Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường khiến cho không ít loại hình dịch vụ, thương mại liên tục đối mặt với những khó khăn về mặt nhân sự, phương hướng kinh doanh,..
Ngành than chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh. Ảnh minh họa: TTXVN
Giống như các ngành khác, ngành than cũng đang phải chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh.
Các đợt dịch COVID-19 bùng phát liên tiếp từ đầu năm đến nay đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành than, đặc biệt là vấn đề bố trí, sử dụng lao động và tổ chức sản xuất của các đơn vị trực thuộc khi mà người lao động di chuyển giữa các vùng phải đảm bảo theo nguyên tắc phòng chống dịch bệnh.
Khó khăn chồng chất khó khăn, dịch bệnh không chỉ làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn khiến ngành than phải đối mặt với việc giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao. Cụ thể, giá cả nhiều mặt hàng như: giá dầu, giá sắt thép tăng cao; nhất là giá cước thuê tầu vận tải biển tăng kỷ lục trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, việc phát sinh thêm các chi phí phòng chống dịch ngoài kế hoạch đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiện, toàn ngành than đang căng mình để vừa đảm bảo sản xuất, vừa phòng, chống dịch COVID-19. Các quy trình khai thác, sản xuất than nay càng siết chặt và nghiêm ngặt hơn hơn, bởi chẳng may một công nhân dính COVID-19 thì nguy cơ đóng cửa cả mỏ là rất lớn.
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, các đơn vị ngành than đã xây dựng kế hoạch thực hiện tốt mục tiêu kép “Phòng, chống dịch và SXKD hiệu quả trong tình hình mới”. Trong đó, nhóm giải pháp, trọng tâm vẫn là công tác phòng chống dịch COVID-19, rà soát nâng cấp kịch bản phòng chống dịch lên mức nhất và duy trì sản xuất ổn định.
Theo tài liệu báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi làm việc với đơn vị sản xuất lớn nhất trong ngành là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (MCK:TKV) diễn ra vào ngày 24/10, trong 9 tháng đầu năm 2021, TKV đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa sản xuất kinh doanh hiệu quả trong tình hình mới; đảm bảo việc làm và thu nhập cho hàng vạn lao động; triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn lao động,...
Ngay trước, trong và sau tết nguyên đán năm 2021, TKV đã động viên người lao động thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc “3 cùng” (cùng làm việc - cùng đi 1 phương tiện – cùng ở một nơi).
Yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang, chủ động bố trí khu rửa tay sát khuẩn cho khách hàng trước khi vào mua sắm.
Chủ động, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn, trong đó chú trọng các giải pháp ứng dụng kỹ thuật công nghệ, tin học hóa, hiện đại hóa,… nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh hiệu quả, giảm thiệt hại do tác động của dịch bệnh, đẩy mạnh tiêu thụ, giảm tồn kho than, duy trì tốt hoạt động các khối khoáng sản, điện, hóa chất,...
Đến nay, Tập đoàn đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp thích ứng trong điều kiện bình thường mới là: “5K + vaccine + công nghệ”.
TKV đã chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện công tác tiêm chủng. Đến nay đã tiêm đủ 2 mũi cho 100% CNCB của Tập đoàn với số lượng gần 95.000 người.
Bên cạnh đó, cùng với các địa phương thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng chống dịch; sẵn sàng huy động tối đa hạ tầng cơ sở vật chất, hỗ trợ nhân lực phục vụ chống dịch.
Chuẩn bị vật tư phục vụ sản xuất, thực phẩm, thuốc men, vật tư thiết bị y tế thiết yếu phục vụ phương án "3 tại chỗ" tại các địa phương, nhất là các đơn vị vùng Cẩm Phả, Hòn Gai, Uông Bí - Đông Triều.
Chủ động xây dựng và sử dụng phương án để có giải pháp tối ưu theo phương châm “dịch xảy ra ở đâu, khoanh vùng xử lý ở đấy”; ưu tiên phương án cách ly tại chỗ vừa đảm bảo sản xuất vừa đảm bảo phòng chống dịch.
Chính vì vậy khi đơn vị nhiều có nhiều người là F2, F3 nhưng công tác sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra được bình thường.
Nhờ thực hiện nghiêm túc và quyết liệt các biện pháp trên nên công tác phòng chống dịch COVID- 19 của TKV trong thời gian qua là rất thành công, đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu kép đã đặt ra: chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế.
Về chỉ số sản xuất, kinh doanh, doanh thu của TKV qua 10 tháng ước đạt 106.810 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch năm, bằng 104% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu than đạt 59.820 tỷ đồng, đạt 87% kế hoạch năm, sản xuất, tiêu thụ khoáng sản ở mức 13.100 tỷ đồng, bằng 126% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 75% kế hoạch năm 2021.
Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch COVID-19, nhưng TKV vẫn đảm bảo ổn định việc làm cho 95.000 lao động với thu nhập bình quân đạt 12,68 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài những nỗ lực phòng chống dịch bệnh, tuân thủ theo khuyến cáo của bộ y tế, nhiều mỏ cũng chủ động nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hầu hết các khâu sản xuất, nâng cao chất lượng công tác điều hành sản xuất và quản trị thiết bị, quản trị chi phí. Đây là cách làm hiệu quả, vừa tích cực phòng chống dịch COVID-19, vừa duy trì nhịp độ sản xuất.
Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, những kết quả đạt được là minh chứng thể hiện sự nỗ lực, cố gắng và hiệu quả của những giải pháp được ngành than đưa ra kịp thời, thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế, bảo đảm và ổn định việc làm, thu nhập cho người lao.
Thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và thị trường còn nhiều biến động. Đây vừa là khó khăn, thử thách vừa là cơ hội để ngành than nỗ lực phát huy tinh thần vượt khó, tận dụng điều kiện thuận lợi; kích hoạt các nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoàn thành kế hoạch ở mức cao nhất, tập trung điều hành sản xuất và tiêu thụ theo diễn biến thị trường, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Bạch Hiền
Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ