Thách thức hiểm nguy…
Trước sức ép của dịch bệnh, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu chịu tổn thất nặng nề, nhiều đơn vị tuyên bố phá sản hoặc tạm ngưng hoạt động. Điều này khiến lượng hàng hóa lưu chuyển ít dẫn đến việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa giảm, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển Logistics.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng bị thất thoát doanh thu do hạn chế các đơn hàng xuất nhập khẩu từ thị trường có dịch như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…
Theo khảo sát Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), có 20% - 50% hoạt động của doanh nghiệp hội viên bị ảnh hưởng (giảm mạnh về doanh thu). Có khoảng 15% doanh nghiệp bị giảm 50% doanh thu, hơn 50% doanh nghiệp giảm số lượng dịch vụ Logistics trong nước và quốc tế từ 10% - 30% so với cùng kỳ những năm trước.
Dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến ngành Logistics rơi vào khó khăn trầm trọng. (Ảnh: NVCC)
Ông Hứa Văn Thuân - Tổng Giám đốc Công ty Pacific Logistics (TP. Hải Phòng, tỉnh Hải Phòng) chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: “Giá cước tăng rất cao ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; nhiều văn phòng chi nhánh các nhà máy, doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc giảm sản lượng do dịch bệnh. Từ đó, dẫn đến sản lượng xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng tiêu cực, doanh thu suy giảm. Do ảnh hưởng của COVID-19 nên sản lượng sụt giảm từ 30% -50%. Ngay khi dịch bệnh bùng phát, công ty chuyển sang làm việc online 50-100%, tùy khu vực. Dù khó khăn vậy, Pacific Logistics vẫn cố gắng duy trì lương chế độ cho người lao động đầy đủ, đảm bảo cho cuộc sống của nhân viên”.
“Khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải là vốn đầu tư. Những mảng lớn mang tính toàn cầu đều cần nguồn vốn. Tôi đã tham khảo VLA, VCCI và nhiều ngân hàng nhưng vấn đề hỗ trợ cho vay đối với doanh nghiệp ngành Logistics hầu như là không có. Các ngân hàng đều yêu cầu thế chấp tài sản, trong khi đặc thù ngành Logistics kinh doanh dịch vụ nên nhiều công ty không có tài sản đảm bảo. Vì vậy không có gói hỗ trợ nào phù hợp, rất khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Hứa Văn Thuân cho biết.
Trước những khó khăn, ông Đặng Văn Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giao nhận vận tải DH (TP. Hà Nội) bày tỏ: “Doanh nghiệp tôi tập trung vào thị trường tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh nên đang gặp khó khăn lớn bởi dịch bệnh mới được kiểm soát, kinh tế cần thời gian để phục hồi. Chúng tôi rơi vào tình cảnh khan hiếm nguồn nhân lực và container vận chuyển hàng hóa. Trước tình trạng giảm năng suất lao động nhưng chi phí xã hội tăng cao đã đẩy ngành Logistics vào khủng hoảng. Thời gian tới, kinh tế vẫn khó khăn, chưa phục hồi được, dự đoán lạm phát tăng cao cuối năm”.
Xét về mặt chủ quan, dịch bệnh COVID-19 để lại hậu quả nặng nề đối với ngành Logistics. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ khách quan, đại dịch cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành nắm bắt cơ hội mới trong bối cảnh cũ. Từ đó, có những sáng kiến mới lạ, đột phá, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh doanh.
Ông Đặng Văn Hùng thẳng thắn chia sẻ: “Dịch bệnh khiến công việc bị ngắt quãng, chững lại nhiều. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian các doanh nghiệp ngành Logistics xem xét lại chiến lược hoạt động, chiến lược truyền thông, đa dạng hóa thị trường, cải tổ bộ máy hoạt động và tăng cường việc áp dụng kho học kỹ thuật để cắt giảm tối đa chi phí hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cần vạch ra kế hoạch kinh doanh cho tương lai với các biện pháp thực tế như: Huy động vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường…”
Ông Hứa Văn Thuân chia sẻ giải pháp cấp bách giúp ngành Logistics vượt qua thách thức hậu COVID-19.
Còn ông Hứa Văn Thuân thì nhấn mạnh: “Dịch bệnh COVID-19 không chỉ là khó khăn, thách thức mà còn là cơ hội để doanh nghiệp cung cấp ngành Logistics nắm bắt kịp thời với những xu hướng mới. Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát về tổng thể, tôi nghĩ, trong thời gian tới, ngành Logistics cần chuẩn bị những bước “nhảy vọt” nhằm phục hồi và thúc đẩy kinh tế phát triển vượt bậc”.
Vượt qua “làn sóng” COVID-19
Trước ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã khảo sát, lấy ý kiến của các hội viên để kiến nghị với Chính phủ. Tuy nhiên, các vấn đề cấp thiết như: Hỗ trợ vay vốn ngân hàng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm chi phí vận tải… vẫn chưa được giải quyết. Đây là bài toán khó đặt ra đối với doanh nghiệp ngành Logistics.
Nhà nước cần có những biện pháp quyết liệt hơn để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ Logistics vượt qua khó khăn. Lúc này, bất kỳ chính sách mà Chính phủ đưa ra đều có sự ảnh hưởng quan trọng, quyết định sự sống còn của ngành Logistics. Hữu ích nhất đối với doanh nghiệp dịch vụ Logistics lúc này là giảm và hoãn các loại thuế, giảm lãi suất vay…
Trước đó, ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết khủng hoảng là lúc thị trường sàng lọc các doanh nghiệp theo cơ chế tự nhiên. Vì vậy, ngành Logistics cần nắm bắt cơ hội để tìm ra con đường hợp tác, khôi phục kinh tế. Hiện nay, thị trường tiềm năng cần khai thác là: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và các nước EU.
Để vượt qua “làn sóng” COVID-19, các doanh nghiệp ngành Logistics đều cho rằng biện pháp trước mắt, mọi người cần được tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19, có hộ chiếu vaccine để đảm bảo cuộc sống ổn định, kinh tế sớm phục hồi và phát triển.
“Hộ chiếu vaccine rất quan trọng đối với ngành nghề Logistics bởi nhu cầu giao thương quốc tế cao. Việc thảo luận online cơ bản là ổn nhưng khi gặp trực tiếp sẽ tăng độ tin tưởng, có cơ hội tìm hiểu đối tác chi tiết hơn. Từ đó, việc phát triển các mối kinh doanh tăng trưởng, chính phủ nên xem xét và tạo điều kiện, chúng ta không thể rơi vào thế bị động”, ông Hứa Văn Thuân chia sẻ.
Có thể nói, logistics là lĩnh vực rộng, được quản lý bởi nhiều cơ quan nên bản thân ngành này bị vướng mắc vì các quy định chồng chéo, các quy định điều kiện kinh doanh gắn với các dịch vụ logistics cụ thể. Ngoài ra, một số điều kiện hiện hành còn cứng nhắc, không hợp lý, tạo gánh nặng, hạn chế gia nhập thị trường hoặc ảnh hưởng đến quyền tự chủ trong hoạt động của doanh nghiệp logistics. Vì vậy, để gỡ "nút thắt" cho ngành logistics nhanh chóng phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19, cần rà soát tổng thể các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của ngành logistics theo quy định tại Nghị định 163/2017/NĐ-CPngày 30/12/2017 của Chính phủ, đồng thời ũng như các quy định, thủ tục liên quan tại các luật liên quan như: Luật Thương Mại,Luật Hải Quan, Luật Bưu chính... để thống nhất, giảm tải các thủ tục trùng lặp, không cần thiết gây khó khăn cho danh nghiệp.
Bên cạnh đó, để các doanh nghiệp ngành Logistics nhanh chóng phục hồi sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, cơ quan chức năng trong đó Bộ Công Thương giữ vai trò chủ yếu cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác để đề ra các chính sách cũng như triển khai đồng bộ kế hoạch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics của doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, công việc trọng tâm là hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, đồng thời Việt Nam cũng cần tái cơ cấu dịch vụ, tận dụng và khai thác hiệu quả kinh tế số, chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong thời gian sắp tới.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Ứng Hà Chi