Theo thông tin trên VOV, ngày 2/4, ông Mark Rutte – Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho hay chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, các quốc gia thành viên đã cam kết viện trợ quân sự hơn 20 tỷ euro (khoảng 21,65 tỷ USD) cho Ukraine trong năm nay.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Mark Rutte nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời tái khẳng định cam kết hỗ trợ lâu dài với Kiev của các đồng minh NATO trong bối cảnh những thách thức an ninh hiện nay.
Dự kiến trong ngày 3/4 – 4/4, ngoại trưởng các nước thành viên NATO sẽ họp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về việc hỗ trợ thêm cho Ukraine.
Ông Mark Rutte – Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Ảnh: Reuters
Cũng theo ông Mark Rutte, trong năm 2024, các quốc gia thành viên NATO đã cung cấp cho Ukraine hơn 50 tỷ euro viện trợ quân sự. Con số này vượt quá cam kết được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington (Mỹ) vào tháng 7/2024, nơi các đồng minh cam kết cung cấp ít nhất 40 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm 2024.
Hơn một nửa trong tổng số viện trợ vào năm 2024 đến từ các đồng minh châu Âu và Canada, trong khi Mỹ vẫn là quốc gia đóng góp lớn nhất.
Tổng thư ký NATO nhấn mạnh, ngoài khoản viện trợ hơn 21 tỷ USD của các đồng minh NATO trong năm nay, Ukraine có thể sẽ nhận được 1,5 triệu quả đạn pháo vào năm 2025 như một phần của Sáng kiến đạn dược của Cộng hòa Séc.
TTXVN đưa tin, theo số liệu mới nhất, châu Âu hiện đóng vai trò chủ chốt trong việc hỗ trợ Ukraine, cung cấp tới 60% viện trợ quân sự và gần 2/3 tổng nguồn lực viện trợ cho quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ xung đột.
Các động thái hỗ trợ Kiev của châu Âu càng trở nên mạnh mẽ hơn sau khi có những dấu hiệu về sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, với việc xích lại gần Nga cũng như chuyển trọng tâm từ châu Âu sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hà Lan đã công bố khoản hỗ trợ bổ sung 500 triệu euro cho sáng kiến “Drone Line” của Ukraine, trong khi Đan Mạch cam kết cung cấp 40 triệu euro cho một quỹ đổi mới nhằm hỗ trợ năng lực phòng thủ của Ukraine.
Về phía Nga, Moscow luôn phản đối việc các quốc gia phương Tây viện trợ cho Kiev, cho rằng đây là hành động làm leo thang xung đột.