếu nên trong làng chỉ 15 tuổi đã ra đồi đào đá ong kiếm tiền phụ giúp gia đình. Anh cũng không ngoại lệ. Ngoài đi học thì được nghỉ là anh ra đồi đào đá. Khoảng thời gian 10 năm trở lại đây nhờ các thông tin trên đài, báo và các chương trình truyền hình nên nhiều người trên khắp đất nước biết tới đá ong xứ Đoài.
Cũng là lúc nghề đá ong được mở rộng theo nhu cầu cao và đòi hỏi kỹ thuật nhiều hơn. Như đúc các con giống hoàn toàn thủ công, xây giấu mạch để không lộ vết xi măng ra ngoài, đẽo gọt bằng tay với những chiếc dao được thửa riêng để đẽo đá.
Anh đã xây dựng được rất nhiều công trình từ các tỉnh lân cận trên khắp miền Bắc và một số tỉnh miền Trung như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình…
Để có được những khối đá vuông thành sắc cạnh, người thợ buộc phải dùng cơ bắp kết hợp với một chiếc “thó” dài chừng hai mét để xén đá. Theo anh Hùng , với những người biết làm nghề, phải trải qua 470 lần xén, mới có thể hoàn thành một viên đá ong thô như thế này. Một công việc đòi hỏi nhiều sức lực, sự kiên trì và cũng thật nhiều những khó khăn, thử thách.
Công việc chế tác đá ong đòi hỏi trí và lực, bởi sự nhọc nhằn của nó nên không phải ai cũng có thể theo được nghề. Nhiều gia đình làm nghề đá không cho con cái theo nghề này nữa, vì họ quan niệm nghề đá cũng giống như cục đá, bị người ta đục, đẽo mòn đi, chẳng khá lên được. Nhưng có lẽ vì cuộc sống mưu sinh và trên hết là tình yêu với những giá trị mà tạo hóa đã ban tặng cho quê hương Bình Yên, Thạch Thất mà những thanh niên trong làng, trong xã như anh Hùng vẫn quyết tâm giữ lấy nghề của cha ông để lại, với ước mong sẽ tạo ra nhiều tác phẩm, nhiều công trình kiến trúc mang đầy tính nghệ thuật từ đá ong.
Anh Hùng chia sẻ: “Tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Yên, Thạch Thất có nghề đá ong, một nghề mà từ xa xưa các cụ để lại. Tôi muốn làm công việc này để tăng thu nhập cho mình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác trong làng và cũng là gìn giữ cái nghề truyền thống mà cha ông để lại. vì đá ong là chất liệu rất cứng, rắn nên trong chế tác phải kiên trì, tỉ mỉ, cần phải có độ sắc nét cao thì viên đá mới đẹp, mới có hồn được”. Với anh, đôi bàn tay và thân thể của người thợ làm nghề chế tác đá ong luôn bám đầy bụi đá nhưng tận sâu trong trái tim họ luôn khát khao thổi hồn cho đá mong muốn mang lại cho chúng một sức sống mới.
Sự vất vả, nhọc nhằn, tâm huyết trăn trở và những cố gắng của anh với nghề đào đá ong đã được nghi nhận khi anh được Bộ Văn hóa trao tặng Giấy chứng nhận nghệ nhân bàn tay vàng năm 2017 và bằng khen của xã Bình Yên về việc anh có công xây dựng bảo vệ đình chùa văn hóa cổ. Sản phẩm của anh đứng vào Top Sao vàng Đất Việt năm 2015, Sản phẩm xây dựng vì môi trường năm 2017.
Giờ đây, cùng với những người thợ yêu đá ong như anh Hùng thì đá ong Bình Yên – Thạch Thất theo chân họ tới khắp các vùng đất trên cả nước tiếp tục mang sứ mệnh mới để làm đẹp thêm cho quê hương đất nước.
Quý khách có nhu cầu về sản phẩm, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ sau để có được sự phục vụ tốt nhất ! Nghệ nhân Vương Văn Hùng – chủ cơ sở Cơ sở đá ong Hùng Châu Website: daonghungchau.com |
QC