Các thủ tục hành chính được số hoá, thời gian khám bệnh của người dân được rút ngắn; không còn tình trạng bệnh nhân xếp hàng quá tải, ùn ứ. Hệ thống PACS (lưu trữ và truyền hình ảnh y tế) trong X-Quang thay cho phim chụp; thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; đặt lịch khám online, đăng ký khám bệnh bằng căn cước công dân, nhằm phân luồng, giúp người bệnh không phải chờ đợi, tạo sự thân thiện giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Chuyển đổi số giúp bệnh viện kiểm soát tốt các quy trình khám, chữa bệnh, buộc nhân viên phải thực hiện đúng nguyên tắc, mang lại hiệu quả cao trong khám, chữa bệnh cho nhân dân đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong thời kỳ chuyển đổi số Quốc gia.
Người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp đăng ký khám bệnh tại BVĐK Quốc Oai
Bệnh viện đã đề ra các mục tiêu như: Đẩy mạnh tin học hóa lĩnh vực quản lý, ứng dụng hiệu quả CNTT; bảo vệ thông tin cá nhân; triển khai thanh toán số và tạo môi trường y tế văn minh, đáp ứng yêu cầu, xu hướng hiện nay... Các khoa, phòng đã được hướng dẫn sử dụng tài khoản telehealth, đăng ký tài khoản tiền giám định BHYT; duy trì hoạt động phần mềm quản lý bệnh viện, hệ thống quản lý thông tin xét nghiệm và hệ thống chẩn đoán, lưu trữ hình ảnh. Đối với việc triển khai bệnh án điện tử, Bệnh viện dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Người dân đăng ký khám online ở nhà và tới bệnh viện trước giờ khám 15 phút để xác thực
Hiện nay, Bệnh viện chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý KCB đồng bộ từ khâu tiếp đón đến kết thúc khám và điều trị, toàn bộ hồ sơ giấy tờ được quản lý và in trực tiếp từ phần mềm; ứng dụng zalo để chuyển tải thông tin nội bộ và các quy định, quyết định, thông tư tới toàn thể viên chức và người lao động trong Bệnh viện. Chuyển đổi số đã giúp Ban lãnh đạo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ công việc sát sao hơn và ra quyết định chính xác, kịp thời, hiệu quả dựa trên nền tảng công nghệ số. Tác động trực tiếp đến việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số, góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi. Tác động mạnh mẽ trực tiếp tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động Bệnh viện, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, hình thành “người thầy thuốc số”.
Mặc dù tiến trình thực hiện chuyển đổi số tại Bệnh viện còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là các hạn chế về trang thiết bị, phần mềm, nhưng thông qua quá trình học hỏi và bài học kinh nghiệm từ các đơn vị khác, Bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai tự tin có thể vươn lên Bệnh viện thông minh về dịch vụ và công tác chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số tại khu vực.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không một ngành nào có thể đứng ngoài cuộc. Trên hành trình chuyển mình ấy, nhiều chướng ngại vật đang ghì chân ngành y tế nhưng yêu cầu bắt nhịp chuyển đổi số được coi là nhiệm vụ cấp thiết để thay đổi chính chất lượng dịch vụ y tế. Hiện xu hướng phát triển y tế cùng với các công nghệ cao như dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) nhận được sự quan tâm lớn tại Việt Nam. Ngay từ khi bắt đầu, chuyển đổi số y tế đòi hỏi phải là một quá trình mang tính toàn diện và liên tục đòi hỏi sự phối kết hợp chặt chẽ từ nhiều chủ thể như cơ quan quản lý Nhà nước, bệnh viện, phòng khám, các doanh nghiệp công nghệ và cả người dân. Dù vẫn còn nhiều thách thức trên chặng đường dài nhưng nếu can đảm đối diện và sáng suốt tìm ra giải pháp thì những lợi ích tuyệt vời của chuyển đổi số chính là quả ngọt mà ngành y tế nhận lại.
Hoài Thu