Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đồng thời nhiều chính sách mới về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, thuế, lãi suất ngân hàng sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2018.
Điều chỉnh chế độ hưu trí mới
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016: Từ 1/1/2018, lao động nam đạt 31 năm đóng BHXH và lao động nữ 30 năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu tương đương 75% mức đóng BHXH hàng tháng. Việc tính tuổi hưu như trên căn cứ vào quy định hiện hành của Luật Lao động: Nam nghỉ hưu ở tuổi 60 và nữ ở tuổi 55.
Từ ngày ngày 1/1/2018, Nhà nước sẽ tăng lương cho hàng triệu người - Ảnh: Vietnamnet. |
Tăng lương tối thiểu vùng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, từ 1/1/2018 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.760.000 đến 3.980.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Cụ thể: Mức 3,98 triệu đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp trên địa bàn thuộc vùng I; Mức 3,53 triệu đồng/tháng trên địa bàn vùng II; Mức 3,09 triệu đồng/tháng trên địa bàn vùng III và mức 2,76 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp trên địa bàn vùng IV (quy định cũ quy định lần lượt là 3,75 triệu đồng/tháng; 3,32 triệu đồng/tháng; 2,9 triệu đồng/tháng và 2,58 triệu đồng/tháng).
Quy định mới về tiền lương tháng đóng BHXH
Theo quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 4 và điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47 ngày 16/11/2015 của Bộ LĐ-TB&XH, tiền lương đóng BHXH gồm lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác.
Từ năm 2018, người lao động sẽ phải đóng BHXH bao gồm cả các khoản bổ sung khác. Điều này đồng nghĩa với việc nền tiền lương đóng BHXH sẽ tăng lên.
Song cả đại diện Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam đều khẳng định, các khoản bổ sung khác ở đây là các khoản cố định có ghi trong hợp đồng lao động, mức tăng nền tiền lương đóng BHXH sẽ không tăng đáng kể so với trước năm 2018.
Trước những bất cập trong việc thay đổi cách tính lương hưu từ 1/1/2018 theo khoản 2, điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội, nhiều người kỳ vọng vấn đề này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, kỳ họp đã kết thúc và vấn đề thay đổi cách tính lương hưu đã không được đặt ra nên nhiều người vẫn còn rất băn khoăn.
Trước đó, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, có nghe thông tin ở các địa phương, lao động nữ giám định sức khỏe nghỉ hưu sớm tăng hơn. Việc này không có gì là lạ, vì người lao động tính toán có lợi cho họ.
Tuy nhiên, hiện chưa có con số chính thức về số người xin nghỉ hưu non, ông Phạm Lương Sơn đề nghị Ban Chính sách xã hội cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông.
Theo Luật BHXH 2014, từ ngày 1/1/2018, nhiều lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (nhiều trường hợp lên đến 10%).
Hằng Thanh (T/h)