RT đưa tin ngày 17/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cảnh báo Moscow sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào của Kiev vào các mục tiêu của Nga bằng tên lửa Taurus do Đức cung cấp là hành động tham gia trực tiếp của Berlin vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuyên bố của bà Maria Zakharova được đưa ra sau khi thủ tướng Đức sắp nhậm chức Friedrich Merz cho biết sẵn sàng cung cấp cho Kiev tên lửa hành trình tầm xa Taurus. Loại tên lửa này có tầm bắn 500km, chúng có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Trước đó, Quyền thủ tướng Đức hiện tại Olaf Scholz từng nhiều lần từ chối yêu cầu cung cấp tên lửa của Kiev, với lý do lo ngại xung đột sẽ leo thang.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova. Ảnh: Reuters
Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Zakharova cho biết ngay cả khi các tên lửa được chuyển giao cho Ukraine, chúng vẫn do Đức kiểm soát, nghĩa là Berlin sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.
“Việc bắn tên lửa hành trình này là không thể nếu không có sự hỗ trợ trực tiếp của quân nhân Đức, một cuộc tấn công vào bất kỳ cơ sở nào của Nga, cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng... tất cả những điều này sẽ được coi là sự tham gia trực tiếp của Đức vào các hoạt động quân sự”, bà Zakharova cho biết.
Đầu tuần này, trong một cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông Đức, ông Merz tuyên bố ông có thể cung cấp tên lửa Taurus cho Kiev và tránh can thiệp trực tiếp vào chính cuộc xung đột. “Lực lượng Ukraine nên sử dụng tên lửa để phá hủy “mối liên kết trên bộ quan trọng nhất giữa Nga và Crimea”, Merz gợi ý, được cho là ám chỉ đến Cầu Crimea.
Đại sứ Nga tại Đức, Sergey Nechaev, cũng cảnh báo mặc dù việc chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine sẽ không làm thay đổi tình hình chiến trường, nhưng chúng có thể dẫn đến leo thang xung đột và khiến Moscow phải thực hiện các biện pháp trả đũa.
Tên lửa Taurus KEPD-350 là một trong những hệ thống vũ khí hiện đại nhất của quân đội Đức. Tên lửa dài 5 m, nặng 1,4 tấn và di chuyển với tốc độ lên tới 1.170 km/giờ (gần bằng tốc độ âm thanh).
Taurus sở hữu động cơ phản lực cánh quạt thay vì động cơ phản lực thông thường, giúp đẩy không khí qua lõi động cơ và do đó tầm bắn của tên lửa sẽ xa hơn, lên tới 500 km.
Một ưu điểm khác của Taurus là tên lửa này bay ở độ cao chỉ 35 m khiến hệ thống radar gần như không thể phát hiện.
Taurus sử dụng bốn hệ thống định vị độc lập để xác định mục tiêu. Tên lửa này sở hữu hệ thống điều hướng tham chiếu địa hình giúp nó rà soát mặt đất, cùng hệ thống cảm biến hình ảnh nên có thể sử dụng cầu, sông hoặc ngã tư để định hướng. Ngoài ra, Taurus cũng định vị bằng cách liên tục đo lường chuyển động của chính nó để xác định chính xác vị trí của mục tiêu.