(ĐSPL) - Leo thang căng thẳng trên biên giới Nga-Ukraina có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường và Kiev sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về điều đó.
|
Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo Kiev về những hậu quả khôn lường của việc quân đội Ukraina nã pháo sang lãnh thổ Nga. |
Bộ Ngoại giao Nga đã cảnh báo như trên, sau khi quân đội Ukraina nã pháo vào lãnh thổ Nga. Theo đài Tiếng nói nước Nga, dư luận đang tranh cãi sôi nổi về khả năng Nga sẽ phát động các cuộc tấn công trả đũa.
Trong ngày Chủ Nhật vừa qua (13/7), lại có thêm một công dân Nga bị quân đội Ukraina sát hại. Một người đàn ông bị giết chết gần nhà mình ở khu vực Rostov trên đất Nga do vụ pháo kích của quân đội Ukraina. Nếu trước đây các nhà báo Nga và những người dân Ukraina đã chết trên lãnh thổ Ukraina, thì bây giờ chiến tranh đã vượt biên giới vào Nga.
Đại diện lâm thời của Ukraina tại Liên bang Nga đã được ngay lập tức mời đến Bộ Ngoại giao, nơi ông đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin cho biết: “Vụ này là sự leo thang về chất của mối nguy cơ đe dọa công dân Nga trên lãnh thổ của chúng ta. Rõ ràng là, cần phải đáp trả hành động này. Vụ tấn công này một lần nữa cho thấy rằng cần phải ngay lập tức chấm dứt tình trạng đổ máu, nối lại đàm phán trong khuôn khổ nhóm liên lạc bao gồm đại diện của các bên tham gia xung đột, thực hiện các thỏa thuận đã đạt được”.
Mátxcơva sẽ phản ứng cứng rắn và cụ thể. Đại diện của Kiev đã được cảnh báo như vậy.
Trên báo chí xuất hiện thông tin rằng nếu phía Ukraina lại thực hiện những hành động xâm phạm lãnh thổ Nga, thì Mátxcơva sẽ giáng đòn “đáp trả chính xác”. Nga sắp hết kiên nhẫn với Kiev.
Giám đốc Viện các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) Konstantin Zatulin nhấn mạnh: “Nếu Ukraina tiếp tục nã pháo vào lãnh thổ Nga, chúng ta không có cách nào khác ngoài việc sử dụng vũ lực để tiêu diệt các hỏa điểm, nơi lính Ukraina tấn công vào lãnh thổ Nga. Chúng ta thấy Israel làm những gì khi lãnh thổ của họ bị tấn công. Tôi không kêu gọi sử dụng những biện pháp quy mô lớn như vậy. Nhưng, nếu có nguy cơ đe dọa cuộc sống và tài sản của cư dân trên lãnh thổ Nga, thì không có cách nào khác là chúng ta cần phải đáp trả. Trong thời gian khá dài chúng ta đã thể hiện thái độ kiên nhẫn. Đã đến lúc thông qua quyết định cứng rắn để khu vực Nga gần biên giới với Ukraina không bị biến thành chiến trường. Đòi hỏi chấm dứt chiến sự ở khu vực ven biên phải được nêu lên ở cấp độ chính trị. Và nếu yêu cầu này không được thực hiện thì phải giáng đòn vào các hỏa điểm đã bắn vào lãnh thổ Nga”.
Các nhà phân tích có những ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng, có những thế lực cố ý gây khiêu khích để Nga tiến hành những hành động quân sự, để sau đó buộc tội Nga thực hiện cuộc xâm lược và đòi cô lập Nga về chính trị và kinh tế. Nếu nói về các biện pháp trừng phạt và ý đồ cô lập Nga, thì những nước làm theo khuyến cáo của Mỹ gây rắc rối cho Nga đã làm như vậy, không phụ thuộc vào tình hình thực tế ở Ukraina.
Tuy nhiên, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi - tất cả các nước thành viên BRICS – không hưởng ứng lời kêu gọi cô lập Nga. Một số quốc gia Châu Âu cũng cố gắng có cái nhìn khách quan và hành động theo quan điểm riêng. Và hầu hết các nước đều đồng ý rằng mỗi quốc gia đều có quyền bảo vệ công dân của mình trong khuôn khổ được pháp luật qui định.