"Châu Âu đang nói rất nhiều về lực lượng gìn giữ hòa bình từ Pháp, Anh và các nước khác. Điều này là có thật. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều hiểu các thủ tục triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình. Cho đến nay, vẫn chưa có cuộc thảo luận đáng kể nào về vấn đề này", Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hôm 17/2.
Liên quan đến khả năng triển khai quân gìn giữ hòa bình của Anh hoặc Đức tại Ukraine, ông Peskov tuyên bố: "Khó có thể thảo luận về vấn đề này...Đây là các quốc gia thành viên NATO, vì vậy nếu quân đội của họ được triển khai tại Ukraine, điều đó sẽ dẫn đến những tình huống phức tạp đáng kể".
Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Konstantin Kosachev cũng cảnh báo việc NATO triển khai lực lượng và vũ khí tới Ukraine sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn đáng kể.
"Đây sẽ là bước leo thang lớn. Tôi ủng hộ việc đảm bảo rằng các thỏa thuận trong tương lai về tình trạng của Ukraine cũng như giải quyết xung đột sẽ cấm rõ ràng việc triển khai lực lượng và vũ khí của NATO tại đó", ông Kosachev nhấn mạnh.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Reuters
Trước đó, hôm 15/2, ông Keith Kellogg - đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump về Ukraine đã phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức, tuyên bố Mỹ sẽ đóng vai trò trung gian cho các cuộc đàm phán về hòa bình Ukraine, trong đó Moscow và Kiev là hai bên tham gia chính, đồng nghĩa châu Âu sẽ không góp mặt.
Phát biểu trên đã khiến châu Âu bất bình, bởi họ cũng là bên đóng góp quan trọng cho viện trợ quân sự, tài chính tới Ukraine trong gần ba năm xung đột.
Một số lãnh đạo châu Âu thẳng thắn tuyên bố không chấp nhận bị loại khỏi các cuộc đàm phán và Mỹ, Nga "không thể thảo luận tương lai của Ukraine hoặc cấu trúc an ninh châu Âu mà không có người châu Âu"
Đáp lại, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho rằng thay vì than phiền về vấn đề châu Âu có được tham gia đàm phán hay không, các lãnh đạo châu lục cần "tham gia vào cuộc tranh luận bằng cách đưa ra đề xuất, ý tưởng cụ thể và tăng chi tiêu quốc phòng".
Hiện một nhóm nước châu Âu, do Anh và Pháp dẫn đầu, đang lên phương án đưa quân đến Ukraine nhằm giúp đảm bảo an ninh cho nước này và thực thi bất cứ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào với Nga.
"Tôi sẽ không đề cập đến các năng lực cụ thể để thực hiện điều đó, nhưng tôi cho rằng nếu hòa bình được lập lại, chúng ta cần có một số phương án đảm bảo an ninh cho Ukraine và Anh sẽ tham gia vào quá trình đó", Thủ tướng Anh Keir Starmer ngày 13/2 nói.
Giới chức châu Âu bắt đầu tìm hiểu về việc triển khai quân tới Ukraine từ khoảng một năm trước, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố không loại trừ khả năng triển khai lực lượng quân sự đến Ukraine.
Ý tưởng của ông Macron đã tạo ra làn sóng phản ứng gay gắt ở châu Âu, đặc biệt là từ các lãnh đạo Đức và Ba Lan, nhưng ý tưởng của ông đã gây chú ý kể từ đó.
Tuy nhiên, theo Kiev, một sứ mệnh quân sự chỉ có châu Âu tham gia sẽ không hiệu quả. "Mọi đảm bảo an ninh đều không thể thành công nếu thiếu người Mỹ", Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha hôm 13/2 cảnh báo.