(ĐSPL) - Trong vài năm trở lại đây, câu chuyện xuất khẩu than của nước ta được nhiều chuyên gia cho là bất hợp lý. Chỉ mới cách đây 3 năm về trước, chúng ta xuất khẩu một cách ồ ạt nguồn tài nguyên được coi là vàng đen này với giá rẻ mặc cho được cảnh báo trong tương lai gần phải nhập khẩu với giá rất cao.
Điều mà nhiều nhà khoa học tiên lượng đã đến, khi mới đây, 10.000 tấn than đầu tiên đã được nhập từ Indonesia vào cảng Cát Lái TP. Hồ Chí Minh. Sau sự kiện này, nhiều người đang đặt ra câu hỏi, tại sao đã có những cảnh báo từ khá sớm nhưng ngành than vẫn vô tư không ngừng xuất khẩu?!
|
Xuất khẩu than luôn được xem là hoạt động "gánh vàng đi đổ sông Ngô". |
Xuất khẩu càng nhiều, thiệt hại càng lớn
Việc Việt Nam không ngừng xuất khẩu than được cho là không khác việc "vác vàng đi đổ sông Ngô". Thậm chí, ngay trong những thời điểm chúng ta chưa có nhu cầu nhập khẩu than thì nhiều chuyên gia đã nhận định hoạt động xuất khẩu than là hành động không hề khôn ngoan.
Ngay từ thời điểm năm 2008, xuất khẩu than đạt mức 32,535 triệu tấn và lượng than bị xuất khẩu lậu bình quân đến 10 triệu tấn/năm thì nhiều chuyên gia đã khẳng định rằng, Việt Nam đã mất gần một tỷ USD cho hoạt động này.
Số tiền trên được nhiều chuyên gia tính từ việc bán giá than tại gốc (Quảng Ninh) đem so sánh với giá than dưới tác động của sự tăng giá dầu. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, lượng tiền xuất khẩu than mang lại không đủ để mua một nửa số lượng than mà ta đã xuất khẩu cùng thời điểm chứ chưa nói đến trong tương lai chúng ta phải nhập một lượng lớn than để phục vụ cho phát triển kinh tế.
Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia, việc Việt Nam phải xuất khẩu than đã trở thành hiện thực khi mới đây, gần 10.000 tấn than được nhập về từ Indonesia đã cập cảng Cát Lái, TP.HCM.
Điều nghịch lý mà nhiều người đã chỉ ra loại than mà chúng ta phải bỏ tiền nhập khẩu lại chính là loại than mà chúng ta đang tích cực xuất khẩu. Theo dự đoán, trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải ồ ạt nhập khẩu than và theo dự tính thì đến năm 2020, thì Việt Nam sẽ nhập khoảng 100 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu than sẽ không dễ dàng, theo TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng, bởi ngay cả trong trường hợp Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) có đủ năng lực tài chính thì cũng khó có thể nhập khẩu được nhiều hơn 30 - 50 triệu tấn/năm.
Khi nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam tăng lên đến 100 triệu tấn/năm (sau năm 2025 - 2030) thì đó là một nhiệm vụ gần như bất khả thi. Bởi, theo tính toán của TKV, với trữ lượng than tại các mỏ than Đông Bắc, đến năm 2015, sẽ không thể cân đối được nhu cầu than trong nước, buộc phải nhập khẩu khoảng 6 triệu tấn/năm. Với "bể than" sông Hồng thì ít nhất đến năm 2018, việc khai thác thử nghiệm sẽ được tiến hành. Vì vậy, nhập khẩu than để cân đối nhu cầu trong nước gần như chắc chắn và là một bài toán hết sức nan giải.
Lãi ngành than hưởng, lỗ... dân chịu
Trao đổi với Đời sống và Pháp luật về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho hay: Ở Quảng Ninh, những chỗ "ngon lành", dễ tiếp cận đã được khai thác hết, chỉ còn lại những chỗ khó khăn. Trước đó, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành than phải mở thêm 28 mỏ mới trong giai đoạn năm 2011 - 2015. Tuy nhiên, vì giá trị đầu tư quá lớn, khoảng 300 - 400 triệu USD mỗi mỏ và phải mất 7 - 8 năm nên kế hoạch này đã không thực hiện được. Do vậy, tình trạng thiếu hụt than tuy đã được báo trước nhưng vẫn chưa có giải pháp chủ động khắc phục kịp thời.
Phân tích cụ thể các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước ta phải nhập khẩu than trước dự kiến, chuyên gia này nói: Do chính sách giữ giá than thấp để dành ưu đãi cho ngành điện, xi măng và thép, cho nên nếu chỉ trông chờ vào nguồn than bán ở trong nước thì ngành than bị lỗ. Vì vậy, họ phải tìm cách xuất khẩu và sống bằng nguồn xuất khẩu đó để bù cho những khoản lỗ trong nước.
|
Tình trạng thiếu hụt than tuy đã được báo trước nhưng vẫn chưa có giải pháp chủ động khắc phục kịp thời. |
Bên cạnh đó, việc chưa kiểm soát được tình trạng xuất khẩu lậu cũng dẫn đến lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Trong tình hình như vậy, việc nhập khẩu than đã được báo trước, tuy nhiên nó lại đến sớm hơn dự kiến. Điều này chứng tỏ, nhu cầu tiêu thụ than trong nước cũng đã tăng lên.
Hậu quả của tình trạng trên được chuyên gia này thẳng thắn bày tỏ: "Chúng ta để cho ngành than xuất khẩu quá nhiều và dẫn đến tình trạng sớm phải nhập khẩu năng lượng mà trước đó ít hôm chúng ta còn đang ồ ạt xuất khẩu. Cái lãi ngành than được nhận, nhưng lỗ thì toàn bộ nền kinh tế lại phải gánh chịu".
Trước thực trạng này, theo ông Doanh, các bên liên quan cần có một chiến lược toàn diện về năng lượng, sử dụng nhiều hơn nữa các năng lượng tái sinh, năng lượng mặt trời, năng lượng gió để cung cấp điện. Đặc biệt, phải phát động sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm.
Ngoài ra, cũng phải dần dần nâng giá điện lên cho phù hợp với các nước trong khu vực. "Trước đây giá điện của chúng ta đã rất phù hợp với mặt bằng chung của khu vực, tuy nhiên do lạm phát quá nhanh trong những năm 2008 - 2009 nên giá điện trở nên rất thấp và ngành điện gặp khó khăn. Việc điều chỉnh giá điện sẽ tránh được đầu tư nước ngoài theo kiểu tận dụng nguồn năng lượng giá rẻ của chúng ta.
Nhiều nước đổ xô vào Việt Nam sản xuất xi măng và sắt thép quá nhiều nhờ sống bằng giá điện, giá than thấp... Cuối cùng, nguồn năng lượng của chúng ta giảm sút; các nước lại được sản phẩm tiêu thụ và xuất đi khắp nơi", vị này nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, ngành than vẫn có chủ trương xuất khẩu và lượng xuất hằng năm vẫn tương đối lớn. Trước đây, để bù đắp lỗ do giá bán than trong nước dưới giá thành, Việt Nam đã phải xuất khẩu khoảng vài chục triệu tấn. Giai đoạn 2006 - 2011, nước ta đã xuất thô tới hàng trăm triệu tấn than. Đây được coi là giai đoạn "nóng" nhất và khiến nhiều chuyên gia cho rằng là bất cập.
Nhiều chuyên gia khi được hỏi về vấn đề này cho rằng, việc xuất khẩu than, đặc biệt là hiện tượng xuất khẩu than lậu đã được cảnh báo từ sớm là gây thất thoát tài nguyên và không có lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thực trạng nhập thì cứ nhập, xuất khẩu thì cứ xuất khẩu vẫn tồn tại. Bợi hiện tượng đan xen lợi ích, lợi ích nhóm đang chi phối ngành than cũng như nhiều ngành khai khoáng ở nước ta hiện nay.
Hạnh Phúc