Trong phiên họp buổi sáng 10/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Sau đó, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Nhiều nội dung trên thẻ căn cước dự kiến được sửa đổi. Ảnh: Vietnamnet
Về dự án Luật Căn cước sửa đổi có 7 chương, 46 điều, trong đó sửa đổi hết 39 điều Luật Căn cước công dân năm 2014 và bổ sung 7 điều mới.
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo Luật Căn cước sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, cư trú...
Việc thay đổi trên nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp vẫn còn nguyên giá trị sử dụng.
Dự thảo Luật Căn cước cũng quy định, chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành sẽ được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Cơ quan soạn thảo dự luật cho biết, hiện nay đã cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho người đủ điều kiện cấp thẻ nên việc quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân cơ bản không tác động đến người dân.
Dự thảo Luật Căn cước bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Căn cước, với 19 triệu công dân dưới 14 tuổi, ước tính số tiền Nhà nước và xã hội phải chi cho một số loại giấy tờ liên quan là khoảng 2.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí sản xuất mỗi thẻ căn cước là 48.000 đồng. Nếu 19 triệu trẻ dưới 14 tuổi đều có nhu cầu cấp căn cước thì tốn khoảng hơn 900 tỷ đồng.
Việt Hương (T/h)