(ĐSPL) - Cuộc khủng hoảng Ukraine đã tạo ra sự đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Mỹ và Nga thời "hậu Chiến tranh lạnh".
Quốc hội Crimea đã quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập bán đảo này vào Liên bang Nga. Điều đó có thể gây ra hiệu ứng domino ở các khu vực khác của Ukraine. Nga đã tổ chức một cuộc tập trận lớn và phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, trong khi Mỹ đã điều một đội tàu chiến tới Biển Đen và đẩy mạnh việc triển khai quân sự ở Lithuania.
|
Đối đầu Mỹ-Nga đe dọa phá hỏng chiến lược "xoay trục" sang Châu Á của Washington. |
Mỹ và Châu Âu đổ lỗi cho Nga xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Washington đã đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại và trao đổi quân sự với Nga và không gửi đội tuyển tham dự Paralympic ở Sochi. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh phong tỏa tài sản của các quan chức, các tổ chức và các cá nhân Nga ở Mỹ cũng như hạn chế nhập cảnh của công dân Nga. Liên minh Châu Âu xem ra mềm mỏng hơn, khi Đức và Pháp không muốn đối đầu trực tiếp với Nga và phản đối việc khai trừ Nga khỏi Nhóm G-8.
Các biện pháp trừng phạt thương mại và răn đe quân sự có thể không đạt được hiệu quả mong muốn của Washington và sẽ chỉ nhấn mạnh sự bất lực về ngoại giao của Tổng thống Obama.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Ileana Ros-Lehtinen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói ngay từ đầu Tổng thống Mỹ đã thiếu quyết tâm ngăn chặn Nga, trong khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tỏ ý nghi ngờ khả năng xử lý khủng hoảng của ông Obama. Ông này lưu ý rằng Washington không học được gì từ những bài học của cuộc xung đột quân sự Nga-Gruzia năm 2008. Khi Mỹ cần sự hợp tác của Nga trong việc giải quyết các vấn đề Afghanistan, Syria và Iran , xử lý sai cuộc khủng hoảng Ukraine có thể dẫn đến sự cô lập của Mỹ trên trường quốc tế.
Mặc dù khó có thể xảy ra một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Nga về Ukraine, nhưng đối đầu kéo dài có thể khiến cho cả hai bên bị kiệt quệ. Trung Quốc cũng đã nhập cuộc liên quan đến vấn đề Ukraine, với Chủ tịch Tập Cận Bình hy vọng sẽ có một giải pháp chính trị cuối cùng, trong khi ngầm gán tình hình hỗn độn hiện nay là do phe đối lập được phương Tây hậu thuẫn vi phạm một thỏa thuận hồi tháng 2/2014 đã ký với Tổng thống Viktor Yanukovich.
Cuộc đối đầu Nga-Mỹ về Ukraine chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự triển khai chiến lược của Washington trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Bị hạn chế bởi ngân sách quân sự bị cắt giảm, Mỹ không có khả năng thực hiện chiến lược tái cân bằng (xoay trục) ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nếu đẩy mạnh việc triển khai quân đội ở Đông Âu.
Trong một bài báo gần đây, học giả Mỹ John Mear-Shiemer chỉ ra rằng với việc Trung Quốc ngày càng thách thức sự thống trị với Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thời gian xem ra không ủng hộ cả Đài Loan lẫn Mỹ.
Nếu bị sa lầy vào cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ khó có thể can thiệp vào cuộc chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Minh Đức (theo WantChinaTimes)