Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nga: Vaccine ngừa COVID-19 một liều hiệu quả 70% ngăn ngừa chủng Delta

(DS&PL) -

RDIF dự kiến ​​sẽ sản xuất đủ Sputnik V và Sputnik Light cho 700 triệu người trong năm nay, với khoảng 50% sản lượng đã được đặt ở nước ngoài.

Theo hãng tin Reuters, vaccine Sputnik Light của Nga cho thấy hiệu quả 70% ngăn ngừa biến thể Delta của COVID-19 ba tháng sau khi tiêm. Loại vaccine một liều này có khả năng trở thành vaccine chính của đất nước, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết hôm 13/10 (giờ địa phương).

Phát hiện này là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm giới thiệu Sputnik Light như một loại vaccine độc lập hiệu quả và như một mũi tăng cường có thể kết hợp với các loại vaccine khác không phải của Nga.

Vaccine một liều Sputnik Light được xem là một trong những giải pháp tiềm năng cho các nước có nguồn cung vaccine hạn chế. Ảnh: RT.

RDIF đã trích dẫn dữ liệu do nhà phát triển, Viện Gamaleya, gửi cho trang web y tế medRxiv trước khi đánh giá ngang hàng. Dữ liệu dựa trên 28.000 người đã tham gia tiêm 1 mũi Sputnik Light và một nhóm đối chứng chưa được tiêm chủng bao gồm 5,6 triệu người.

Nga đang "chiến đấu" với tình trạng ca nhiễm COVID-19 gia tăng và sự do dự về vaccine trong nước, trong khi phải "vật lộn" để cạnh tranh trên một số thị trường với vaccine phương Tây do Pfizer (PFE.N), Moderna (MRNA.O) và AstraZeneca (AZN.L) phát triển.

Các quốc gia trên thế giới đang triển khai hoặc xem xét việc sử dụng liều thứ 3 của vaccine Pfizer hoặc Moderna như các mũi tiêm tăng cường mặc dù không có sự đồng thuận khoa học về mức độ sử dụng rộng rãi chúng.

Sputnik Light "đã chứng minh được 70% hiệu quả chống lại sự lây nhiễm từ biến thể Delta trong 3 tháng đầu tiên sau khi tiêm chủng", RDIF cho biết. Quỹ này cũng nói thêm rằng, Sputnik Light có hiệu quả 75% đối với nhóm dưới 60 tuổi và mang lại khả năng phòng vệ vượt trội chống lại các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh.

Kirill Dmitriev, người đứng đầu RDIF, nói với Reuters rằng ông kỳ vọng Sputnik Light sẽ trở thành vaccine ngừa COVID-19 chính của Nga. Ông nói: “Chúng tôi tin rằng Sputnik Light có thể trở thành vaccine chính trong một năm tới".

RDIF dự kiến ​​sẽ sản xuất đủ Sputnik V và Sputnik Light cho 700 triệu người trong năm nay, với khoảng 50% sản lượng đã được đặt ở nước ngoài, ông Dmitriev cho hay. Ông cho biết Nga không muốn có quá 20-25% thị trường toàn cầu và không có tham vọng chiếm vị trí độc quyền.

Argentina là quốc gia đang thử nghiệm kết hợp vaccine Sputnik Light với AstraZeneca, Sinopharm và Moderna. Hai quốc gia khác đang kết hợp vaccine Pfizer và Sputnik Light. 

Alexander Gintsburg, giám đốc Viện Gamaleya, cho biết Sputnik Light được sản xuất dễ dàng và nhanh chóng. Trong khi đó, các nhà sản xuất đã nói với Reuters rằng họ đã gặp khó khăn trong việc sản xuất liều Sputnik V thứ hai. 

RDIF đã hy vọng đạt được sự chấp thuận theo quy định đối với Sputnik V từ Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vài tháng trước, tuy nhiên việc này đã mất nhiều thời gian hơn dự kiến, khiến loại vaccine này không được tiếp cận với nhiều thị trường.

Ông Dmitriev cho biết RDIF dự kiến ​​WHO sẽ phê duyệt Sputnik V để sử dụng vào cuối năm nay. Vào hôm 13/10, WHO cho biết việc phê duyệt vaccine Sputnik V đang bị tạm dừng trong khi chờ một số dữ liệu bị thiếu và các thủ tục pháp lý, mà họ hy vọng sẽ được "giải quyết khá sớm".

Đại diện RDIF cho biết có khả năng EMA cũng sẽ chấp thuận vào cuối năm nay. RDIF đã nhận được phản hồi tích cực từ EU về các thử nghiệm lâm sàn. RDIF đã nộp đơn xin phê duyệt riêng cho hai thành phần được sử dụng trong Sputnik V và Sputnik Light do đó sẽ tự động được phê duyệt cùng một lúc, ông Dmitriev nói thêm.

Ông Dmitriev cho biết Sputnik Light đã được đăng ký ở 15 quốc gia và ông dự kiến ​​nó sẽ được phê duyệt ở 30 quốc gia khác trong tháng tới.

Vaccine Sputnik V 2 liều hiện đã được đăng ký tại 70 quốc gia.

Bích Thảo (Theo Reuters) 

Tin nổi bật