Theo Ukrainska Pravda, Ngoại trưởng Đức sắp mãn nhiệm Annalena Baerbock đã đến thăm Ukraine vào ngày 1/4. Đây là chuyến thăm thứ 11 của bà đến Kiev, cũng có thể là chuyến thăm cuối cùng của Ngoại trưởng Đức trên cương vị này.
Tại Kiev, Ngoại trưởng Baerbock dự kiến sẽ gặp gỡ các chính trị gia và đại diện xã hội dân sự. Các cuộc thảo luận cũng sẽ bao gồm tiến trình của Ukraine trên con đường hướng tới tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tại nhà ga xe lửa Kiev. Ảnh: Getty Images
Trong chuyến thăm bất ngờ đến Kiev, Ngoại trưởng Đức cho biết Berlin sẽ cung cấp thêm 11,25 tỷ euro (tương đương 12 tỷ USD) viện trợ quân sự cho Ukraine, theo RT. Bà đồng thời khẳng định Đức sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine “mà không có bất kỳ điều kiện hay thay đổi nào”, bất kể sự thay đổi sắp tới của chính phủ Đức.
Trong một tuyên bố trên trang web của Bộ Ngoại giao, Ngoài trưởng Baerbock đã công bố "quyết định của các đảng cầm quyền hiện tại và tương lai" sẽ cung cấp thêm 3 tỷ euro hỗ trợ ngắn hạn cho Ukraine và dành 8,25 tỷ euro viện trợ quân sự cho đến năm 2029. Berlin cũng sẽ ngay lập tức giải ngân 130 triệu euro "quỹ hỗ trợ nhân đạo và ổn định" cho Ukraine.
“Đối với chúng tôi, những người châu Âu, việc thể hiện rằng chúng tôi sát cánh cùng Ukraine là vô cùng quan trọng… Đó là một lý do tại sao tôi đến Ukraine hôm nay”, Ngoại trưởng Baerock chia sẻ.
Được biết, Đức là nước cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai của Ukraine, chỉ sau Mỹ. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Berlin đã cung cấp khoảng 11 tỷ euro viện trợ cho Kiev trong khoảng thời gian từ tháng 1/2022 đến tháng 10/2024.
Trong bối cảnh mối quan hệ dường như đã tan băng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại nắm quyền, Moscow và Washington đã thảo luận về một giải pháp ngoại giao tiềm năng cho cuộc xung đột. Hai bên đã đạt được tiến triển với một thỏa thuận ngừng bắn một phần.
Theo Ngoại trưởng Baerbock, “Ukraine đã sẵn sàng và mong muốn tuân thủ lệnh ngừng bắn ngay lập tức". Tuy nhiên, các quan chức Nga đã báo cáo nhiều hành vi vi phạm thỏa thuận của Ukraine bằng cách nhắm vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở một số địa điểm. Moscow cũng liên tục cáo buộc phương Tây kéo dài cuộc xung đột bằng cách tài trợ cho nỗ lực chiến đấu của Kiev.