Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghề luật sư trong thời đại của chuyển đổi số

(DS&PL) -

Nghề luật sư ở Việt Nam đang phát triển mỗi ngày và các luật sư đang đóng những vai trò quan trọng trong hành trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.

Đến nay, cả nước đã có hơn 17 ngàn luật sư và mỗi năm số lượng luật sư lại tăng lên không ngừng để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Những năm qua, các tổ chức luật sư đã dần hoàn thiện mình với dòng chảy của thời đại với đòi hỏi có sự tương thích, đáp ứng được yêu cầu của thời đại ứng dụng công nghệ hiện đại.

Ngày 10.10 là Ngày truyền thống của luật sư Việt Nam, ngày này cũng được chọn là Ngày Chuyển đổi số quốc gia, vậy nghề luật sư trong thời đại của chuyển đổi số đang có những chuyển biến như thế nào, làm sao để nghề luật sư phát triển trong xu thế mới, những giải pháp nào thực chất để nghề luật sư có được những bước đột phá mới trong thời đại của chuyển đổi số. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với Luật sư Lê Cao - Luật sư Điều hành của Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng về những vấn đề có tính thời sự này trong dịp chào mừng Ngày truyền thống của luật sư Việt Nam, đồng thời cũng là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

- Chào luật sư Lê Cao, theo ông quá trình chuyển đổi số có ảnh hưởng đến nghề luật sư không?

Chúng ta đang mỗi ngày phải trải nghiệm nghề nghiệp của mỗi người trong quá trình chuyển đổi số liên tục và tất yếu của thời đại đang diễn ra. Thực ra, chuyển đổi số (Digital transformation) là cách mà chúng ta phải thay đổi cách làm việc, cách cung cấp dịch vụ, cách sản xuất hàng hóa và cả cách sống nữa trên nền tảng của công nghệ số. Việc này xảy ra và vận động hàng ngày. Vì sao phải chuyển đổi, vì chuyển đổi mang lại giá trị cao hơn, mang lại giá trị mới hơn, chính vì thế, có hai quan điểm về chuyển đổi số phổ biến được nêu ra, theo đó: Tech Republic cho rằng chuyển đổi số là cách sử dụng công nghệ để thực hiện lại quy trình sao cho hiệu quả hơn hoặc hiệu quả hơn. Còn Microsoft lại cho rằng chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới.

Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mỗi ngày, một cách khách quan và nghề nghiệp nào cũng buộc phải vận hành theo quá trình đó một cách tự nhiên và thích nghi với chuyển đổi số một cách phù hợp để có thể phát triển và tạo ra những giá trị mới. Chuyển đổi số đang không ngừng nghỉ diễn ra ở khối các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước với nhiều hình thức và mức độ ứng dụng vận hành khác nhau mỗi ngày. Nghề luật sư không nằm ngoài sự vận hành đó của chuyển đổi số.

Chuyển đổi số ảnh hưởng đến nghề luật sư từ phương diện tiếp cận khách hàng, phương diện cung cấp sản phẩm dịch vụ, phương diện kỹ năng hành nghề, phương diện tiếp cận quy trình tố tụng… Từng sự ảnh hưởng khác nhau trong quá trình chuyển đổi số cũng có thể định nghĩa uy tín thương hiệu cá nhân của các tổ chức hành nghề và mỗi luật sư hành nghề.

Luật sư Lê Cao - Luật sư Điều hành của Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng

- Cụ thể hơn, theo luật sư chuyển đổi số đang tiếp cận đến nghề nghiệp của luật sư như thế nào mỗi ngày?

Chúng ta hay đao to búa lớn về những khái niệm cao siêu, nhưng thực tế chuyển đổi số đang bao quanh chúng ta mỗi ngày, chúng ta phải thích ứng với từng vấn đề cụ thể. Chẳng hạn, với chuyện tiếp cận khách hàng, luật sư muốn tìm tới khách hàng có người họ đi dán tờ rơi cột điện, nhưng có người sẽ sử dụng công nghệ, xây dựng thương hiệu của các hãng luật trên nền tảng số, cung cấp thông tin dịch vụ trên nền tảng internet, đưa nhận diện thương hiệu nghề nghiệp đến khách hàng qua website, qua hệ thống mạng xã hội, qua các kênh truyền tải thông tin được hệ thống công nghệ số hỗ trợ. Với vấn đề hành nghề, các luật sư có thể xây dựng hệ thống dữ liệu về văn bản quy phạm, các quyết định, bản án tham khảo, các quy trình mẫu hợp đồng, mẫu hệ thống sản phẩm dịch vụ pháp lý để có thể sử dụng hiệu quả, nhanh chóng, chính xác khi hành nghề. Một vài vấn đề như thế cho thấy mỗi ngày chuyển đổi số đang thấm đẫm vào nghề nghiệp của mỗi chúng ta chứ không chỉ luật sư, cơ bản là mỗi một người phải chuyển đổi cùng công nghệ số như thế nào để tận dụng được tốt nhất sự hỗ trợ của công nghệ, đồng thời không bị mặt trái của công nghệ làm hại tới sự phát triển nghề nghiệp.

- Như vậy nghề luật sư có đặc thù khác với các nghề khác, chuyển chuyển đổi số cũng phải được thực hành một cách riêng?

Chúng ta cần vận hành quá trình chuyển đổi số vừa chung vừa riêng, chẳng hạn đều cung cấp dịch vụ thì thu phí khách hàng không bằng tiền mặt cũng là cách chúng ta ứng dụng chuyển đổi số, nhưng vốn mỗi nghề có những vấn đề riêng đặc thù nên không thể cứ sao chép hình thức chuyển đổi số giống nhau được. Chẳng hạn, người ta dùng các ứng dụng tiên tiến để chạy quảng cáo cho dịch vụ, đối với những dịch vụ hàng hóa thương mại khác có thể mang lại hiệu quả, nhưng với nghề luật sư hiệu quả của việc chạy quảng cáo bằng công nghệ không hẳn đã mang lại khách hàng. Theo tôi, công nghệ nên là công cụ phương phức mà luật sư nên vận dụng để tạo ra chuyển tải các sản phẩm của nghề nghiệp đến với thân chủ và xã hội, để từ các sản phẩm dịch vụ của mình trở thành giá trị thương hiệu. Cũng

như nghề y, không thể treo lên cột điện tôi là bác sĩ giỏi, hảy mang con đến để tôi tiêm là có người mang con đến tiêm. Người ta thường chỉ đến bác sĩ người ta tin, mà niềm tin phải xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm, khả năng chuyên môn, y đức của bác sĩ, những giá trị đó không thể thể hiện trên các tờ rơi dán cột điện được. Vậy sự lan truyền giá trị cá nhân cũng không phải và không thể dùng công nghệ để thổi phồng lên trong nghề luật sư, không ai đặt niềm tin vào các thông tin quảng cáo, mà niềm tin thường phải dựa vào thực tiễn trải nghiệm sử dụng dịch vụ. Như vậy, chuyển đổi số không phải là biến không thành có, chuyển đổi số là phải dùng nền tảng công nghệ để tạo ra dịch vụ pháp lý hiệu quả, nhanh chóng, chính xác cho thân chủ thông qua quá trình sử dụng quy phạm pháp luật, soạn thảo ý kiến tư vấn, trình bày luận cứ, xây dựng hồ sơ dự án… Như thế, một phần của công nghệ số chỉ ở phương diện hỗ trợ con người, còn con người phải vận hành, phải tư duy phải kết nối, phải có cảm xúc, phải đam mê, phải có cả đạo đức nghề thì mới tạo ra được giá trị sản phẩm dịch vụ pháp lý có uy tín được.

- Theo ông, chuyển đổi số trên thực tế hành nghề luật sư ở Việt Nam đã và đang được vận dụng như thế nào, liệu đã hiệu quả chưa?

Trong thực tiễn hành nghề có nhiều hãng luật, nhiều luật sư đang ứng dụng quá trình chuyển đổi số một cách hiệu quả cho công việc của mình mỗi ngày. Từ ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm dịch vụ pháp lý như soạn thảo hợp đồng, tra cứu quy phạm đến cả tham gia tố tụng. Hiện nay chuyện tham gia tố tụng trực tuyến cũng đang triển khai thí điểm dần, nghề luật sư cũng ứng dụng dần với các quy trình chuyển đổi số đó. Tuy nhiên, đánh giá thật khách quan thì số đông, số nhiều luật sư ở Việt Nam vẫn đang ứng dụng quá trình chuyển đổi số ở mức độ thấp, nghĩa là đang sử dụng các giao thức, thao tác ứng dụng công nghệ ở mức độ giản đơn cho hoạt động nghề nghiệp. Nhắc đến chuyển đổi số, có người còn nói việc tạo một nhóm chat của Zalo cho các luật sư cũng là chuyển đổi số, như vậy là mức độ ứng dụng công nghệ còn sơ khai và còn nhiều khoảng trống để phải nâng tầm lên. Quá trình tham gia chuyển đổi số của các luật sư tôi nghĩ chưa đồng đều, người thì mới ngang tham gia nhóm chát Zalo, người thì đã ứng dụng các phần mềm quản lý, hệ thống website hiện đại để quản lý công việc, tổ chức họp hành, tư vấn và ứng dịch vụ chuyên nghiệp, do đó thực tiễn đang có sự khác nhau giữa các luật sư hành nghề.

- Về hãng luật của luật sư, chúng tôi thấy FDVN là một hãng luật đang vận hành chuyển đổi số rất chuyên nghiệp, xuất phát từ nền tảng nào và định hướng gì để FDVN tạo nên những giá trị của mình trong quá trình vận hành chuyển đổi số?

Với lịch sử hình thành 12 năm qua, FDVN luôn có khát vọng cung cấp những giải pháp pháp lý tốt nhất cho thân chủ, chính khát vọng đó khiến chúng tôi phải tự tìm giải pháp. Nền tảng để mỗi tổ chức hành nghề luật phải phát triển lên theo chúng tôi là phải do định hướng vì cái gì để chúng ta thay đổi. Theo tôi nghề dịch vụ buộc luật sư phải thực thi trách nhiệm của mình vì thân chủ. Ví dụ, chúng tôi nhận được yêu cầu dịch vụ của khách hàng ở Nga, Hà Lan, Pháp nhưng quá trình dịch bệnh Covid 19, việc tư vấn, họp trực tiếp không thực hiện được, chúng tôi phải thích ứng sớm với việc tham gia các cuộc họp tư vấn trực tuyến hoặc xử lý các vấn đề với thân chủ hàng ngày qua việc ứng dụng các công nghệ số. Điều đó không chỉ nằm trong kế hoạch, mà việc phải vận hành theo quy trình chuyển đổi số nhiều khi đến từ chính yêu cầu của công việc.

Ngoài ra, với các yêu cầu công việc hàng ngày, FDVN không chỉ cung cấp các dịch vụ pháp lý mà đang tạo ra những hệ thống sản phẩm pháp lý khác để chuyển tải hoàn toàn miễn phí tới cộng đồng hành nghề và người dân, do đó chúng tôi buộc phải không ngững ứng dụng chuyển đổi số để làm được việc đó. Hiện nay, các ấn phẩm tổng hợp quy phạm, án lệ, kiến thức pháp lý của các quốc gia trên thế giới, kiến thức tiếng Anh pháp lý, hệ thống các giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao, các thông báo rút kinh nghiệm nghề nghiệp của Viện kiểm sát đang được FDVN chia sẻ miễn phí hàng ngày trên website của FDVN và trên Group Facebook Diễn Đàn Nghề Luật với hơn 135.000 thành viên hành nghề tham gia. Như vậy, công việc đòi hỏi phải sử dụng và vận hành chuyển đổi theo công nghệ số nếu không sẽ không chỉ có thể vận hành thao tác một cách nghiệp dư, khi đó khả năng thực hiện công việc không thể đạt được.

- Nhân Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam và cũng là Ngày Chuyển đổi số quốc gia, luật sư có những chia sẻ gì với các đồng nghiệp trong việc phát triển nghề nghiệp trong quá trình chuyển đổi số hiện nay?

Đối với nghề luật sư quá trình chuyển đổi số không nằm ngoài quá trình phát triển nghề nghiệp nhưng chuyển đổi số cũng chỉ là những giải pháp công nghệ hỗ trợ cho nghề nghiệp chuyên nghiệp hơn, phát triển hơn. Do đó, mỗi một luật sư hành nghề chúng tôi cần nhiều ở việc mình phải trở nên chuyên nghiệp hơn để có thể đạt được những giá trị mới, đạt được thành quả quan trọng trong quá trình đó. Đặc thù của nghề luật sư lại càng khác, tính chuyên nghiệp không phải là dùng hệ thống phần mềm hiện đại chỉ để chia 3 phần một mảnh đất trong vụ án thừa kế, cái đó các bạn sinh viên luật cũng biết chia, nghĩa là không cần phải đụng đến chuyển đổi số. Do vậy, tự các luật sư cần phải có chuyên môn nghiệp vụ đủ giá trị để tương thích

với chuyển đổi số, ở đó ai có đủ uy tín để tập đoàn lớn họ yêu cầu tư vấn dự án lớn, ai có đủ uy tín để tham gia vào vụ án tranh chấp pháp lý trị giá tỷ Đô la, ai có đủ uy tín để tư vấn dự án xuyên quốc gia, làm việc xuyên biên giới … Thách thức của chuyển đổi số với các luật sư là chúng tôi đủ năng lực để tham dự vào quá trình chuyển đổi số ở mức độ nào, và không chỉ chuyện chuyển đổi số, thách thức của nghề luật sư là cần phải rèn dũa chuyên môn nghề nghiệp, uy tín nghề nghiệp như thế nào để đủ sức lực gánh vác những nhiệm vụ quan trọng trong xã hội đang chuyển đổi hàng ngày. Còn với nghề rất đặc thù như nghề luật sư, thực sự mỗi một trải nghiệm sẽ tự đưa mỗi người đến những giá trị khác nhau mà họ khao khát đạt được. Không ai giống ai cả con đường lần khát vọng, nên khát vọng và đích đến của mỗi người cũng sẽ khác nhau. Chỉ có điều, nhân những ngày này, chúng tôi chia sẻ rằng, chúng tôi mong muốn luật sư được hoạt động trong mỗi trường xã hội công bằng, văn minh và chúng ta có khát khao hướng tới khát vọng về công lý. Chỉ khi chuẩn xã hội nói chung là một giá trị nhân văn lớn, thì khi đó những ứng dụng của các công cuộc khai phá mới của công nghệ khi được khai thác mới trở nên hiệu quả và tạo ra giá trị thực sự ý nghĩa cho cuộc sống. Nghề luật sư hay bất kỳ nghề nào cũng cần vận hành trong quy trình chuyển đổi mới của thời đại vì những giá trị nhân bản và yêu thương.

Minh Thu

Tin nổi bật