Đó là nhận định của các nhà phân tích tại Morgan Stanley.
Cuộc khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc, do nguồn cung than thắt chặt và tiêu chuẩn khí thải ngày càng khắt khe, đã gây ra sự suy giảm trong ngành công nghiệp nặng ở một số khu vực và đang kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước, các nhà phân tích cho biết.
Nguyên nhân dẫn đến thiếu điện
Trung Quốc đã tuyên bố sẽ cắt giảm cường độ năng lượng khoảng 3% vào năm 2021 để đáp ứng các mục tiêu khí hậu. Chính quyền địa phương đã tăng cường thực thi các biện pháp hạn chế phát thải trong những tháng gần đây, sau khi chỉ có 10 trong số 30 khu vực ở Đại lục đạt được mục tiêu năng lượng của họ trong nửa đầu năm.
Giá than cao hơn và nguồn cung khan hiếm ở Trung Quốc - một quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào nhiệt điện than để cung cấp năng lượng - cũng dẫn đến tình trạng thiếu điện khi mùa đông đang gần kề.
Các nhân viên làm việc tại trạm biến áp điện 500 KV Jinshan ở Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua).
“Nguyên nhân chính của việc cắt điện là do thiếu hụt nguồn cung cấp than”, một nhà phân tích tại Trung Quốc cho biết, đồng thời lưu ý rằng sản lượng than trong nước bị hạn chế do thắt chặt các tiêu chuẩn an toàn trong khi nhập khẩu từ Indonesia – nhà xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới – bị chậm lại do thời tiết xấu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 9/2020 đã tuyên bố rằng, Trung Quốc sẽ đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và đạt trạng thái trung lập carbon vào năm 2060.
Từ đó, các kế hoạch quốc gia và địa phương đã được khởi động nhằm giảm sản xuất than và các quy trình phát thải nhiều carbon khác.
“Tình trạng cắt điện diễn ra khi việc điều tiết mức phát thải carbon của Trung Quốc xung đột với sự bùng nổ công nghiệp của nước này trong bối cảnh đại dịch”, các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho biết trong một lưu ý gửi khách hàng hôm 27/9.
"Việc cắt giảm sản lượng, nếu kéo dài, có thể làm giảm 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP trong quý IV, dẫn đầu là sản xuất vật liệu".
Nguy cơ kéo lùi tăng trưởng kinh tế
Nền kinh tế Trung Quốc đã chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19 vào năm ngoái, nhưng dữ liệu gần đây đã chỉ ra sự giảm tốc trong tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các ngành công nghiệp thép, nhôm và xi măng đã bị ảnh hưởng bởi những hạn chế về sản lượng, với khoảng 7% công suất sản xuất nhôm bị đình chỉ và 29% sản lượng xi măng toàn quốc bị ảnh hưởng, các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho biết. Họ cũng bổ sung thêm rằng, giấy và thủy tinh có thể là những ngành tiếp theo đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung.
Cuộc khủng hoảng điện của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân. (Ảnh: Asia Times).
“Cú sốc về nguồn cung điện ở nền kinh tế lớn thứ hai và nhà sản xuất lớn nhất thế giới sẽ lan rộng và tác động đến thị trường toàn cầu”, các nhà phân tích tại Nomura cho biết trong một lưu ý gửi khách hàng hôm 24/9.
"Các cú sốc về nguồn cung khiến chúng tôi tiếp tục cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP quý III và quý IV từ 5,1% và 4,4% xuống còn 4,7% và 3%, tương ứng, so với cùng kỳ năm ngoái", bản lưu ý cho biết thêm.
Nomura cắt giảm dự báo GDP năm 2021 của Trung Quốc từ 8,2% xuống còn 7,7%.
Chính phủ Trung Quốc hồi tháng 3 đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức hơn 6%. Các nhà phân tích đã lưu ý rằng, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến chất lượng tăng trưởng kinh tế hơn là tốc độ của nó.
“Chúng tôi tin rằng sẽ là không thực tế khi kỳ vọng Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định trong bối cảnh Bắc Kinh gây ra những cú sốc lớn cho cả phía cung và cầu”, nhà kinh tế trưởng của Nomura Ting Lu cho biết trong báo cáo hôm 24/9.
Trong khi đó, những lo lắng về khả năng trụ vững của “gã khổng lồ” bất động sản Trung Quốc Evergrande đã làm chao đảo các thị trường toàn cầu trong tuần trước. Thị trường bất động sản, cùng với các ngành liên quan như xây dựng, chiếm hơn 1/4 GDP của Trung Quốc, theo ước tính của Moody được công bố trong một báo cáo cuối tháng 7.
Fitch hôm 23/9 đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 8,4% xuống còn 8,1% do kỳ vọng thị trường bất động sản giảm tốc gây áp lực lên nhu cầu trong nước. Các nhà kinh tế khác vẫn chưa cắt giảm dự báo GDP Trung Quốc năm 2021, nhưng đang theo dõi một số lực cản tăng trưởng ngày càng tăng.
Tác động lan tỏa
Khủng hoảng điện ở Trung Quốc, vốn đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong các trung tâm công nghiệp quan trọng ở bờ biển phía Đông và phía Nam trong vài tuần qua, hiện đang lan sang các khu dân cư ở vùng Đông Bắc đất nước.
Tỉnh Liêu Ninh cho biết, sản lượng điện của họ đã giảm đáng kể từ hồi tháng 7, và thiếu hụt nguồn cung đã lên đến mức "nghiêm trọng" vào tuần trước do sản lượng điện từ các khu vực khác giảm và năng lượng gió suy giảm. Tình trạng này dẫn đến không chỉ các công ty công nghiệp mà cả các khu dân cư cũng bị cắt điện vào tuần trước.
Chính quyền thành phố Hồ Lô Đảo, tỉnh Liêu Ninh, đã yêu cầu người dân không sử dụng các thiết bị điện tử tiêu tốn nhiều năng lượng như bình nóng lạnh và lò vi sóng trong các khung giờ cao điểm về sử dụng điện cao như từ 10h sáng đến 12h trưa, 3h chiều đến 4h chiều, và 7h tối đến 8h tối.
Một người dân thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang nằm ở Đông Bắc Trung Quốc nói với Reuters rằng, nhiều trung tâm mua sắm đã đóng cửa sớm hơn thường lệ lúc 4h chiều.
Tình trạng thiếu điện trên toàn quốc đã tác động đến hàng loạt doanh nghiệp, từ các nhà sản xuất nhôm, hóa chất đến thuốc nhuộm, đồ nội thất và bột đậu nành.
“Chúng tôi tin rằng, các thị trường toàn cầu sẽ cảm nhận được sức ép của việc thiếu hụt nguồn cung, từ dệt may, đồ chơi cho đến các chi tiết máy”, Nomura cảnh báo.
Để giảm bớt tình trạng thiếu hụt, Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc đã yêu cầu các công ty than và khí đốt tự nhiên tăng sản lượng để đảm bảo nước này có đủ nguồn cung cấp năng lượng để sưởi ấm trong mùa đông sắp tới, cơ quan quản lý này cho biết hôm 26/9.
Tuần trước, các nhà sản xuất than lớn ở Trung Quốc đã họp để tìm cách giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung và hạn chế tăng giá.
Minh Đức
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (158)