Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nga - Ukraine cùng có động thái liên quan đàm phán hòa bình chấm dứt xung đột

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Phái đoàn Ukraine gặp đại diện trong đội cố vấn thân cận với ông Donald Trump, trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga nêu quan điểm về sáng kiến giải quyết xung đột.

Lập trường của Nga và Ukraine

Ngày 5/12, trang tin Avia Pro đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Moscow đang theo dõi chặt chẽ các tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, theo báo Dân Trí. Trước đó, trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, ông Trump từng nhiều lần tuyên bố rằng sẽ giải quyết xung đột tại Ukraine trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi nhậm chức.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, bất kỳ sáng kiến nào nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine một cách hòa bình đều có thể được xem xét nếu sáng kiến đó tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Moscow.

Ông Ryabkov đồng thời nhấn mạnh, Nga không có ý định từ bỏ các yếu tố cơ bản trong lập trường của mình, bởi Moscow coi đây là một phần không thể thiếu trong lợi ích quốc gia và các ưu tiên chiến lược.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (từ bên trái sang). Ảnh: CNN

Nga nhiều lần tuyên bố trong suốt cuộc xung đột rằng Moscow sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình miễn là tính đến "thực tế trên thực địa", đề cập đến 4 vùng lãnh thổ Ukraine đã sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý năm 2022.

Trong khi đó, Ukraine không công nhận kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý, đồng thời không công nhận bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga năm 2014. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cấm mọi cuộc đàm phán với giới lãnh đạo hiện tại của Nga, bằng một sắc lệnh của tổng thống vào năm 2022.

Tuy nhiên, báo Tin Tức dẫn thông tin từ Wall Street Journal cho biết, nhà lãnh đạo Ukraine đang thay đổi đáng kể giọng điệu về việc chấm dứt xung đột với Nga. Từ một lập trường cứng rắn đòi giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, ông Zelensky giờ đây gợi ý khả năng chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn, với điều kiện phần còn lại của Ukraine được NATO bảo vệ.

Trong những cuộc phỏng vấn gần đây với các hãng thông tấn quốc tế, Tổng thống Zelensky đã gợi ý Ukraine sẽ sẵn sàng "lấy lại lãnh thổ bằng biện pháp ngoại giao".

Ông cũng thẳng thắn thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn mới đây với hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản rằng, quân đội nước này không đủ sức mạnh để đánh bật các lực lượng Nga hoàn toàn và cần tìm giải pháp ngoại giao nhưng nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine.

Ngoài ra, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, việc đảm bảo tư cách thành viên NATO cho Kiev phải là điều kiện để ký kết thỏa thuận ngừng bắn, bởi điều đó sẽ đặt Ukraine vào "thế mạnh" trong trường hợp một cuộc xung đột mới nổ ra với Nga.

Phái đoàn Ukraine gặp đại diện trong đội cố vấn thân cận với ông Trump

Cũng theo Wall Street Journal, Ukraine đã bắt đầu đàm phán với nhóm của ông Trump về các cách thức chấm dứt xung đột với Nga. Cụ thể, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiha ngày 4/12 cho biết ông Andriy Yermak - Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, đã dẫn đầu phái đoàn quan chức Ukraine tới Mỹ để "xây dựng đầu mối liên lạc với chính quyền sắp nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump".

Ông Andriy Yermak - Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine. Ảnh: Reuters

Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho hay, phái đoàn Ukraine đã đến gặp các đại diện cấp cao trong đội cố vấn thân cận với ông Trump tại Washington. Các cuộc đàm phán, đang ở giai đoạn đầu, bao gồm các cuộc thảo luận về các điều kiện nhằm đảm bảo an ninh cho Ukraine và vai trò của Mỹ trong tiến trình hòa bình.

Nhóm cố vấn của ông Trump thảo luận với phái đoàn Ukraine có nghị sĩ Mike Waltz -người sẽ đảm nhiệm vai trò Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ và ông Keith Kellogg - người sẽ trở thành Đặc phái viên tổng thống về Nga và Ukraine. Trước đó, ông Yermak đã gặp bà Susie Wiles - người được ông Trump chọn làm Chánh văn phòng Nhà Trắng, tại Florida.

Các nguồn thạo tin mô tả chuyến thăm của ông Yermak là nỗ lực gửi thông điệp từ Kiev, rằng Ukraine đã sẵn sàng cho đàm phán hòa bình để chấm dứt xung đột với Nga. Thế nhưng, họ cũng muốn thuyết phục đội ngũ cố vấn cho ông Trump rằng Kiev cần hòa bình bền vững, không chỉ là giải pháp ngừng bắn tạm thời.

"Hòa bình trong mơ hồ và tạm bợ không mang lại bất kỳ lợi ích gì cho Ukraine lẫn Mỹ", Wall Street Journal dẫn lời một người am hiểu các nỗ lực của Kiev nhằm bắt liên lạc với ông Trump.

Ngoại trưởng Sybiha chia sẻ, Ukraine muốn thiết lập "liên lạc ở cấp chánh văn phòng tổng thống hai nước", nhấn mạnh kênh đối thoại này có ý nghĩa quan trọng với quan hệ Kiev - Washington một khi ông Trump nhậm chức. Bên cạnh đó, ông tái khẳng định lập trường gia nhập NATO là lựa chọn duy nhất đảm bảo an ninh cho Ukraine và từ chối mọi giải pháp thay thế khác.

Kịch bản kết thúc xung đột

Nhóm của ông Trump đang có lập trường thận trọng hơn về vấn đề tư cách thành viên NATO của Ukraine, coi việc này là không phù hợp ở thời điểm hiện tại.

Theo thông tin trên VnExpress, nhóm cố vấn của ông Trump đang xem xét các phương án khác để thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, trong đó có kịch bản công nhận Nga kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine và tạm thời đóng băng nguyện vọng gia nhập NATO của Kiev trong nhiều năm.

Chiến lược của tổng thống đắc cử trong vấn đề Ukraine vẫn chưa hoàn thiện, phần nào được thể hiện qua sự thiếu thống nhất giữa các cố vấn thân cận về tương lai viện trợ quân sự cho nước này.

Một số cố vấn từng đề xuất tạm ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm gây áp lực buộc Kiev tham gia đàm phán với Moscow. Trong khi đó, ông Kellogg công khai ủng hộ Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng tốc chuyển giao vũ khí cho Ukraine trong thời gian tới, tin rằng điều này sẽ tạo lợi thế trên bàn đàm phán cho ông Trump trong thúc đẩy hòa đàm Nga - Ukraine.

Các nhà phân tích dự đoán rằng quá trình đàm phán giữa các bên có thể sẽ gặp khó khăn. Ảnh minh họa: Reuters

“Ukraine đang ngửa bài những yêu cầu lớn nhất của họ trước thềm đàm phán. Họ thừa hiểu việc gia nhập NATO không thể xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng họ chẳng có lý do gì để nhượng bộ khi đàm phán thậm chí chưa bắt đầu", ông Lucian Kim - chuyên gia về Ukraine tại tổ chức tư vấn chính sách Nhóm Xung đột Quốc tế (ICG) nói.

Theo dự đoán của các nhà phân tích, quá trình đàm phán giữa các bên có thể sẽ gặp khó khăn. Tình hình trở nên phức tạp do các đồng minh phương Tây của Ukraine không có lập trường thống nhất.

Một số quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp và Đức, ủng hộ ý tưởng tăng cường đàm phán hòa bình, trong khi Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic tin rằng nhượng bộ Nga sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm.

Tin nổi bật