Hôm nay 18/2, các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Mỹ đã tiến hành hội đàm tại Riyadh, Ả rập Xê út để tìm cách khôi phục quan hệ ngoại giao, chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump, đồng thời mở đường cho việc giải quyết xung đột ở Ukraine.
Phái đoàn Nga do Ngoại trưởng Sergey Lavrov dẫn đầu. Ngoài ra, các quan chức của phái đoàn Nga còn bao gồm Yury Ushakov, trợ lý chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Putin, và Kirill Dmitriev, Tổng giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF).
Phái đoàn Mỹ gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, Mike Waltz, và Steve Witkoff, đặc phái viên về Trung Đông.
Cả Ukraine và EU đều không có đại diện tham dự hội đàm.
Ngoại trưởng Nga – Mỹ gặp nhau trước thềm đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine. Ảnh: CNN
Đây là cuộc đàm phán quan trọng nhất từ trước đến nay giữa hai nước từ thời Chiến tranh Lạnh về việc chấm dứt xung đột tại Ukraine. Cuộc đàm phán đánh dấu bước đi lớn nữa của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc đảo ngược chính sách cô lập Nga, mà Washington xây dựng từ thời cựu Tổng thống Joe Biden.
Các cuộc đàm phán diễn ra một ngày sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu họp thượng đỉnh khẩn cấp tại Paris (Pháp) nhằm thống nhất một chiến lược chung trước động thái của ông Trump thúc đẩy đàm phán với Nga về Ukraine.
Hội nghị đã kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng để nâng cao năng lực phòng thủ của châu lục. Tuy nhiên, hiện các nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine sau khi xung đột kết thúc.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (trái) bên cạnh Thủ tướng Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman. (Ảnh: Reuters)
Tuần trước, Tổng thống Nga - Mỹ đã có cuộc điện đàm lần đầu tiên, kể từ khi ông Trump chính thức nhậm chức hồi tháng 1. Sau cuộc trò chuyện, ông Trump cho biết việc Ukraine gia nhập NATO là không thực tế, và Kiev có rất ít cơ hội giành lại lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga.
Moscow cũng nhấn mạnh, xung đột ở Ukraine chỉ có thể được giải quyết, nếu Ukraine cam kết trung lập vĩnh viễn, phi quân sự hóa, và công nhận "thực tế mới" trên thực địa.
Theo bản tin của Bloomberg, chính quyền ông Trump muốn thúc đẩy lệnh ngừng bắn sớm nhất là vào 20/4, dịp Lễ Phục sinh. Ông Kellogg cũng tuyên bố rằng trong tương lai gần, Mỹ có thể công bố một kế hoạch hòa bình.
Phản ứng trước những bình luận hòa giải đối với Nga của quan chức Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh: "Mỹ đang nói những điều có lợi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, vì họ muốn làm hài lòng ông ấy".