Hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết: "Sáng 18/4, Không quân Nga đã tiến hành một cuộc không kích chính xác bằng tên lửa nhằm vào Trung tâm Hậu cần số 124 của quân đội Ukraine gần thành phố Lviv. Trung tâm hậu cần này cùng với một lượng lớn vũ khí của Mỹ và các nước châu Âu chuyển cho Ukraine 6 ngày qua đã bị phá hủy".
Ảnh chụp màn hình Nga nhắm mục tiêu vào cơ sở hậu cần quân sự của Ukraine ngày 18/4. Ảnh: Sputnik
Trước đó, ngày 16/4, ông Konashenkov cũng thông báo, một máy bay vận tải quân sự của Ukraine đã bị bắn rơi trên không ở khu vực Odesa trong khi đang chuyển một lượng lớn vũ khí được các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine.
Nga nhiều lần nói rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là hành động nguy hiểm và cảnh báo các lô vũ khí viện trợ của nước ngoài vào Ukraine có thể trở thành "mục tiêu chính đáng" của lực lượng Nga.
Nga thậm chí đã trao công hàm cho Mỹ, đề nghị Washington ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, nếu không sẽ phải đối mặt với "hậu quả không thể lường trước".
Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh NATO vẫn tiếp tục tăng cường vận chuyển xe tăng, trực thăng và các vũ khí hạng nặng cho Ukraine giữa bối cảnh các lực lượng của nước này đang chuẩn bị cho cuộc xung đột trên quy mô lớn với Nga ở khu vực Donbass.
Những đợt vận chuyển vũ khí mới đây đã cho thấy sự dịch chuyển về mức độ ủng hộ của phương Tây với Ukraine so với những ngày đầu. Những đợt vận chuyển này cũng cho thấy sự dịch chuyển về tính chất của các hệ thống vũ khí từ các hệ thống phòng thủ như các tên lửa chống tăng sang các hệ thống vũ khí thiên về tấn công hơn.
Đầu tháng này, Cộng hòa Séc đã quyết định vận chuyển xe tăng cho Ukraine, trở thành quốc gia NATO đầu tiên có động thái này kể từ Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2. Cộng hòa Séc cũng cung cấp các xe chiến đấu bộ binh và các hệ thống pháo binh cho Ukraine.
Các quốc gia NATO khác cũng có bước đi tương tự khi vận chuyển vũ khí quân sự hạng nặng cho Ukraine dọc biên giới NATO. Slovakia đã cung cấp cho Ukraine một hệ thống phòng không S-300 tiên tiến trong khi ngày 13/4, Mỹ thông báo sẽ cung cấp thêm cho Ukraine các thiết bị quân sự có giá trị khoảng 800 triệu USD.
Mỹ lần đầu đồng ý cung cấp cho Kiev các loại vũ khí có khả năng chiến đấu cao mà một số quan chức chính quyền ông Biden cách đây vài tuần cho là quá lớn trước nguy cơ leo thang căng thẳng, bao gồm 11 trực thăng Mi-17, 18 khẩu pháo 155 mm Howitzer và 300 máy bay không người lái Switchblade.
Tuy nhiên, việc vận chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine không hề đơn giản. Ngoài sự cồng kềnh của bản thân các vũ khí và phương tiện thì bất kỳ đợt vận chuyển nào cho Ukraine đều cần nhiều quy trình hậu cần phức tạp theo sau, bao gồm việc huấn luyện, các phụ tùng thay thế và bảo trì để đảm bảo các phương tiện hoạt động trên chiến trường.
Mộc Miên (T/h)