Mọi thứ thật lung linh, viên mãn và tròn trịa cho đến sát thời khắc kinh hoàng. Tiếng nhạc hân hoan tắt lịm, cả gia đình, dòng họ, hàng xóm đang như ngã khuỵu trước hung tin sét đánh. Lời hứa dù nghèo khó cũng sẽ yêu thương nhau đến trọn đời của con rể còn chưa kịp thực hiện, người mẹ già đã phải dằn nỗi đau, trông theo bóng con gái về quê chồng chịu tang trong ngày cưới.
Mối duyên 7 năm “đứt gánh”
Cho tới thời điểm này, cô dâu Lê Thị Y. trú tại thôn Bình Trị (xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định vẫn chưa thực sự tỉnh táo sau sự ra đi đột ngột của người chồng và 12 người còn lại của gia đình nhà chồng khi đang trên đường đón dâu. Tiếng cô dâu trẻ thảm thiết gọi tên người chồng đã đăng ký kết hôn: "L. ơi, L. ơi! Sao để xe hoa thành xe tang hả anh" khiến nhiều người rơi nước mắt xót xa.
Chỉ mới đây thôi, ai nấy đều lo chuẩn bị quần áo tươm tất, thiệp hồng bỏ sẵn để mừng đám cưới cô dâu Y., chú rể L..Nhưng chẳng ai ngờ...
Vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, chị Y. bỏ xứ vào Nam mưu sinh gần 10 năm trước. Ở nơi đất khách quê người, chị quen rồi yêu anh L., một chàng trai chân chất miền cát trắng Quảng Trị. Trong cái khổ, cái cực ấy họ hiểu và thông cảm cho nhau rồi đến với nhau. Rồi, mỗi lần chị Y. về thăm quê,anh L. cũng về nhà người yêu thăm hỏi gia đình. Thấy đôi trẻ yêu thương khăng khít, gia đình hai bên cũng mừng và yên tâm lắm. Đến tháng Tư vừa rồi, hai bên gia đình đã tổ chức lễ đính hôn cho đôi trẻ. Hôm ấy, anh L. còn hứa với mẹ vợ rằng dù nghèo nhưng anh sẽ hết lòng yêu thương và lo cho con gái bà được cuộc sống hạnh phúc.
Chưa kịp mặc áo cô dâu chị Y. đã thành goá phụ. Ảnh: Trí thức trẻ |
Mới đây, họ đã tổ chức tiệc cưới tại Bình Dương trước sự chứng kiến của bạn bè, đồng nghiệp. Theo dự định, đám cưới tiếp tục diễn ra ở Bình Định; kế đó, cô dâu, chú rể sẽ về Quảng Trị tổ chức lễ ở nhà trai. Vậy mà tất cả đã vụn vỡ bởi "chuyến xe tử thần" lúc 2h sáng ngày 30/7. Trước đó, mọi công tác chuẩn bị ở nhà gái đã xong. Rạp cưới, thiệp hồng, mâm cỗ đã chu toàn... Tất cả đều lung linh, viên mãn và tròn trịa, chỉ chờ nhà chú rể đến để cử hành hôn sự...
Tiếng nhạc đám cưới lịm tắt, lời ca hát không còn nữa, nhà cô dâu cũng chìm vào tang thương, họ thay nhau cáo lỗi với khách khứa đến dự tiệc. Khách đến, khách đi chẳng ai nói nổi với nhau một lời. Có người dẫu chẳng quen biết gì chú rể, cũng có người mới đó còn nằng nặc trách móc sao cô dâu lấy chồng xa vậy... thì nay tất cả chỉ biết xót xa, nhói lòng, đớn đau. Bi kị chai gieo mà nghiệt ngã quá!?
Bác ruột chị Y. nghẹn ngào kể lại, lúc nghe điện thoại báo cả gia đình phía nhà trai gặp nạn, chị Y. ngất lên ngất xuống. Người nhà phải xoa bóp, động viên chị cố gắng vượt qua. Vừa đỡ cơn ngất, chị đã nằng nặc đòi ra Quảng Trị, những mong nhìn mặt hôn phu lần cuối cùng.
Tại đám tang gia đình thông gia, ông Lê Đức T. (52 tuổi, cha chị Y.) vừa khóc vừa kể lại chuyện con gái đã quen biết con rể chừng được 7 năm. “Hai cháu định cưới thì cứ trục trặc chuyện gia đình và công việc mãi... Lần này tổ chức lễ vu quy ở Bình Định, do bên gia đình chúng tôi còn để tang mẹ nên thống nhất không làm lễ gia tiên, nhà trai chỉ dự tiệc nên vào giờ nào cũng được, không vội”, ông T. buồn bã chia sẻ. Ngay sau khi nghe tin gia đình chú rể gặp nạn, ông T. đã tức tốc cùng con gái và 3 người khác đón xe ra Quảng Trị. Đây cũng là lần đầu tiên ông T. đến nhà sui gia nhưng không phải là để cùng mọi người chung vui ngày đại hỉ mà là để chia sẻ nỗi đau ngày đại tang.
Ông Trần Hòa, Trưởng thôn Bình Trị, xã Mỹ Quang rơi nước mắt khi nhắc đến nhà cô dâu. "Nhà ông T. nghèo lắm. Từ lâu mấy đứa con phải tha hương cả làm công nhân khắp nơi. Vợ chồng già ở nhà làm mấy sào ruộng, nuôi vịt nhưngchẳng ăn thua... Ban trưa tôi cùng mấy người sang đám cưới thì hay tin. Chi mà xót xa rứa biết. Ai cũng rơi nước mắt, chẳng ai an ủi nổi ai", ông Hòa buồn bã nói.
Cuộc họp đặc biệt trong đêm
Tối ngày 30/7, một cuộc họp gồm các vị cao niên, chức sắc và chưa từng có trong lịch sử của làng Lương Điền (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh QuảngTrị) đã diễn ra để chia lịch đưa tang cho 12 người trong 5 gia đình cùng làng (chị gái L. đã đi lấy chồng), cùng dòng họ tử vong sau vụ tai nạn thảm khốc. Để sắp xếp hợp lý việc chôn cất, 12 nạn nhân sẽ được tiến hành mai táng trong 2 ngày 1/8 và 2/8. 4 người được đưa về cõi vĩnh hằng trong ngày 1/8. Còn 2/8 là ngày đưa tang của những người còn lại, bao gồm cả chú rể L.. Lúc bấy giờ, những giọt nước mắt xé lòng, tiếng than khóc thảm thiết vẫn không ngừng vang lên. Đã mấy chục năm rồi, làng Lương Điền chưa có ngày nào đau thương đến thế.
Khi thực hiện nghi lễ trước khi mai táng các nạn nhân xấu số, người thân của các nạn nhân đã không thể cầm được nước mắt khi đứng trước di ảnh của bậc sinh thành. Không ai tin rằng chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ mà sự việc kinh hoàng lại ập đến, cướp đi sinh mạng của 12 người con làng Lương Điền. Sự ra đi đột ngột để lại mất mát quá lớn, quá đau thương khiến cho những người ở lại đau đớn tột cùng. Những giọt nước mắt lăn dài trên khóe mi, ai nấy đều cảm thấy xót thương cho những người thân xấu số.
Từ sáng sớm ngày đưa tang, đã có hàng trăm người dân trên địa bàn đến tham gia đưa tiễn các nạn nhân này về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều người lau nước mắt khi những chiếc xe tang lần lượt nối đuôi nhau lăn bánh trong tiếng khóc than, khẩn cầu cho linh hồn của những người tử nạn sớm siêu thoát.
Suốt quãng đường đưa tiễn các nạn nhân đến nghĩa trang, hàng trăm ô tô, xe máy đều dừng lại tấp vào lề nhường đường cho đoàn người đưa tang. Đông đảo người dân đi đường cũng đã đứng lại cúi đầu chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân. Khi lễ mai táng bắt đầu diễn ra cũng là lúc tiếng khóc than của thân nhân các nạn nhân vang lên thảm thiết nhất, tiễn đưa người thân trong gia đình trước giây phút chia xa vĩnh viễn.