Ngày 21/7, RiaNovosti dẫn thông báo của Nord Stream AG, công ty vận hành đường ống Nord Stream 1, xác nhận, tuyến đường ống khí đốt chính từ Nga sang Đức đã vận hành trở lại sau 10 ngày bảo trì, đúng lịch trình mà Moscow thông báo trước đó.
Dữ liệu của Nord Stream AG cho thấy, có khoàng 1,9 triệu mét khối khí được chuyển qua Nord Stream 1 từ lúc 7h đến 8h sáng (giờ Moscow, tức từ 11h đến 12h, giờ Hà Nội).
Một cơ sở trên hệ thống đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.
Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt lớn của Nga cho châu Âu, mỗi năm vận chuyển khoảng 55 tỷ mét khối khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU), nơi đã nhập khoảng 140 tỷ mét khối từ Nga trong năm 2021.
Từ khi Nord Stream 1 bắt đầu 10 ngày bảo trì, nhiều nước châu Âu lo ngại Nga có thể kéo dài thời gian ngừng cung cấp khí đốt để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, làm xáo trộn kế hoạch tích trữ cho mùa đông và đẩy cuộc khủng hoảng khí đốt tại khu vực leo thang.
Nga đầu tuần này khẳng định mọi đồn đoán Nord Stream 1 dừng hoạt động sau bảo trì là "không phù hợp". Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/7 tuyên bố tập đoàn năng lượng Gazprom sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cung cấp khí đốt cho châu Âu, song cho biết công suất của Nord Stream 1 có thể bị giảm thêm do tiến độ bảo trì chậm chạp.
Nếu không có khí đốt của Nga, châu Âu khó có đủ nguồn cung cấp nhiên liệu cho các hộ gia đình cũng như phục vụ hoạt động kinh tế trong mùa đông. Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cảnh báo, dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream có thể giảm xuống 20% ngay trong tuần tới.
Để đối phó với tình huống xấu nhất là Nga khóa luôn đường ống này, hôm 20/7, EU đã đưa ra kế hoạch khẩn cấp, yêu cầu các nước thành viên cắt giảm sử dụng khí đốt 15% cho đến đầu năm sau.
"Nga đang sử dụng năng lượng làm vũ khí và vì vậy, trong bất cứ tình huống nào, dù là cắt giảm phần lớn hay hoàn toàn khí đốt Nga, châu Âu cần phải sẵn sàng" - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói.
Trong khi đó, phương Tây cũng đang cân nhắc áp giá trần đối với dầu mỏ Nga để gia tăng sức ép lên Moscow. Mức giá trần mà Mỹ và các nước đồng minh đang thảo luận đối với dầu mỏ Nga là khoảng 40-60 USD/thùng. Nga cảnh báo sẽ ngừng xuất khẩu dầu nếu giá trần thấp hơn chi phí sản xuất.
Mộc Miên (Theo Reuters)