RT đưa tin, ngày 4/1, Ngoại trưởng Mỹ sắp mãn nhiệm Antony Blinken thừa nhận rằng Washington đã cung cấp "rất nhiều vũ khí" cho Ukraine trong những tháng trước khi xung đột giữa Moscow và Kiev nổ ra vào đầu vào tháng 2/2022.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã đưa ra những tuyên bố trên khi phát biểu trên podcast 'The Interview' của tờ New York Times. Theo ông Blinken, Mỹ đã nhìn thấy được xung đột giữa Nga và Ukraine "sắp xảy ra" và muốn Kiev "chuẩn bị" cho điều đó.
“Bắt đầu từ tháng 9 và sau đó là vào tháng 12, chúng tôi đã âm thầm chuyển rất nhiều vũ khí cho Ukraine để đảm bảo rằng họ có trong tay những thứ họ cần - những thứ như Stingers, Javelin mà họ có thể sử dụng”, ông Blinken nói.
Ông Blinken đồng thời khẳng định rằng vũ khí này đã chứng minh được "công dụng" trong trên chiến trường.
Ngoại trưởng Mỹ sắp mãn nhiệm Antony Blinken. Ảnh: Getty
Phản ứng trước thông tin trên của ông Blinken, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng chính việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Kiev trước thời điểm tháng 2/2022 là một trong những nguyên nhân buộc Nga phải thực hiện chiến dịch "quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
Bà Zakharova nói rằng, từ lâu Nga đã lên án hoạt động cung cấp vũ khí của Mỹ và Anh cho Ukraine cũng như các cuộc tập trận do NATO tổ chức ở Biển Đen.
"Đây là một trong những sứ mệnh chính trong chiến dịch quân sự đặc biệt của chúng tôi: Phi quân sự hóa Ukraine và đảm bảo an ninh quốc gia của chính chúng tôi", bà Zakharova tuyên bố.
Mới đây, hôm 30/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói viện trợ an ninh bổ sung trị giá 2,5 tỷ USD cho Ukraine. Ông Biden được cho là đang tận dụng những tuần cuối cùng tại nhiệm để đẩy mạnh viện trợ quân sự cho Kiev trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức lên nắm quyền.
"Theo chỉ đạo của tôi, Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để tăng cường vị thế của Ukraine trong cuộc chiến này trong thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của tôi", tuyên bố của ông Biden nêu rõ.
Tổng thống Biden cũng cho hay gói viện trợ mới sẽ cung cấp cho Ukraine nguồn lực tức thì mà nước này tiếp tục sử dụng hiệu quả trên chiến trường và nguồn cung dài hạn về phòng không, pháo binh, và các hệ thống vũ khí quan trọng khác.
Một lô hàng viện trợ quân sự từ Mỹ đến sân bay Boryspil ở ngoại ô Kiev. Ảnh: Al Jazeer
Sau gần 3 năm xung đột, Washington đã cam kết tổng cộng 175 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, nhưng không chắc chắn khoản viện trợ này sẽ tiếp tục được thực hiện ở mức độ đó dưới thời ông Trump - người sẽ thay thế ông Biden vào ngày 20/1/2025. Ông Trump từng tuyên bố muốn nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến này.
Chính quyền ông Biden đang đẩy mạnh viện trợ để tăng cường vị thế của Ukraine trên bàn đàm phán trước khi ôngTrump nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Ông Trump đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy một thỏa thuận giữa Ukraine và Nga, khiến nhiều nhà lãnh đạo phương Tây lo ngại điều này có thể không mang lại lợi ích cho Kiev và có khả năng làm giảm mức độ hỗ trợ quân sự.