Ngày 17/2, The Telegraph đưa tin một dự thảo mật được cho là đã được trình lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nêu chi tiết một thỏa thuận kinh tế quan trọng với Mỹ, làm dấy lên lo ngại về chủ quyền của Ukraine đối với tài nguyên thiên nhiên của mình.
Tài liệu này được đề ngày 7/2/2025, đánh dấu là “Đặc quyền & Bảo mật”, đề xuất một gói bồi thường trị giá 500 tỷ USD – con số vượt qua nhiều khoản bồi thường trong lịch sử. The Telegraph cho rằng có vẻ như thỏa thuận do các luật sư tư nhân viết, chứ không phải xuất phát từ Bộ Ngoại giao hoặc Thương mại Mỹ, theo thông tin trên báo Người Lao Động.
Cụ thể, thỏa thuận đều xuất Mỹ và Ukraine nên thành lập một quỹ đầu tư chung để bảo đảm "các bên thù địch trong cuộc xung đột không được hưởng lợi từ việc tái thiết Ukraine". Thỏa thuận bao gồm "giá trị kinh tế liên quan tài nguyên của Ukraine", trong đó có "tài nguyên khoáng sản, tài nguyên dầu khí, cảng biển, cơ sở hạ tầng khác theo thỏa thuận".
Mỹ sẽ lấy 50% doanh thu định kỳ mà Ukraine nhận được từ việc khai thác tài nguyên và 50% giá trị tài chính của "tất cả giấy phép mới được cấp cho bên thứ ba" để kiếm tiền từ tài nguyên trong tương lai. Sẽ có "quyền thế chấp đối với các khoản doanh thu" có lợi cho Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ sẽ có quyền ưu tiên mua các khoáng sản quan trọng trong tương lai, bao gồm đất hiếm, dầu và khí đốt. Các điều khoản pháp lý trong tài liệu cho thấy thỏa thuận sẽ tuân theo luật pháp New York, trao cho Mỹ ảnh hưởng rộng rãi đối với lĩnh vực tài nguyên của Ukraine.
Một dự thảo mật được cho là đã được trình lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nêu chi tiết một thỏa thuận kinh tế quan trọng với Mỹ. Ảnh minh họa: Quỹ Tài sản Nhà nước Ukraine
Một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận mô tả các điều khoản này là một cam kết kinh tế lớn đối với Ukraine. “Điều khoản này về cơ bản có nghĩa là, ‘Trả tiền cho chúng tôi trước, rồi mới lo cho con cái các bạn’”, một nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán nói.
Văn bản nêu rõ: "Đối với tất cả giấy phép trong tương lai, Mỹ sẽ có quyền từ chối đầu tiên (ROFR) đối với việc mua khoáng sản có thể xuất khẩu". Washington sẽ có quyền miễn trừ chủ quyền và nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ đối với hầu hết nền kinh tế hàng hóa và tài nguyên của Ukraine.
Quỹ đầu tư sẽ “có quyền độc quyền xây dựng phương pháp, tiêu chí lựa chọn, điều khoản và điều kiện” của mọi giấy phép và dự án trong tương lai.
Theo thông tin trên Báo Tin Tức, dự thảo thỏa thuận nói trên được cho là đã gây báo động tại Kiev, khi các quan chức cân nhắc những tác động lâu dài của một thỏa thuận kinh tế như vậy.
Mặc dù trước đó Tổng thống Zelensky đã gợi ý việc trao cho Mỹ cổ phần trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng của Ukraine nhằm khuyến khích viện trợ quân sự nhưng quy mô của những điều khoản này dường như vượt ngoài mong đợi.
Đề xuất trong thoả thuận đã được so sánh với các mô hình bồi thường trong lịch sử, với một số nhà phân tích lưu ý rằng thỏa thuận này sẽ chiếm tỷ lệ lớn hơn GDP của Ukraine so với các khoản bồi thường của Đức sau Thế chiến thứ nhất theo Hiệp ước Versailles. Đồng thời, tài liệu này được cho là không áp đặt các yêu cầu tài chính tương tự đối với Liên bang Nga.
Trong cuộc phóng vấn với Fox News, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Ukraine đã “về cơ bản đồng ý” cung cấp 500 tỷ USD, với lý do nước này sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên quý giá.
“Họ có những vùng đất vô cùng giá trị về đất hiếm, về dầu khí, về nhiều thứ khác”, ông Trump nói và cảnh báo rằng nếu không có thỏa thuận thì Ukraine có nguy cơ đối mặt với bất ổn kéo dài.
Tổng thống Mỹ chia sẻ: “Họ có thể đạt được thỏa thuận. Họ có thể không đạt được thỏa thuận. Họ có thể thuộc về Liên bang Nga vào một ngày nào đó, hoặc có thể không. Nhưng tôi muốn lấy lại số tiền này”.
Ông cũng cho rằng Mỹ đã đóng góp 300 tỷ USD cho nỗ lực của Ukaine trong cuộc xung đột, đồng thời nhấn mạnh việc tiếp tục viện trợ mà không có sự hoàn trả sẽ không bền vững. Tuy nhiên, hồ sơ Quốc hội cho thấy tổng số viện trợ đã được phê duyệt chỉ là 175 tỷ USD và phần lớn trong số đó được sử dụng để sản xuất vũ khí tại Mỹ hoặc được cung cấp dưới dạng khoản vay theo Đạo luật Lend-Lease.
Các mỏ khoáng sản của Ukraine, bao gồm lithium, titan, uranium và đất hiếm, ngày càng trở thành tâm điểm trong các cuộc thảo luận địa chính trị. Một số tài nguyên này nằm gần tiền tuyến hoặc trong các khu vực bị Liên bang Nga chiếm đóng, làm dấy lên lo ngại về an ninh dài hạn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: EPA-EFE/Shutterstock
Theo báo cáo, đối với các quan chức Ukraine, Diễn đàn An ninh Munich là một sự sắp xếp về mặt ngoại giao đầy thách thức. Họ tham gia các cuộc thảo luận kinh tế nhưng nhấn mạnh rằng dự thảo thỏa thuận hiện tại không tuân thủ luật pháp Ukraine và cần phải sửa đổi đáng kể.
Tuy Ukraine sở hữu nhiều tài nguyên nhưng việc khai thác chúng phải đối mặt với biến động thị trường và rủi ro địa chính trị. Trung Quốc hiện đang thống trị ngành đất hiếm nhưng các mỏ của Kiev có thể góp phần đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ukraine cũng sở hữu một trong những mỏ lithium lớn nhất châu Âu, mặc dù sự cạnh tranh từ các nguồn như McDermitt Caldera của Nevada ảnh hưởng đến tầm quan trọng chiến lược của nó.
Trong lĩnh vực pin, xu hướng chuyển sang các công nghệ thay thế và tái chế đang làm giảm nhu cầu đối với cobalt khai thác mới, tác động đến các mỏ của Ukraine. Tương tự, khí đá phiến và hydrocarbon vẫn khó khai thác, khiến các chuyên gia năng lượng nhấn mạnh năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân là những lựa chọn khả thi hơn.
Bất chấp tiềm năng của mình, sự giàu có về tài nguyên của Ukraine phụ thuộc vào điều kiện thị trường, tiến bộ công nghệ và sự ổn định địa chính trị. Việc đáp ứng một thỏa thuận bồi thường 500 tỷ USD, thậm chí trong dài hạn, sẽ là một cam kết tài chính lớn.
Đối với Ukraine, việc từ chối thỏa thuận trên có thể không phải là một lựa chọn do áp lực quân sự đang diễn ra và nhu cầu tiếp tục nhận hỗ trợ từ đồng minh. Khi các cuộc thảo luận tiếp tục, Kiev phải cân bằng giữa việc đảm bảo viện trợ và bảo vệ chủ quyền kinh tế lâu dài của mình, định hình cả nền kinh tế hậu chiến và khuôn khổ an ninh quốc gia.
Trước đó, ông Keith Kellogg – đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề Nga và Ukraine từng khẳng định sẽ không có bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào bị áp đặt lên Ukraine và rằng quyết định chấm dứt xung đột sẽ do chính Ukraine đưa ra.